Chuyện Brexit không biết sẽ tới đâu

Chuyện Brexit vì thế cứ tiếp tục ở nước Anh, nhưng thật không ai biết sẽ diễn biến tới đâu.

 

Ngày 12/3 vừa qua, Quốc hội Anh lại một lần nữa biểu quyết bác bỏ thoả thuận giữa chính phủ Anh và EU về xử lý mọi chuyện liên quan đến việc nước Anh ra khỏi EU (Brexit).

           Ngay trước ngày diễn ra cuộc bỏ phiếu biểu quyết này, thủ tướng Anh Theresa May đã đạt được thêm 2 thoả thuận nữa với EU, bổ sung cho thoả thuận trước đó. Dù vậy, bà thủ tướng này vẫn không tránh khỏi bị thất bại lần thứ 2 trong quốc hội Anh với việc phê chuẩn thoả thuận với EU về Brexit. Trong quốc hội Anh, chỉ có 242 dân biểu ủng hộ thoả thuận này và có đến 391 dân biểu không đồng tình. Sự chênh lệnh rõ ràng đến thế làm cho thất bại này thêm tai hại về mọi phương diện đối với bà May. Ngay sau đó, thủ lĩnh Công đảng Anh Jeremy Corbyn đã lên tiếng đòi giải tán quốc hội hiện tại để tiến hành tổng tuyển cử mới trước thời hạn. So với kết quả biểu quyết lần trước trong tháng Giêng vừa qua thì số dân biểu ủng hộ thoả thuận giữa chính phủ của bà May với EU về Brexit có tăng lên, nhưng phe bác bỏ thoả thuận vẫn rất áp đảo.

ảnh minh họa: internert           Vậy là mọi nỗ lực cứu vãn của bà May đều không giúp thoả thuận được quốc hội phê chuẩn. Cả nhượng bộ vào phút chót từ phía EU cũng không phát huy tác dụng đáng kể nào. Theo thời hạn đã quy định trong luật pháp của EU thì nước Anh sẽ ra khỏi EU ngày 29/3 tới. Nếu từ nay cho tới thời điểm ấy, quốc hội Anh thông qua thoả thuận hiện tại hay có được giữa Anh và EU thoả thuận mới về Brexit mà còn kịp để được cả hai phía phê chuẩn thì nước Anh ra khỏi EU từ ngày 29/3 này với những hiệp ước, thoả thuận và tuyên bố chính trị liên quan đủ để định hình và thể chế hoá mối quan hệ giữa Anh và EU ở thời sau Brexit. Còn nếu không thì nước Anh ra khỏi EU mà không có bất cứ thoả thuận nào giữa hai bên liên quan đến mối quan hệ giữa hai bên trong tương lai. Cái kịch bản thứ hai này không hề được mong muốn ở cả Anh lẫn trong EU. Ngay từ đầu quá trình Brexit, cả hai bên đều đã không muốn nó xảy ra. Vậy mà sau 2 năm và 9 tháng, khả năng kịch bản ấy sẽ xảy ra hiện càng thêm khó có thể bị loại trừ. Brexit vừa bi vừa hài đối với cả Anh lẫn EU chính vì thế và ở chỗ đó.

           Sau cuộc biểu quyết vừa rồi, quốc hội Anh sẽ biểu quyết về đồng ý hay không đồng ý việc nước Anh cứ ra khỏi EU vào ngày 29/3 tới mà không cần và không có bất cứ thoả thuận nào với EU. Nếu quốc hội Anh biểu quyết bác bỏ cả kịch bản này thì sau đấy sẽ là một cuộc bỏ phiếu biểu quyết nữa về việc giao cho chính phủ nhiệm vụ đề nghị phía EU kéo dài thời gian đàm phán về Brexit và tiến hành đàm phán lại với EU về Brexit, tức là đề nghị EU chấp nhận lùi thời điểm nước Anh ra khỏi EU chứ không áp dụng thời điểm là ngày 29/3 tới. Cho dù chủ tịch Uỷ ban EU Jean-Claude Juncker đã tuyên bố rằng nước Anh "không có cơ hội lần thứ 3" và "EU không thể nhượng bộ nước Anh được nhiều hơn nữa", nhiều khả năng phía EU vẫn sẵn sàng kéo dài thời hạn và đàm phán thêm với chính phủ Anh nếu được chính thức đề nghị.

          Không phải vô lý khi bà May cho rằng cả trong trường hợp này thì nước Anh vẫn không thể xử lý được ổn thoả chuyện Brexit. Nguyên do ở chỗ các vị dân biểu trong quốc hội Anh bác bỏ thoả thuận đã đạt được giữa chính phủ Anh và EU về Brexit nhưng không đưa ra được sự lựa chọn thay thế, không đồng tình với thoả thuận kia nhưng cũng lại không nêu ra được cụ thể là phải thay đổi hay bổ sung thoả thuận ấy như thế nào. Phía có quyền phê chuẩn thoả thuận nhưng không biết thoả thuận ấy phải như thế nào thì làm sao chính phủ của bà May có thể đàm phán được với EU về thoả thuận làm hài lòng các vị dân biểu trong quốc hội. Chuyện Brexit vì thế cứ tiếp tục ở nước Anh, nhưng thật không ai biết sẽ diễn biến tới đâu.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận