Những động thái mới đây nhất ở cả hai phía đã làm cho mối quan hệ giữa Triều Tiên và Hàn Quốc trở nên căng thẳng rõ rệt. Chúng thậm chí còn làm tiêu tan gần như tất cả những gì hai bên đã đạt được trong nhiều năm trở lại đây về giảm căng thẳng, đối địch và nguy cơ xảy ra đụng độ quân sự trên thực địa giữa hai nước này.
Đối lại việc Triều Tiên dồn dập phóng tên lửa và xác lập trong hiến pháp sự sẵn sàng sử dụng cả vũ khí hạt nhân trong trường hợp đất nước bị tấn công, phía Hàn Quốc thúc đẩy mạnh mẽ và thực chất mối quan hệ đồng minh quân sự chiến lược truyền thống song phương với Mỹ và liên kết an ninh ba bên với Mỹ và Nhật Bản. Chỉ như thế không thôi cũng đã đủ để mọi vấn đề chính trị an ninh ở khu vực Đông Bắc Á có liên quan đến Triều Tiên làm cho khu vực này trở thành điểm nóng thời sự về chính trị an ninh khu vực và thế giới.
Trên thực tế không chỉ có như vậy. Mới đây, sau hai lần thất bại, Triều Tiên đã tiến hành lần thứ ba phóng tên lửa đưa vệ tinh trinh sát lên quỹ đạo. Theo phía Triều Tiên thì lần này Triều Tiên đã thành công, thậm chí còn cả rất thành công. Truyền thông Triều Tiên cho biết vệ tinh này đã hoạt động và chụp ảnh căn cứ quân sự của Mỹ ở đảo Guam giữa Thái Bình Dương, chụp ảnh Nhà Trắng ở thủ đô Washington của nước Mỹ, chụp ảnh nhiều căn cứ quân sự ở Mỹ và cả tầu sân bay của Mỹ đang hoạt động giữa đại dương.
Nhật Bản và Hàn Quốc đều xác nhận Triều Tiên đã đưa được vệ tinh trinh sát lên quỹ đạo nhưng vẫn hoài nghi về việc vệ tinh hoạt động tốt vì phía Triều Tiên không công bố những bức ảnh do vệ tinh này chụp gửi về. Trước khi Triều Tiên tiến hành lần thứ 3 phóng tên lửa đưa vệ tinh trinh sát quân sự lên quỹ đạo, phía Hàn Quốc không những chỉ có lên tiếng phản đối mạnh mẽ - vì cho rằng Triều Tiên vi phạm các nghị quyết liên quan của HĐBA LHQ - mà còn doạ sẽ ngừng tuân thủ Thoả thuận quân sự toàn diện ký kết với Triều Tiên hồi năm 2018. Sau khi lời dọa và cảnh báo này bị phía Triều Tiên bất chấp và Triều Tiên vẫn tiến hành phóng lần thứ 3 tên lửa đưa vệ tinh trinh sát quân sự lên quỹ đạo, tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol không có sự lựa chọn nào khác ngoài buộc phải ngừng tuân thủ thỏa thuận nói trên. Gần như ngay sau đấy, phía Triều Tiên tuyên bố rút hoàn toàn ra khỏi thỏa thuận này.
Những quy định của Thỏa thuận quân sự toàn diện năm 2018 có tác dụng gây dựng lòng tin lẫn nhau, triệt thoái lực lượng quân đội được triển khai dọc tuyến biên giới chung trên đất liền và trên biển, không tiến hành bay trinh sát ở vùng biên giới chung... Một khi Hàn Quốc ngừng tuân thủ nó và Triều Tiên thậm chí còn rút khỏi thỏa thuận thì giờ chẳng còn thỏa thuận song phương nào nữa thiết chế hành động quân sự của cả hai bên.
Phía Hàn Quốc phản ứng mạnh, Mỹ và Nhật Bản quan ngại sâu sắc vì Triều Tiên đã thể hiện vừa đạt được thành quả rất quan trọng có ý nghĩa chiến lược. Vệ tinh trinh sát quân sự sẽ giúp Triều Tiên đối địch Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản hiệu quả hơn, kịp thời hơn và chủ động hơn. Đưa được vệ tinh lên quỹ đạo đồng nghĩa với việc thành công lớn trong công cuộc phát triển, chế tạo tên lửa đẩy tầm xa.
Ý nghĩa và tác động về chính trị cũng như quân sự, về an ninh cũng như tâm lý vô cùng to lớn đối với Triều Tiên. Chúng thậm chí còn rất có thể làm thay đổi tương quan lực lượng và cục diện chính trị an ninh hiện tại ở khu vực Đông Bắc Á. Ngoài ra, căng thẳng và đối đầu gia tăng trên bán đảo Triều Tiên còn sẽ mở đường và tạo tiền đề thuận lợi cho những diễn biến bất ngờ mới với tác động và hệ lụy mà hiện chưa thể lường hết được đối với khu vực này cũng như đối với thế giới ở bên ngoài khu vực./.
Hoàng Lan