NATO mở rộng

Việc NATO mở rộng liên minh, kết nạp thêm thành viên mới liệu có giải quyết được vấn đềchính trị lẫn an ninh của cuộc chiến ở Ukraine?

 

Ngày 4/4 vừa qua, là NATO có thêm một thành viên mới Phần Lan. Nếu không có sự cản trở của Thổ Nhĩ Kỳ và Hungari thì cả Thụy Điển nữa cũng gia nhập NATO cùng với Phần Lan. Cả hai nước tự coi là trung lập này ở khu vực Bắc Âu đều xin gia nhập NATO dưới tác động của cuộc chiến ở Ukraine giữa Nga và Ukraine. Xưa nay, Nga vốn luôn phản đối NATO kết nạp thêm thành viên mới ở châu Âu và tiến thêm gần tới biên giới của Nga. Vì thế, NATO coi việc Phần Lan và Thụy Điển xin gia nhập NATO là một thất bại nặng nề của Nga cả về chính trị lẫn an ninh và là hiệu ứng "phản tác dụng" của cuộc chiến mà Nga đã phát động hồi tháng 2/2022 ở Ukraine. Cách lập luận chung của NATO là Nga phát động cuộc chiến ở Ukraine, cuộc chiến ấy chưa chấm dứt thì Nga đã phải nếm trải đúng cái Nga cản phá và không muốn thấy xảy ra lâu nay. Sau khi Phần Lan gia nhập NATO, liên minh quân sự này có được cả vòng cung biên giới phía bắc với Nga, có thêm gần 13.000km biên giới chung với Nga - tăng gần gấp đôi so với trước. Cho dù Phần Lan hiện tuyên bố trước mắt sẽ không triển khai binh lính và vũ khí của NATO ở vùng biên giới với Nga thì Nga vẫn phải bố trí chiến lược lại để phòng vệ NATO cả ở vùng biên giới với Phần Lan.

Ngoại trưởng Phần Lan Pekka Haavisto (trái) bắt tay người đồng cấp Mỹ Antony Blinken dưới sự chứng kiến của Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg trong lễ kết nạp Phần Lan vào liên minh tại Brussels, Bỉ, ngày 4/4. (Ảnh: Reuters)

Sự mở rộng NATO này còn diễn ra trong bối cảnh tình hình Nga triển khai bố trí vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Belarus - lần đầu tiên kể từ nhiều thập kỷ trở lại đây và công bố văn kiên định hướng chiến lược "Khái niệm chính sách đối ngoại" mới thay thế văn kiện đã được công bố năm 2016, trong đó hàm ý coi Mỹ và NATO là mối đe dọa trực tiếp tới sự tồn tại của nước Nga.

Cho tới nay, NATO đã nhiều lần kết nạp thêm thành viên mới ở châu Âu. Việc Phần Lan gia nhập NATO giúp liên minh quân sự này về cơ bản hoàn tất được tiến trình tạo thế bao vây chiến lược nước Nga ở phía tây của nước Nga. NATO lại một lần nữa mở rộng phạm vi ảnh hưởng và hoạt động quân sự ở châu Âu, tăng cường được vai trò chính trị an ninh ở châu Âu. Việc Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO trong bối cảnh tình hình chính trị an ninh và quan hệ quốc tế hiện tại ở châu Âu giúp NATO khẳng định sự hậu thuẫn của NATO dành cho Ukraine liên quan đến cuộc chiến ở Ukraine giữa Nga và Ukraine, phát đi thông điệp mạnh mẽ về cảnh báo và răn đe Nga.

Bất đồng quan điểm, xung khắc lợi ích và đối đầu về chính trị gia tăng giữa NATO và Nga nói chung, giữa Phần Lan với Nga nói riêng là hệ lụy trực tiếp không thể tránh khỏi. NATO lại mở rộng nói chung và việc Phần Lan gia nhập NATO nói riêng đẩy Nga vào tình thế mới khác trước rất cơ bản ở châu Âu về chính trị, quân sư và an ninh mà Nga không thể không có ngay những đối sách thích hợp để ứng phó hiệu quả với những thách thức và đe doạ an ninh mới nảy sinh. Điều hiện có thể chắc chắn được là Nga sẽ càng quyết tâm giành về phần thắng trong cuộc chiến ở Ukraine, sẽ không để cho bị thất bại về quân sự trên chiến trường ở Ukraine và sẽ không chấp nhận bất cứ giải pháp chính trị hòa bình nào cho cuộc chiến ở Ukraine bao hàm bất lợi đối với Nga. Cho nên việc NATO mở rộng liên minh sẽ làm cho việc giải quyết hòa bình cuộc chiến ở Ukraine thêm khó khăn, thêm phức tạp và thậm chí thêm khó khả thi.

Phần Lan và cả Thụy Điện viện dẫn lý do nhờ cậy NATO để đảm bảo an ninh trước thách thức và đe doạ an ninh từ Nga. NATO cũng cho rằng mở rộng liên minh như thế sẽ giúp NATO đảm bảo an ninh tốt hơn cho các thành viên và cho châu Âu. Trước mắt sẽ chỉ thấy vấn đề an ninh càng thêm nổi cộm ở châu Âu, đối đầu giữa NATO và Nga ở châu Âu sẽ càng gia tăng mức độ quyết liệt./.

Hoàng Lan

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận