Đồng hồ đếm ngược bắt đầu điểm - Doanh nghiệp chuẩn bị cho kịch bản Mỹ vỡ nợ

Đồng hồ đếm ngược bắt đầu điểm khi Mỹ có nguy cơ trạm trần nợ công vào ngày 1/6 tới và sẽ không có tiền để thanh toán các nghĩa vụ.

 

Đồng hồ đếm ngược bắt đầu điểm khi Mỹ có nguy cơ trạm trần nợ công vào ngày 1/6 tới và sẽ không có tiền để thanh toán các nghĩa vụ từ trả nợ, trả lương nhân viên đến lương hưu. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán giữa đảng Cộng hoà và Dân chủ về vấn đề này vẫn lâm vào bế tắc. Giới doanh nghiệp và thị trường tại Mỹ cũng đã bắt đầu chuẩn bị cho kịch bản xấu nhất.

Dù cả Tổng thống Mỹ - Joe Biden thuộc đảng Dân chủ và Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy thuộc đảng Cộng hoà hôm qua đều khẳng định đã có một cuộc thảo luận “hữu ích” về trần nợ, song vẫn không có thoả thuận nào đạt được.

Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy nhấn mạnh: "Tôi cảm thấy chúng tôi đã có một cuộc thảo luận hữu ích. Dù chưa có thỏa thuận nào, nhưng tôi cảm thấy cuộc thảo luận này hữu ích ở những lĩnh vực mà chúng tôi có sự khác biệt về quan điểm. Vấn đề không phải là doanh thu, mà là chi tiêu. Điều này là không thay đổi và tôi chỉ đơn giản tin rằng, giống như bất kỳ hộ gia đình, doanh nghiệp, hay chính quyền tiểu bang nào, khi không còn lựa chọn nào khác, bạn sẽ phải chi tiêu ít hơn số tiền bạn đã chi tiêu năm ngoái”.

Đảng Cộng hoà yêu cầu Chính phủ phải cắt giảm chi tiêu khắc nghiệt để đổi lấy việc tăng trần nợ. Tổng thống Joe Biden cho biết, sẽ xem xét cắt giảm chi tiêu, song mô tả các đề xuất của Đảng Cộng hoà là “cực đoan” và “không thể chấp nhận được”. Nhà lãnh đạo Mỹ đồng thời khẳng định sẽ không ủng hộ trợ cấp cho các công ty năng lượng lớn và gian lận thuế hay đặt hỗ trợ lương thực và chăm sóc sức khoẻ vào tình thế rủi ro.

Ảnh minh họa: Reuters

"Hậu quả của việc không thanh toán các hóa đơn sẽ là những hậu quả rõ ràng đối với phúc lợi kinh tế của người dân Mỹ. Và không chỉ người dân Mỹ, phần còn lại của thế giới cũng vậy. Chúng tôi đã nói về sự cần thiết của thỏa thuận lưỡng đảng, chúng ta phải tìm ra thứ mà hai bên có thể nhượng bộ. Chúng ta cần cắt giảm chi tiêu, nhưng cũng phải xem xét các kẽ hở về thuế và đảm bảo rằng những người giàu phải trả phần công bằng của họ" - Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy nêu rõ.

Mỹ đã đạt mức trần nợ 31.400 tỷ USD vào tháng 1/2023 và Bộ Tài chính đã phải hết sức cố gắng duy trì các khoản thanh toán kể từ đó. Nếu giới hạn nợ không được nâng lên, Chính phủ Mỹ sẽ vỡ nợ lần đầu tiên trong lịch sử, với những hậu quả thảm khốc. Đây không phải là lần đầu tiên Chính phủ Mỹ tranh cãi về trần nợ, song theo Giám đốc điều hành Citigroup, tình hình hiện nay là “đáng lo ngại hơn cả”. Trong khi đó, Giám đốc điều hành JP Morgan cho biết, ngân hàng đã phải tăng cường các cuộc họp hằng tuần để chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất và đánh giá những tác động của kịch bản không mong muốn này.

Chỉ số S&P 500 đã tăng 9,2% từ đầu năm nay, lên mức cao nhất kể từ tháng 8 năm ngoái. Mức độ biến động trên thị trường thì giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2021. Nhiều nhà đầu tư đang rút tiền từ các quỹ chứng khoán trong tháng thứ 7 liên tiếp. Dữ liệu của Refinitiv cho thấy họ đã rút gần 24 tỷ USD trong ba tuần đầu tháng 5.

Trái phiếu chính phủ Mỹ là nền tảng cho hệ thống tài chính toàn cầu. Hiện rất khó để đánh giá đầy đủ thiệt hại mà một vụ vỡ nợ gây ra, song các giám đốc điều hành của phố Wall đã cảnh báo rằng một sự rối loạn của thị trường Kho bạc sẽ nhanh chóng lan sang các thị trường phái sinh, thế chấp và hàng hoá. Ngay cả việc vi phạm giới hạn nợ trong thời gian ngắn cũng có thể dẫn đến lãi suất tăng đột biến và đóng băng các thị trường tài trợ ngắn hạn./.

Theo VOV.VN

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận