Chuyên gia phân tích động cơ sau vụ tấn công UAV nhằm vào Điện Kremlin

Mục đích của cuộc tấn công có thể là nhằm gửi thông điệp cho thấy họ có thể xuyên thủng hệ thống phòng thủ ở thủ đô của Nga, chứ không phải nhằm vào Tổng thống.

 

Nga đã lên tiếng cáo buộc Ukraine có âm mưu ám sát Tổng thống Vladimir Putin sau vụ tấn công sử dụng máy bay không người lái nhằm vào điện Kemlin tối 3/5, đồng thời cảnh báo sẽ trả đũa.

"Chúng tôi coi đây là hành động khủng bố được lên kế hoạch trước và âm mưu ám sát nhằm vào Tổng thống Nga trước Ngày Chiến thắng 9/5. Nga bảo lưu quyền đáp trả vụ tấn công này vào thời gian và địa điểm thích hợp", phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov nói.

Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev thì gọi vụ tấn công là hành động khủng bố và lựa chọn duy nhất của Moscow là đáp trả nhằm vào Tổng thống Ukraine. Chủ tịch Hạ viện Nga Vyacheslav Volodin cho rằng nước này không nên đàm phán với Tổng thống Ukraine, đồng thời kêu gọi sử dụng "những vũ khí có khả năng ngăn chặn và phá hủy hoàn toàn chính phủ Ukraine" để trả đũa.

Ủy ban Điều tra Liên bang Nga đã thông báo mở cuộc điều tra hình sự về "hành động tấn công khủng bố liên quan âm mưu của chính phủ Ukraine nhằm sử dụng UAV tấn công dinh thự của Tổng thống Nga tại Điện Kremlin".

Trong khi đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky phủ nhận cáo buộc của Nga và khẳng định Kiev không có bất kỳ liên quan gì đến vụ việc.

"Chúng tôi không tấn công ông Putin hay thủ đô Moscow của Nga, chúng tôi chỉ chiến đấu trên lãnh thổ của mình", Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky phát biểu trong cuộc họp báo tại thủ đô Helsinki của Phần Lan hôm 3/5.

Ảnh: Reuters.Quan chức cấp cao thuộc Văn phòng Tổng thống Ukraine cùng ngày khẳng định nước này không liên quan đến sự việc, nhấn mạnh tấn công Điện Kremlin "không mang lại kết quả gì" và không thay đổi cục diện chiến trường, đồng thời chỉ khiến Nga "hành động cực đoan hơn".

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói rằng Washington không thể xác thực những cáo buộc của Moscow và "không nên tin toàn bộ những gì được Điện Kremlin đưa ra". Ông cũng nhắc lại quan điểm cho rằng Ukraine "có quyền tự quyết" khi được hỏi liệu Mỹ có chỉ trích Ukraine nếu nước này tấn công lãnh thổ Nga hay không.

"Kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột này, Mỹ chắc chắn không khuyến khích hoặc tạo điều kiện cho Ukraine tấn công bên ngoài biên giới của họ. Chúng tôi đã nói rất rõ ràng về điều đó", thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre nói tại cuộc họp báo ngày 3/5. "Tại đây, tôi không muốn suy đoán tính xác thực của những thông tin đó".

Động cơ của vụ tấn công là gì?

Trả lời phỏng vấn Reuters, các chuyên gia phân tích cho rằng nếu thực sự Ukraine điều máy bay không người lái đánh vào Moscow thì mục đích của cuộc tấn công có thể là nhằm gửi thông điệp cho thấy họ có thể xuyên thủng hệ thống phòng thủ ở thủ đô của Nga, chứ không phải nhằm vào Tổng thống Putin.

Samuel Bendett, một thành viên cao cấp tại Trung tâm An ninh Mỹ mới ở Washington, D.C, nêu quan điểm: “Nó có thể là một cuộc tấn công mang tính biểu tượng vào trung tâm Moscow để chứng minh rằng về cơ bản không có khu vực nào của Nga được an toàn trước một cuộc tấn công của Ukraine”.

Hãng thông tấn RIA cho biết ông Putin không có mặt ở Điện Kremlin vào thời điểm xảy ra vụ tấn công và đang làm việc tại dinh thự Novo Ogaryovo bên ngoài Moscow.

Hai trong số nhiều video được đăng trên các kênh truyền thông xã hội của Nga cho thấy hai vật thể bay trên cùng một quỹ đạo hướng tới một trong những điểm cao nhất của khu phức hợp Điện Kremlin. Cả hai sau đó đều bị tiêu diệt.

"Ukraine có một số loại máy bay không người lái có thể đóng vai trò trong vụ việc này. Ví dụ, máy bay không người lái UJ-22 mới được phát triển của họ thực sự có tầm bay xa", ông Bendett nói. "Máy bay không người lái Mugin-5, về cơ bản có thể mua trên các nền tảng trực tuyến và có thể được trang bị lại thành máy bay không người lái quân sự - máy bay không người lái đó có thể bay vài trăm km và nó đã được sử dụng trong các cuộc tấn công trước đó".

Theo đánh giá của Reuters, các đoạn video có tính xác thực, mặc dù một số nhà phân tích phương Tây cho rằng, Nga có thể dàn dựng vụ việc để đổ lỗi cho Ukraine và biện mình cho các phản ứng mạnh mẽ sau đó.

Alexander Vindman, cựu quan chức Hội đồng An ninh Quốc gia tại Nhà Trắng và là thành viên cấp cao tại Trường Nghiên cứu Quốc tế Cao cấp (SAIS) của Đại học Johns Hopkins chia sẻ quan điểm cho rằng, “sẽ là đi quá xa” khi nghĩ rằng Moscow dàn dựng vụ việc bởi điều đó chẳng khác nào việc tự làm suy yếu hình ảnh của một quốc gia an toàn và hùng mạnh.

“Đó có thể là một hoạt động của chủ thể phi quân sự, một đối tượng nào đó về cơ bản là chống Nga, nhưng không nhất thiết phải có sự ủng hộ của chính phủ Ukraine”, ông Bendett đánh giá./.

Hùng Cường/VOV.VN (biên dịch)
Nguồn: Reuters

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận