Xung đột Ukraine là đụng độ quân sự 'công nghệ cao' nhất lịch sử

Trước đó chưa có cuộc chiến nào sử dụng và thử nghiệm nhiều công nghệ tiên tiến như cuộc xung đột quân sự hiện nay giữa Ukraine và Nga.

 

Cuộc chiến công nghệ

Cuộc chiến Iraq năm 2003 và cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay đều cung cấp các bài học phong phú cho các lực lượng vũ trang trên thế giới về việc lựa chọn công nghệ mới trong tác chiến. Nhiều chuyên gia đang gọi xung đột vũ trang ở Ukraine là “cuộc chiến công nghệ”.

Các hãng thầu quốc phòng, nhất là ở Mỹ, đã xem cuộc xung đột này như một cơ hội mới để nghiên cứu và quảng bá các hệ thống vũ khí của mình.

Công nghệ là nguồn gốc chính cho các cách tân quân sự trong suốt lịch sử loài người. Công nghệ thúc đẩy các thay đổi về tác chiến hơn bất cứ yếu tố nào khác. Chất lượng và số lượng của công nghệ cuối cùng sẽ giữ vai trò áp đảo trong các cuộc chiến tranh.

Xung đột đang diễn ra ở Ukraine đã khiến người ta nghe nhiều đến các thuật ngữ như “trí tuệ nhân tạo” (AI), “phòng thí nghiệm lượng tử”, “công nghiệp 4.0”, “học máy”, “các mạng thần kinh nhân tạo”, robot học và “thuật toán học sâu”.

Đặc điểm xung đột Ukraine về sử dụng công nghệ

Một số chuyên gia cho biết, xung đột Ukraine - Nga là cuộc đụng độ vũ trang hiện đại nhất về công nghệ mà loài người từng chứng kiến. Dưới đây là 3 đặc điểm chính của cuộc xung đột đó

Thứ nhất, “vũ trụ” đã được sử dụng trong cuộc xung đột như chưa bao giờ được sử dụng. Nhiều đến mức các công ty thương mại cũng tham gia.

Tỷ phủ Mỹ Elon Musk (một trong những người giàu nhất thế giới) đã cung cấp Starlink (một “chòm sao” internet vệ tinh do SpaceX vận hành, cung cấp truy cập internet cho 50 nước) để giúp đỡ Ukraine sử dụng các cơ sở của mình để thực hiện các cuộc tấn công bằng UAV vào các vị trí tiền phương của Nga.

Tương tự, các công ty không gian thương mại khác tập trung vào cảm biến từ xa và liên lạc vệ tinh, cung cấp thông tin tình báo kịp thời về di chuyển của binh sĩ Nga và duy trì hoạt động của các mạng liên lạc quân sự Ukraine.

Thứ hai, xung đột Nga - Ukraine dường như sử dụng công nghệ máy bay không người lái (UAV) nhiều hơn các cuộc chiến tranh trước đây. Cả hai bên đều sử dụng các loại UAV khác nhau, trong đó nổi bật là Bayraktar TB2 (do Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất, có thể mang bom dẫn đường bằng laser, ngắm bắn xe quân sự, đồn quân sự và binh lính), Switchblade (do Mỹ sản xuất) và Lancet của Nga. UAV của Nga còn được gọi là UAV cảm tử, có thể mang trong ba lô cá nhân, bay lửng lơ và tìm kiếm mục tiêu rồi lao thẳng vào mục tiêu, kích nổ đầu đạn nó mang theo.

Người ta cũng nói rằng chiến sự Nga - Ukraine càng kéo dài, càng có khả năng các UAV được sử dụng để nhận diện, lựa chọn và tấn công các mục tiêu mà không cần trợ giúp của con người. Điều này đánh dấu một cuộc cách mạng trong công nghệ quân sự với độ sâu sắc như việc súng máy được đưa vào sử dụng ồ ạt trước đây.

Thứ ba, đặc điểm này liên quan đến cái trên, đó là chiến trường Ukraine đang trở thành nơi thử nghiệm trí tuệ nhân tạo (AI) với mức độ chưa từng có.

UAV trinh sát của Nga. Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga.Phòng thí nghiệm trí tuệ nhân tạo quy mô lớn

Tướng về hưu Robin Fontes của Mỹ nhận định: “Ukraine là một phóng thí nghiệm trong đó, dạng thức chiến tranh mới đang được tạo ra. Nhưng đó không phải là phòng thí nghiệm con con mà là một sân khấu trung tâm, một nỗ lực chưa từng có tiền lệ để tinh chỉnh, làm thích ứng và cải thiện các hệ thống hoạt động nhờ AI hoặc được tăng cường bằng AI”.

Tướng Fontes và Tiến sĩ Kamminga, giám đốc một bộ phận của tổ chức nghiên cứu RAIN tiết lộ: “Điều khiến xung đột Ukraine trở nên “độc nhất vô nhị” là sự sẵn lòng chưa từng có tiền lệ của các công ty tình báo địa không gian trong việc hỗ trợ Ukraine bằng cách sử dụng các hệ thống vận dụng AI để chuyển các hình ảnh vệ tinh thành các lợi thế về tình báo, theo dõi và trinh sát. Các công ty Mỹ đóng vai trò dẫn đầu trong việc này. Như công ty Palantir Technologies đã cung cấp phần mềm AI để phân tích cuộc chiến đã diễn ra như thế nào, để hiểu hoạt động chuyển quân và thực hiện đánh giá thiệt hại trên chiến trường. Các công ty khác như Planet Labs, BlackSky Technology, và Maxar Technologies cũng thường xuyên tạo ra hình ảnh vệ tinh về xung đột này. Dựa trên yêu cầu từ Ukraine, một số dữ liệu như thế được chia sẻ tức thời với chính phủ Ukraine và các lực lượng quốc phòng của họ”.

Ngoài ra, hai vị trên còn nói về câu chuyện Ukraine và những bên ủng hộ họ đã khai thác AI và phần mềm deep fake cho cuộc chiến thông tin, như “tạo hình ảnh giả cho các tài khoản mạng xã hội giả dùng cho các chiến dịch tuyên truyền”./.

Trung Hiếu/VOV.VN biên dịch
Nguồn: Eurasian Times

 

Bình luận

    Chưa có bình luận