Mỹ và Trung Quốc kéo dài đàm phán thương mại

Trước thời hạn đề ra là ngày 1/3/2019, Mỹ và Trung Quốc tiến hành nhiều vòng đàm phán thương mại nhưng chưa đạt được thoả thuận cuối cùng.

 

Thời hạn này được Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhất trí với nhau tại cuộc gặp của họ nhâp dịp tham dự hội nghị cấp cao của nhóm G20 hồi đầu tháng 12 năm ngoái ở Argentina. Ông Trump đã dọa và nhiều lần khẳng định lại sự đe dọa rằng nếu cho tới thời điểm ấy mà hai bên không đạt được thoả thuận về giải pháp thì phía Mỹ sẽ áp thuế quan bảo hộ thương mại thêm đối với 200 tỷ USD giá trị hàng hoá của Trung Quốc xuất khẩu vào thị trường Mỹ. Trung Quốc cho biết là sẽ đáp trả Mỹ thích đáng nếu Mỹ gia tăng mức độ xung khắc thương mại. Một khi hai bên thực hiện thật sự những lời đe dọa nhau này thì trên thực tế và trong thực chất họ đâu có khác gì đã tiến hành chiến tranh thương mại với nhau.

Liên Vân Cảng, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc (ảnh:indochina)Nhưng trước khi thời hạn trên kết thúc và trong khi vòng đàm phán cuối cùng của lần đàm phán thương mại này còn chưa kết thúc, ông Trump đã tuyên bố là đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ được tiếp tục tiến hành cả sau ngày 1/3/2019. Ông Trump viện dẫn lý do rằng tiến trình đàm phán thương mại giữa hai bên cho tới nay diễn biến tốt đẹp và đầy hứa hẹn. Ông Trump tỏ ra rất lạc quan là không chỉ sẽ đạt được giải pháp cho cuộc xung khắc thương mại song phương mà còn giải quyết được luôn cả nhiều vấn đề mắc mớ lâu nay nữa trong quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc. Phía Trung Quốc đương nhiên không có lý do và lợi ích gì để không tiếp nhận việc gia thêm hạn cho chuyện đàm phán thương mại song phương.

Theo những gì được hai phía tiết lộ cho tới nay, Mỹ và Trung Quốc không chỉ đàm phán với nhau về chuyện trao đổi thương mại mà còn cả về bảo hộ bản quyền phát minh sáng chế và sở hữu trí tuệ công nghiệp, về chuyển giao công nghệ và mở cửa thị trường, về tỷ giá hối đoái tiền tệ và hoạt động gián điệp công nghiệp. Thiên hạ cũng thừa hiểu là Mỹ và Trung Quốc không thể không thảo luận với nhau về cách thức Mỹ đối xử với các doanh nghiệp của Trung Quốc như ZTE hay Huawei, thậm chí còn cả về vụ việc liên quan đến giám đốc tài chính của tập đoàn Huawei của Trung Quốc bị phía Canada bắt giữ theo yêu cầu của Mỹ. Đàm phán để giải quyết cuộc xung khắc thương mại chỉ là cái bề ngoài và nhất thời, chuyện cạnh tranh chiến lược giữa hai bên mới là bản chất cốt lõi và lâu dài. So với mức độ nan giải của cuộc cạnh tranh chiến lược thì chuyện xung khắc thương mại chỉ rất nhỏ và dễ giải quyết hơn nhiều. Chỉ cần Trung Quốc chịu tăng nhập khẩu từ Mỹ và giảm thâm hụt trong cán cân thương mại của Mỹ với Trung Quốc thì đã đủ để ông Trump hoan hỉ nếu ông Trump thật sự chỉ muốn khắc phục tình trạng nhập siêu với Trung Quốc và tạo hình ảnh là đã buộc Trung Quốc phải nhượng bộ. Nhưng nếu mục đích của ông Trump là ngăn Trung Quốc vươn lên hàng đầu thế giới về khoa học, kỹ thuật hiện đại và công nghệ cao chỉ sau một vài thập niên nữa cũng như không để Trung Quốc thách thức vai trò, vị thế, ảnh hưởng và uy quyền hàng đầu của Mỹ trên thế giới thì chỉ giảm thâm hụt cán cân thương mại không thôi làm sao có thể đủ. Trong cuộc cạnh tranh chiến lược này với Trung Quốc, Mỹ đòi Trung Quốc phải có cải cách về cơ cấu sâu rộng chứ không hời hợt, thực chất chứ không danh nghĩa, chuyện xuất nhập khẩu chỉ là phụ mà ai hơn ai trong tương lai về khoa học và công nghệ, về vai trò và ảnh hưởng thế giới mới là chuyện cốt lõi. Vì thế đàm phán mới phức tạp và kéo dài. Đàm phán được gia hạn vì chỉ như thế thì giờ mới có thể tránh được chiến tranh thương mại. Hai bên phải cùng nhau tránh để xảy ra chiến tranh thương mại vì chiến tranh thương mại sẽ làm cho cả hai thua thiệt lớn trước mắt và càng thêm khó giành phần thắng trong cuộc cạnh tranh chiến lược.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận