Nga đình chỉ thực thi INF: Quan hệ Mỹ - Nga thêm trắc trở

Việc INF không còn hiệu lực làm cho cặp quan hệ song phương Mỹ - Nga thêm trắc trở.

 

Sau khi Mỹ đơn phương rút khỏi Hiệp ước về tên lửa hạt nhân tầm trung (INF), trên thế giới ai ai cũng có thể dự liệu được rằng rồi Nga cũng sẽ rời bỏ hiệp ước này. INF được Mỹ và Liên Xô ký kết năm 1987 với nội dung là cấm hai bên sản xuất và lưu giữ các loại tên lửa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân phóng đi từ mặt đất với tầm bắn từ 500 đến 5.500km. INF được coi là thoả thuận quan trọng nhất mà thế giới đã từng có được về giải trừ vũ khí hạt nhân. Một khi Mỹ đã đơn phương không tuân thủ INF nữa thì Nga cũng không còn bị ràng buộc gì vào những cam kết trong INF, không còn có lý do và lợi ích gì nữa để tiếp tục thực thi nó. Ngày 4/3 vừa qua, tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký sắc lệnh đình chỉ việc thực thi INF. Như thế có nghĩa là INF đã chính thức bị xoá sổ và trở thành một văn kiện của quá khứ lịch sử.

Trong khuôn khổ thực hiện INF cho tới nay, Mỹ và Nga đã triệt huỷ rất nhiều tên lửa hạt nhân tầm trung trong kho vũ khí hạt nhân của họ. INF góp phần tích cực vào việc cải thiện quan hệ giữa Mỹ và Nga cũng như chấm dứt chiến tranh lạnh. Vì thế, đồng thời với việc INF không còn được tuân thủ nữa là những câu hỏi được đặt ra về khả năng lại có cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân, về triển vọng của mối quan hệ giữa Mỹ và Nga cũng như về kịch bản chiến tranh lạnh trở lại.

Việc INF không còn hiệu lực làm cho cặp quan hệ song phương Mỹ - Nga thêm trắc trở (ảnh: internet)Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định rút nước Mỹ ra khỏi INF với hai biện luận chính. Thứ nhất, ông Trump cáo buộc Nga không tuân thủ nghiêm chỉnh mà vi phạm INF ở chỗ chế tạo ra thế hệ tên lửa hạt nhân tầm trung mới cho dù phía Mỹ không đưa ra được chứng cứ xác thực cụ thể. Phía Mỹ thậm chí còn cùng với NATO đặt tối hậu thư cho Nga trong chuyện này. Thứ hai, ông Trump đề cập đến việc hiện tại trên thế giới đã xuất hiện thêm một số quốc gia có vũ khí hạt nhân mà không bị ràng buộc gì vào việc giải trừ vũ khí hạt nhân trong khi Mỹ và Nga bị ràng buộc bởi INF. Nga cũng cáo buộc Mỹ vi phạm INF và bác bỏ tối hậu thư của Mỹ và NATO.

Việc INF không còn được thực thi nữa là bước thụt lùi rất lớn trong quá trình giải trừ vũ khí hạt nhân trên thế giới và hướng tới mục tiêu thế giới không có vũ khí hạt nhân. Mỹ và Nga từ nay có thể hoàn toàn tự do thoải mái với việc nghiên cứu và chế tạo các loại tên lửa hạt nhân tầm trung mới cũng như hiện đại hoá kho vũ khí hạt nhân của họ. Tiến trình giải trừ vũ khí hạt nhân mới trên phạm vi toàn thế giới sẽ không thể tiến triển được bởi từ nay không còn là chuyện riêng giữa Mỹ và Nga nữa mà sẽ liên quan trực tiếp đến các quốc gia khác có vũ khí hạt nhân mà các đối tác này chắc chắn sẽ không sẵn sàng tham gia.

Mối quan hệ giữa Mỹ và Nga hiện không được êm đẹp. Việc INF không còn hiệu lực làm cho cặp quan hệ song phương này thêm trắc trở, phức tạp và nhạy cảm về cả đối nội lẫn đối ngoại nhưng cũng lại chỉ với mức độ có giới hạn bởi không khiến Mỹ và Nga phải lo ngại nhiều hơn và sâu sắc hơn về an ninh. Đã từ lâu rồi, hai đối tác này không còn đe doạ trực tiếp lẫn nhau về an ninh nữa. Cho dù hiện giữa hai nước này vẫn còn nhiều trắc trở thì việc họ không còn thực hiện INF cũng không phải vì bên này có nhu cầu dùng tên lửa hạt nhân tầm trung để đe doạ an ninh bên kia. Chỉ có các đồng minh của Mỹ ở châu Âu là phải lo ngại hơn cả và trước hết. Như thế cũng còn có nghĩa là an ninh ở châu Âu bị tác động trực tiếp đầu tiên. Cho nên NATO mới phải vội vã hoà đồng với Mỹ và tìm cách làm cho Nga tỏ ra tuân thủ INF để Mỹ không rút ra khỏi INF. Sau khi INF bị vô hiệu hoá như thế, Mỹ và Nga rồi sẽ còn cùng nhau buông bỏ những thoả thuận khác nữa đã ký kết với nhau về giải trừ quân bị và giải trừ vũ khí hạt nhân.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận