Cách đây 7 năm, Arab Saudi cắt đứt quan hệ ngoại giao với Iran sau vụ việc những người Iran biểu tình và tấn công vào đại sứquán Arab Saudi ở Iran. Những người này phản đối việc Arab Saudi hành quyết một giáo sĩ nổi tiếng thuộc dòng Shiite ở Arab Saudi. Dòng Shiite là tôn giáo chính thống ở Iran nhưng thuộc phía thiểu số ở Arab Saudi, nơi dòng Sunni là quốc giáo. Hai dòng này đều có gốc chung là đạo Hồi nhưng cạnh tranh ảnh hưởng trong thế giới Hồi giáo.
Mối quan hệ giữa Arab Saudi và Iran căng thẳng, trắc trở và thậm chí cả thù địch vì hai bên còn bất đồng quan điểm và xung khắc lợi ích trong một số vấn đề khác nữa. Arab Saudi là một trong những đồng minh chiến lược truyền thống quan trọng nhất của Mỹ ở khu vực vùng Vịnh, có cùng mối quan ngại sâu sắc về chương trình hạt nhân của Iran như Mỹ và Israel. Arab Saudi và Iran đứng ở hai phía đối địch nhau trong cuộc nội chiến ở Syria và Lebanon. Iran hậu thuẫn phe chống lại Arab Saudi khi vương triều này thành lập liên quân tiến hành cuộc chiến tranh ở Yemen. Iran và Israel là cựu thù của nhau nhưng Arab Saudi không thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức với Israel vì Israel không công nhận nhà nước Palestine.
Từ hơn hai năm nay, Arab Saudi và Iran đã tiến hành thương thảo về việc khôi phục quan hệ ngoại giao chính thức. Nhưng phải đến vừa mới rồi và với tác động ngoại giao trung gian hòa giải của Trung Quốc, hai bên mới đạt được thỏa thuận về bình thường hóatrở lại mối quan hệ song phương. Tại Bắc Kinh (Trung Quốc), bộ trưởng ngoại giao của ba nước đã cùng tuyên cáo bước đột phá ngoại giao này.
Trung Quốc có được thành quả mới về chính trị ngoại giao thế giới và thành quả này giúp gia tăng vai trò và ảnh hưởng chính trịthế giới của Trung Quốc. Cách đây không lâu, Trung Quốc đưa ra văn bản với tên gọi "Giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng ở Ukraine", thể hiện quan điểm của Trung Quốc về cuộc chiến ởUkraine giữa Nga và Ukraine cũng như những nguyên tắc cơ bản đối với giải pháp chính trị cho cuộc chiến này. Có thểthấy được qua đó là Trung Quốc bắt đầu chủ động và năng động gây dựng và thể hiện vai trò, ảnh hưởng chính trị và ngoại giao thế giới.
Trung Quốc có nhiều lợi thế hơn hẳn Mỹ trong việc trung gian hòa giải này. Trung Quốc có mối quan hệ đối tác chiến lược lâu dài với cả Iran và Arab Saudi. Thời gian gần đây, mối quan hệ giữa Mỹ và Arab Saudi gặp trắc trở. Mỹ lại không còn dành ưu tiên chiến lược cao như trước cho khu vực vùng Vịnh. Mỹ và phương Tây càng găng với Iran thì Trung Quốc càng thêm quan trọng đối với Iran. Iran không thể chấp nhận Mỹ đóng vai trò trung gian hòa giải trong khi Arab Saudi có thể sử dụng Trung Quốc làm đối trọng cho xử lý quan hệ với Mỹ.
Arab Saudi và Iran bình thường trở lại quan hệ song phương có tác động rất mạnh mẽ tới cục diện tình hình chính trị an ninh và quan hệquốc tếở khu vực Trung Đông, Bắc Phi và vùng Vịnh. Việc này có thể giúp sớm chấm dứt cuộc chiến tranh ở Yemen, đưa lại chuyển biến quyết định mới cho diễn biến tình hình chính trị và an ninh nội bộở Syria, Libya và Lebanon. Chuyển biến này của Arab Saudi sẽ thúc đẩy các vương triều khác ở vùng Vịnh bình thường hóatrở lại hoặc thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa quan hệ hợp tác của họ với Iran. Trên những phương diện này, Mỹ và Israel đều không có lý do xác đáng đểvui mừng hay hài lòng. Iran và Arab Saudi hòa giải với nhau còn đẩy Thổ Nhĩ Kỳ vào thế cuộc mới ở khu vực và trong thế giới Hồi giáo. Ngoài ra, để xoa dịu những quan ngại chung của các nước trong khu vực về chương trình hạt nhân của Iran nói chung và của Arab Saudi nói riêng, phía Iran còn rất có thể sẽ duy trì nỗ lực để khôi phục hiệu lực hoàn toàn của thoả thuận về giải pháp cho vấn đề hạt nhân của Iran./.
Hoàng Lan