Syria trở lại Liên đoàn Ả rập

Có hai lý do quan trọng khác khiến Liên đoàn Ả rập phải thu lại quyết định trục xuất Syria ra khỏi tổ chức được thành lập năm 1945 này.

 

Quyết định mới đây của Liên đoàn Ả rập phục hồi tư cách thành viên cho Syria đánh dấu chuyển biến quan trọng mới trong mối quan hệ giữa Syria và các nước Ả rập, đồng thời sẽ làm cho mối quan hệ giữa các nước thành viên của Liên đoàn Ả rập và của chính tổ chức này với các nước trong khối phương Tây trở nên phức tạp và trắc trở. Mỹ và EU gần như ngay lập tức phản đối việc Liên đoàn Ả rập để cho Syria tham gia trở lại Liên đoàn Ả rập. Mỹ và EU tuyên bố tiếp tục không công nhận chính thể của tổng thống Bashir al-Assad ở Syria.

Syria bị Liên đoàn Ả rập trục xuất ra khỏi tổ chức hồi năm 2011, sau khi chính biến và nội chiến bùng phát ở đất nước này. Mỹ, EU và một số thành viên của Liên đoàn Ả rập theo đuổi ý đồ chiến lược lật đổ ông Assad ở Syria và dựng nên thể chế mới. Việc trục xuất Syria ra khỏi tổ chức là cách được Liên đoàn Ả rập áp dụng nhằm cô lập chính thể của ông Assad về chính trị và gây khó khăn, sức ép đối với chính thể của ông Assad khiến cho chính thể này không còn có thể tiếp tục tồn tại được nữa ở Syria.

Tổng thống UAE, Sheikh Mohamed bin Zayed Al Nahyan đón tiếp Tổng thống Syria, Bashar al-Assad tới thăm UAE hồi tháng 3 năm nay. (Ảnh: New York Times)Mười mấy năm sau, thực tế diễn biến tình hình ở Syria và ở khu vực Trung Đông, Bắc Phi và vùng Vịnh đã cho thấy Mỹ, EU và đồng minh không thành công với mục tiêu lật đổ ông Assad ở Syria. Liên đoàn Ả rập cũng buộc phải chia sẻ nhận thức này. Ông Assad không những không bị lật đổ mà chính thể của ông Assad vẫn tiếp tục là lực lượng quyết định nhất tương lai chính trị của Syria.

Có hai lý trọng khác nữa khiến do quan Liên đoàn Ả rập phải thu lại quyết định trục xuất Syria ra khỏi tổ chức được thành lập năm 1945 này. Lý do thứ nhất là phe Mỹ và phương Tây sa sút vai trò và ảnh hưởng đối với thế giới Ả rập và ở khu vực Trung Đông, Bắc Phi và vùng Vịnh. Phe này giảm cam kết và can dự vào khu vực, theo đuổi những mưu tính lợi ích chiến lược trước mắt và lâu dài ở khu vực không còn sức lôi kéo các nước trong khu vực về cùng phe cánh như trước. Chiến lược và hành động của Mỹ và các nước phương Tây gây phân rẽ giữa các nước trong khu vực với nhau, thức tỉnh nhận thức của các nước trong thế giới Ả rập là phải tìm cách để bớt lệ thuộc vào Mỹ và phương Tây, để tìm kiếm đối tác khác ở bên ngoài và để tự giải quyết những chuyện nội bộ của thế giới Ả rập. Các nước Ả rập nhận ra rằng thời cuộc hiện tại ở khu vực và trên thế giới buộc họ phải khôi phục sự đoàn kết nội bộ, thống nhất quan điểm và phối hợp hành động về chính trị và an ninh của thế giới cũng như của khu vực. Vì không thể thay đổi được chính thể của ông Assad ở Syria nên hoà giải với ông Assad mới là thức thời và thực dụng đối với Liên đoàn Ả rập.

Thứ hai, cục diện quan hệ giữa các nước trong khu vực Trung Đông, Bắc Phi và vùng Vịnh đã, đang và sẽ còn tiếp tục chuyển biến rất mạnh mẽ và cơ bản. Nhiều nước thù địch và đối địch nhau trong nhiều năm qua đang dần từng bước hòa giải với nhau và cải thiện quan hệ với nhau. Điền hình nhất là việc Iran và Ả rập Xê út bình thường hóa trở lại quan hệ ngoại giao chính thức. Mấy nước tiến hành chiến tranh ngoại giao với Qatar từ năm 2018 cũng đã dần bình thường hóa trở lại quan hệ với Qatar. Tình hình chính trị an ninh ở những nước như Iraq, Syria, Lebanon, Libya... tuy chưa thật sự yên ổn nhưng nhà nước quyền lực cũng đã định hình. Cả khu vực đã trở thành chiến địa cạnh tranh ảnh hưởng và thị trường tiềm năng của nhiều đối tác bên ngoài, đặc biệt là Nga và Trung Quốc. Bản thân Syria cũng đã cải thiện được quan hệ với nhiều quốc gia trong khu vực.

Bởi thế, Liên đoàn Ả rập buộc phải tính đến việc để cho Syria tham gia trở lại tổ chức trước khi quá muộn hoặc khi chỉ còn vớt vát chứ không phải là tận dụng cơ hội và thời thế./.

Hoàng Lan

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận