Thượng đỉnh NATO và những quyết định quan trọng

Hội nghị Thượng đỉnh NATO sẽ tổ chức vào tháng 07/2023 tại thủ đô Vilnius của Litva.

 

Đây là thời điểm mà nguyên thủ các nước NATO phải đưa ra các quyết định quan trọng, một là quy chế mà liên minh quân sự này sẽ trao cho Ukraine, hai là việc kết nạp Thuỵ Điển làm thành viên.

Những quyết định quan trọng được đưa ra

Hội nghị Ngoại trưởng không chính thức của NATO tại Oslo trong hai ngày 31/5 và 1/6 hướng tới thảo luận về hai chủ đề trên nhằm tìm kiếm tất cả các giải pháp khả thi ở cấp độ Bộ trưởng trước khi trình lên cho các quan chức cấp cao nhất của NATO quyết định.

Đối với chủ đề Thuỵ Điển gia nhập NATO, do có thông tin cho biết Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ, 1 trong 2 nước thành viên NATO (cùng Hungary) vẫn đang ngăn cản Thuỵ Điển, nhiều khả năng không tham dự cuộc họp nên có lẽ chủ đề thảo luận quan trọng nhất của các Ngoại trưởng NATO trong 2 ngày tại Oslo sẽ là làm thế nào để xác định tính chất quan hệ sắp tới giữa NATO và Ukraine.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg. Ảnh: Reuters

Kể từ khi xung đột tại Ukraine nổ ra, ngày càng có nhiều áp lực từ phía các nước thành viên NATO ở Đông Âu, Trung Âu cũng như từ chính quyền Ukraine về việc NATO cần sớm trao cho Ukraine tư cách thành viên. Các quan chức cấp cao của NATO hay nguyên thủ các thành viên chủ chốt của NATO cũng nhiều lần tuyên bố một cách mập mờ rằng sớm hay muộn thì Ukraine cũng sẽ là thành viên của NATO nhưng hầu hết đều loại trừ kịch bản kết nạp Ukraine trong ngắn hạn hay trung hạn, bởi như Tổng thư ký NATO, Jens Stoltenberg nhận định “không thể thảo luận việc kết nạp một quốc gia làm thành viên giữa lúc đang có chiến sự”, tức chỉ khi nào xung đột Ukraine chấm dứt thì NATO mới có thể bàn về việc có kết nạp Ukraine làm thành viên hay không.

Đây là điều dễ hiểu bởi việc kết nạp Ukraine vào thời điểm này đồng nghĩa với việc NATO sẽ bị kéo vào một cuộc chiến trực diện với một siêu cường hạt nhân là Nga. Vì lí do đó, đến nay NATO vẫn chưa đồng ý thông qua quy trình kết nạp nhanh cho Ukraine.

Vấn đề là NATO cũng không muốn làm nhụt chí chính quyền Ukraine vào thời điểm này nên buộc phải tìm một giải pháp trung hoà, tức là nâng cấp mối quan hệ với Ukraine nhưng không đưa ra một cam kết rõ ràng và cụ thể về việc kết nạp Ukraine làm thành viên. Do đó, nhiệm vụ của các Ngoại trưởng NATO là thảo luận các kịch bản, có thể là việc nâng cấp Ủy ban NATO - Ukraine lên thành Hội đồng NATO - Ukraine, tức cho phép Ukraine có tiếng nói lớn hơn trong quan hệ chính trị với NATO.

Một số nước Đông Âu muốn đưa ra các đảm bảo an ninh song phương hoặc đa phương, tức 2-3 thành viên NATO cam kết an ninh cho Ukraine chứ không phải toàn bộ NATO. Một kịch bản khác là trao cho Ukraine một cơ chế đảm bảo an ninh giống như phương Tây, nhất là Mỹ, đang làm với Israel, tức là thúc đẩy mạnh mẽ việc chuyển giao vũ khí và công nghệ quân sự tinh vi cho Ukraine.

Nhìn chung, tại Oslo các Ngoại trưởng NATO sẽ phải tìm cách thu hẹp bất đồng, tìm kiếm một giải pháp chung cho Ukraine để ít nhất khi Thượng đỉnh NATO diễn ra tại Litva, các nguyên thủ NATO không rơi vào tình trạng bất đồng công khai về vấn đề Ukraine. Cuối cùng, một chủ đề đáng chú ý khác cũng sẽ được thảo luận ở Oslo nhằm chuẩn bị cho Thượng đỉnh ở Litva là tìm kiếm người thay thế ông Jens Stoltenberg trên cương vị Tổng thư ký NATO vào cuối năm nay.

Quyết tâm gia nhập NATO của Thụy Điển

Một ngày trước khi các Ngoại trưởng NATO nhóm họp tại Oslo, Tổng thư ký NATO, Jens Stoltenberg tuyên bố Thuỵ Điển vẫn hoàn toàn có khả năng gia nhập NATO tại Thượng đỉnh NATO, tức trong hơn 1 tháng nữa. Điều này cho thấy, một mặt các quan chức NATO cũng như hầu như toàn bộ các nước thành viên NATO đều mong muốn Thượng đỉnh NATO tại Litva sắp tới để lại dấu ấn thành công, mà việc kết nạp Thuỵ Điển làm thành viên thứ 32 sẽ là dấu ấn lớn nhất, nhưng mặt khác, các tuyên bố như này cũng cho thấy là hiện nay các nước NATO đang trong trạng thái không chắc chắn, không nắm bắt được là chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ sẽ thể hiện quan điểm ra sao sau cuộc bầu cử Tổng thống.

Trong 2 nước NATO vẫn đang phản đối Thuỵ Điển là Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary thì Thổ Nhĩ Kỳ bị xem là cản trở lớn hơn bởi quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Thuỵ Điển bị chi phối bởi một trong những vấn đề an ninh quan trọng nhất đối với Thổ Nhĩ Kỳ, đó là sự hiện diện đông đảo của những thành viên đảng “Công nhân người Kurd” (PKK) trên đất Thuỵ Điển. Đây là đảng đấu tranh đòi ly khai, lập nhà nước riêng cho hơn 14 triệu người Kurd ở Thổ Nhĩ Kỳ nên từ nhiều năm qua bị Thổ Nhĩ Kỳ xem là đe doạ an ninh lớn nhất, và cũng bị Thổ Nhĩ Kỳ cùng EU xếp vào danh sách “khủng bố”. Do đó, Thổ Nhĩ Kỳ rất kiên quyết đòi hỏi đối với Thuỵ Điển về việc phải dẫn độ nhiều thành viên PKK mà Thổ Nhĩ Kỳ coi là khủng bố. Tất nhiên, chính phủ Thuỵ Điển cũng gặp cản trở lớn về tư pháp bởi không thể tự quyết định vấn đề này.

Do đó, giải pháp để phá thế bế tắc hiện nay phải đến từ các đồng minh NATO khác, đặc biệt là Mỹ. Thổ Nhĩ Kỳ đã đưa ra một “lá bài” có giá trị cao nên nếu muốn Ankara đổi ý, bật đèn xanh cho Thuỵ Điển thì Mỹ cũng phải đưa ra một nhân nhượng có giá trị lớn khác, như việc nối lại các chương trình bán vũ khí lớn cho Thổ Nhĩ Kỳ hay thậm chí là gạt bỏ sự ủng hộ đối với các đối thủ chính trị của Tổng thống Erdogan. Nhìn chung, vai trò của Mỹ vẫn mang tính quyết định trong sự việc này và tất nhiên, Thuỵ Điển cũng sẽ phải chấp nhận có thêm những nhân nhượng mới.

Chiến thắng của Tổng thống Erdogan có tác động gì?

Chiến thắng tương đối thuyết phục của ông Tayip Erdogan trong cuộc bầu cử Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ vừa qua giúp củng cố vị thế chính trị của ông Erdogan, giúp ông Erdogan có thêm sức mạnh trong các cuộc đàm phán, mặc cả lợi ích với các đồng minh NATO. Tại châu Âu, hiện có hai luồng nhận định chính về các tác động của việc ông Erdogan sẽ tiếp tục cầm quyền tại Thổ Nhĩ Kỳ thêm 5 nữa.

Luồng ý kiến đầu tiên cho rằng, thắng lợi bầu cử vừa qua sẽ càng khiến ông Tayip Erdogan hành động quyết đoán hơn trong việc theo đuổi chính sách độc lập, thậm chí đôi khi là đi ngược lại với các đồng minh phương Tây, trong chính sách đối ngoại và an ninh của Thổ Nhĩ Kỳ, với tham vọng tạo dựng vị thế cường quốc cho Thổ Nhĩ Kỳ ở khu vực Trung Cận Đông.

Nếu ông Erdogan đi theo hướng này thì các thảo luận về việc Thụy Điển giai nhập NATO chắc chắn sẽ còn gặp nhiều khó khăn bởi những gì diễn ra trong thời gian qua cho thấy ông Erdogan không e ngại các lời đe doạ từ một số đồng minh trong NATO về việc xem xét lại mối quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ, bởi ông Erdogan hiểu quá rõ vị thế địa chiến lược quá quan trọng của Thổ Nhĩ Kỳ đối với liên minh quân sự. Khi đó, phương Tây sẽ phải chấp nhận nhượng bộ nhiều cho Thổ Nhĩ Kỳ để có thể sớm đưa Thuỵ Điển vào NATO, đồng thời tránh nguy cơ bất đồng này kéo dài sẽ tạo ra các rạn nứt lớn hơn.

Tuy nhiên, cũng có một luồng ý kiến khác cho rằng, ông Tayip Erdogan sẽ làm Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ nhiệm kỳ thứ 3 liên tiếp và cũng sẽ là nhiệm kỳ cuối cùng nên có thể ông Erdogan sẽ không còn phải chịu sức ép về việc phải thu hút sự ủng hộ của các lực lượng bảo thủ và dân tộc chủ nghĩa tại Thổ Nhĩ Kỳ, qua đó có thể sẽ theo đuổi một đường lối đối ngoại cởi mở hơn, tập trung nhiều hơn vào các vấn đề thực tiễn của Thổ Nhĩ Kỳ, đặc biệt là kinh tế. Nếu điều này diễn ra, phương Tây có thể tác động lớn khiến ông Erdogan thay đổi quan điểm bởi Thổ Nhĩ Kỳ đang có những khó khăn kinh tế lớn và quan hệ kinh tế với các đồng minh phương Tây vẫn chiếm vai trò quan trọng nhất đối với Thổ Nhĩ Kỳ.

Hiện nay, do cuộc bầu cử tại Thổ Nhĩ Kỳ vừa kết thúc và Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang trong quá trình thành lập nên các đồng minh phương Tây sẽ phải chờ đợi các thay đổi chính sách từ Thổ Nhĩ Kỳ ra sao. Tuy nhiên, Tổng thống Tayip Erdogan đã cầm quyền tại Thổ Nhĩ Kỳ suốt 2 thập kỷ qua và đã thể hiện mình là một nhà lãnh đạo quyết đoán, độc lập, rất thực dụng và càng ngày càng có xu hướng ác cảm với một số chính sách hay giá trị của các đồng minh NATO. Vì thế, có lẽ không nên trông đợi một sự thay đổi lớn từ phía chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ một khi phương Tây không chấp nhận các nhượng bộ lợi ích đáng kể./.

Theo VOV.VN

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận