Binh biến nhỏ ở Nga

Có thể nói châu Âu và cả thế giới bên ngoài châu Âu nín thở theo dõi diễn biến cuộc nổi loạn của tập đoàn quân đội tư nhân Wagner ở Nga.

 

Có thể nói châu Âu và cả thế giới bên ngoài châu Âu nín thở theo dõi diễn biến cuộc nổi loạn của tập đoàn quân đội tư nhân Wagner ở Nga. Điều này dễ hiểu bởi từ hơn 100 năm nay ở nước Nga chưa từng có chuyện nhóm phái hay tổ chức vũ trang nào xung khắc với chính quyền nhà nước đến như vậy. Vụ việc lại xảy ra khi Nga sa vào cuộc chiến ở Ukraine với Ukraine. Hệ lụy của vụ binh biến liên quan trực tiếp tới cuộc chiến này, tới an ninh và ổn định chính trị - xã hội ở Nga và tới vị thế quyền lực hiện tại của tổng thống Nga Vladimir Putin.

Quân lính của tập đoàn quân đội tư nhân Wagner đã chiếm một số căn cứ quân sự và kiểm soát một số vị trí trọng yếu ở thành phố Rostow ở vùng miền nam nước Nga và rồi hành quân rầm rộ về thủ đô Moscow. Ở trong và bên ngoài nước Nga đã chuẩn bị tâm lý cho kịch bản xảy ra giao tranh giữa lực lượng Wagner và quân đội Nga, tức là kịch bản nội chiến ở Nga.

Binh sĩ nhóm Wagner trên đường phố Rostov-on-Don, Nga. (Ảnh: Sputnik)Vụ binh biến xảy ra bất ngờ như thế nào thì cái kết của nó cũng bất ngờ như thế. Không đầy 24 giờ sau, chính phủ Nga cho biết đã đạt được thỏa thuận chấm dứt cuộc binh biến và thủ lĩnh của lực lượng nổi loại sẽ lưu vong ở Belarus. Belarus được coi là đã đóng vai trò trung gian hoà giải cho giải pháp nói trên. Cuộc binh biến vì thế trở thành một chuyện nhỏ chứ không làm long trời lở đất ở Nga.

Nhưng tác động và hệ lụy của nó vẫn rất đáng kể. Điều khó hiểu là vì sao lực lượng quân đội tư nhân Wagner lại nổi loạn khi biết chắc ngay từ đầu là không thể thành công mà chỉ có thể thất bại. Có thuyết âm mưu cho rằng vụ nổi loạn này chỉ là một màn kịch. Thủ lĩnh của lực lượng quân đội tư nhân Wagner quả quyết hành động của họ không nhằm lật đổ chính quyền của ông Putin mà chỉ để biểu thị sự bất bình và phản đối giới chỉ huy quân đội ở nước Nga.

Mỹ, EU và NATO vội vã tuyên bố không liên quan gì đến vụ binh biến này. Họ phải như thế thôi bởi nếu xác nhận đứng sau vụ việc thì đâu có khác gì can thiệp vào công chuyện nội bộ của Nga, tiếp tay cho lực lượng và cá nhân ở bên trong nước Nga tiến hành bạo động quân sự chống lại nhà nước Nga. Cái lợi mà phe này được lợi từ vụ việc là vụ việc làm tổn hại tới uy tín và thể diện của ông Putin. Phe này tin rằng ông Putin đang bị suy yếu vị thế quyền lực ở nước Nga và tranh giành quyền lực nội bộ ở Nga sẽ làm Nga thêm yếu trong cuộc chiến ở Ukraine.

Ông Putin đã không để cho cuộc binh biến trở thành cuộc nội chiến. Cái lợi đối với ông Putin là thể hiện xử lý khủng hoảng thành công và biến đại sự thành tiểu sự. Cái lợi nữa đối với ông Putin là xoá bỏ vai trò và ảnh hưởng quân sự của tập đoàn Wagner ở Nga. Lực lượng này cho tới nay đã cùng quân đội Nga tham chiến ở Ukraine nhưng đồng thời cũng đã gây khó cho quân đội Nga và cá nhân ông Putin mà càng để lâu không chế quản hoặc cứ tiếp tục dung túng như lâu nay thì sẽ càng bất lợi cho ông Putin, cho quân đội Nga và cho cuộc chiến của Nga ở Ukraine.

Nếu lực lượng quân đội tư nhân này đã quá tự tin vào sức mạnh và ảnh hưởng quân sự của mình thì đấy là sai lầm tai hại chết người và không có cơ hội để sửa sai. Còn nếu không phải vậy thì vụ binh biến chỉ có thể là một màn kịch để giúp ông Putin thể hiện khả năng xử lý khủng hoảng và nền tảng quyền lực vững vàng, để Belarus có dịp gây dựng và tăng cường vai trò. Nga cần sự thống nhất quan điểm về tấn công hay phòng thủ trong cuộc chiến ở Ukraine. Cũng không loại trừ khả năng Nga và Belarus làm cho tập đoàn quân đội tư nhân kia có lãnh địa hoạt động mới gần sát trực tiếp cả lãnh thổ Ukraine lẫn lãnh thổ thành viên NATO./.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận