Hội nghị Munich: Trở lại trọng tâm an ninh châu Âu?

Cuộc khủng hoảng Ukraine dự kiến sẽ tiếp tục là nội dung trọng tâm tại Hội nghị an ninh Munich khai mạc ngày 17/2.

 

Giống như hầu hết các cuộc gặp cấp cao của phương Tây trong 1 năm qua, chủ đề về cuộc xung đột tại Ukraine sẽ tiếp tục là trọng tâm của Hội nghị an ninh Munich, thậm chí sẽ là chủ đề chiếm thời lượng áp đảo so với những chủ đề khác bởi đúng như tên gọi, tính chất của cuộc gặp gỡ cấp cao tại Munich là về một hội nghị về an ninh, và trong bối cảnh quan hệ quốc tế hiện nay trên thế giới, không có chủ đề an ninh nào nóng bỏng và nghiêm trọng hơn cuộc xung đột Nga-Ukraine, đặc biệt trong bối cảnh cuộc xung đột này sẽ tiến tới cột mốc tròn 1 năm trong vài ngày tới.

Hội nghị an ninh Munich năm nay cũng thu hút một lượng lớn các lãnh đạo nhiều quốc gia và các thiết chế phương Tây, từ Thủ tướng Đức chủ nhà, Olaf Scholz, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Italy Giorgia Meloni, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg, nguyên thủ nhiều nước châu Âu, các lãnh đạo EU… Về phía Mỹ, mặc dù Tổng thống Joe Biden không tham dự nhưng đoàn đại biểu Mỹ do Phó Tổng thống Kamala Harris dẫn đầu cũng đến Munich năm nay với số lượng thành viên lớn nhất trong lịch sử. Bản thân ông Joe Biden cũng sẽ đến châu Âu trong tuần sau, thăm Ba Lan để đánh dấu 1 năm ngày nổ ra xung đột tại Ukraine.

Tuy nhiên, sự góp mặt cực kỳ đông đảo của hầu hết các quan chức quan chức lãnh đạo phương Tây không có nghĩa là Hội nghị an ninh Munich năm nay sẽ mang đến điều gì đó mới mẻ, mang tính đột phá về xung đột tại Ukraine bởi trong thời gian qua, các nước phương Tây đã có quá nhiều các cuộc họp bàn ở tất cả các cấp độ, với sự tham dự trực tiếp của lãnh đạo Ukraine và ngay trước thềm Hội nghị an ninh Munich năm nay thì các Bộ trưởng Quốc phòng Liên minh quân sự Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cũng vừa kết thúc hai ngày họp tại Brussels với rất nhiều thảo luận về việc trợ giúp quân sự cho Ukraine. Vì thế, sẽ khó có những tuyên bố, các quyết định mang tính bất ngờ được đưa ra tại Munich.

Ảnh minh họa: MSC.Điểm mới nhất của Hội nghị an ninh Munich năm nay, nếu phải xem đó là “điểm mới”, đó là gần như chắc chắn Hội nghị này sẽ quay trở lại với tính chất giống như khi được lập ra trong thập kỷ 60, đó là một diễn đàn mang tính biểu trưng sức mạnh và tập hợp lực lượng của phương Tây. Việc thiếu vắng các quan chức hàng đầu từ các quốc gia là đối thủ địa chính trị lớn của phương Tây như Nga, Iran, Trung Quốc,Triều Tiên… khiến Hội nghị an ninh Munich đánh mất giá trị lớn nhất, đó là nơi gặp gỡ của những tiếng nói trái chiều, thậm chí là thù địch lẫn nhau.

Bên cạnh sự góp mặt đông đảo của các nước phương Tây, một số quốc gia tại châu Á, châu Phi, Mỹ Latin cũng có mặt nhưng đó cũng hầu hết là các nước có các quan điểm thân phương Tây và vì thế, các đối thoại tại Munich năm nay chắc chắn sẽ đi theo hướng là trở thành một diễn đàn để phương Tây tuyên truyền thông điệp rằng khối này đang xây dựng và duy trì được một khối đoàn kết lâu dài trong việc đối đầu với Nga và ủng hộ Ukraine.

Nói cách khác, Hội nghị An ninh Munich năm nay sẽ chỉ còn mang tính chất như một diễn đàn khác của các nước phương Tây. Một chủ đề mới khác, không gay gắt bằng xung đột tại Ukraine nhưng cũng rất đáng chú ý, đó là việc phương Tây sẽ tiếp tục đẩy mạnh xu hướng cứng rắn theo hướng đối đầu với Trung Quốc, nhất là trong bối cảnh quan hệ Mỹ-Trung căng thẳng hơn trong vài ngày qua vì vụ việc khinh khí cầu.

Những vấn đề mà châu Âu quan tâm nhất liên quan đến “trật tự an ninh châu Âu”

Cách đây vài tháng, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Olaf Scholz, những nguyên thủ châu Âu có cách tiếp cận thận trọng nhất với xung đột Nga-Ukraine, từng nhiều lần đề cập đến việc xây dựng lại một cấu trúc an ninh mới tại châu Âu sau khi kết thúc xung đột Nga-Ukraine, trong đó cả hai người đứng đầu hai cường quốc mạnh nhất châu Âu đều thể hiện quan điểm rằng, bất chấp những gì đã và đang diễn ra, châu Âu vẫn cần duy trì đối thoại với Nga.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thậm chí còn tuyên bố rằng cấu trúc an ninh mới tại châu Âu sau này cần phải tính đến quan ngại an ninh của tất cả các quốc gia tham gia vào cấu trúc đó, trong đó có cả các quan ngại an ninh của Nga. Đây là chính sách mà giới phân tích tại châu Âu tạm đặt tên là “cùng lúc đó”, tức một mặt châu Âu lo giải quyết xung đột Ukraine nhưng mặt khác, cùng lúc đó, vẫn lo xây dựng một cấu trúc an ninh mới hậu xung đột. Tuy nhiên, quan điểm này của hai nguyên thủ Pháp-Đức, đặc biệt là các phát biểu của ông Emmanuel Macron, đã bị nhiều đồng minh châu Âu chỉ trích gay gắt.

Đa số các nước châu Âu, đặc biệt tại Đông Âu và Baltic, không chấp nhận việc vẫn phải tính đến “yếu tố Nga” trong cấu trúc an ninh mới. Đến thời điểm này, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron dường như cũng đã chấp nhận từ bỏ ý tưởng này và qua những gì Pháp-Đức thể hiện thời gian qua, như việc gia tăng viện trợ các loại vũ khí hạng nặng cho Ukraine (xe tăng, pháo) thì quan điểm thống trị tại châu Âu hiện nay là cần phải tìm mọi cách để Ukraine chiến thắng, tức là Nga phải thất bại. Vào thời điểm này, châu Âu không có bất kỳ ý tưởng nào rõ ràng và thực tế về một trật tự an ninh mới tại châu Âu mà đang dồn hết sức vào cuộc đối đầu với Nga.

Rất nhiều lằn ranh đỏ mà châu Âu đặt ra ban đầu, khi xung đột Ukraine mới nổ ra, đã bị vượt qua, từ việc cung cấp vũ khí, huấn luyện quân đội cho Ukraine, viện trợ vũ khí hạng nặng như xe tăng và sắp tới có thể sẽ là máy bay chiến đấu và tên lửa tầm xa. Nói cách khác, châu Âu nói riêng hiện nay và phương Tây nói chung, đang trong logic đối đầu toàn diện với Nga, chỉ thiếu duy nhất việc trực tiếp tham chiến tại Ukraine. Vì thế, mối bận tâm của châu Âu bây giờ không phải là một trật tự an ninh mơ hồ trong tương lai mà là việc tìm cách đánh bại Nga tại Ukraine và Hội nghị An ninh Munich vào thời điểm này sẽ chỉ là một diễn đàn để tuyên truyền ý định đó.

Khả năng thúc đẩy đối thoại của Hội nghị an ninh Munich

Năm 2007, Tổng thống Nga Vladimir Putin tham dự Hội nghị an ninh Munich và tại đó, Tổng thống Nga đã có một bài phát biểu rất quyết liệt, lần đầu tiên lên án trật tự thế giới hậu chiến tranh Lạnh mà phương Tây tìm mọi cách áp đặt, đồng thời cảnh báo về những đổ vỡ toàn diện về an ninh tại châu Âu nếu NATO không ngừng chiến lược Đông tiến, áp sát biên giới Nga và đe doạ an ninh của Nga.

Chỉ 1 năm sau bài phát biểu đó, xung đột Nga-Gruzia nổ ra. Cũng trong năm đó, NATO hé mở cánh cửa cho Gruzia và Ukraine trở thành thành viên. Đến năm 2014 là khủng hoảng Ukraine với sự kiện Nga sáp nhập bán đảo Crimea và năm 2022 là một cuộc xung đột toàn diện khốc liệt nhất tại châu Âu từ sau Chiến tranh thế giới thứ 2. Đây là một ví dụ rõ nhất về việc Hội nghị an ninh Munich có thể tạo diễn đàn để các đối thủ nói chuyện thẳng thắn với nhau, nhưng không thể ngăn các bên tránh được việc đối đầu thông qua đối thoại.

Câu chuyện sâu xa hơn nằm ở bản chất thật sự của những thiết chế mà phương Tây tạo dựng lên, mà Hội nghị An ninh Munich cũng là một trong số đó. Trong một thời kỳ dài, Munich được ca ngợi là nơi để các tiếng nói đối lập, các đối thủ địa chính trị, thậm chí là các kẻ thù cũ… có cơ hội đối thoại thẳng thắn với nhau về mọi chủ đề liên quan đến an ninh toàn cầu. Nhưng vấn đề ở đây, đó là có những tiếng nói không bao giờ được phương Tây lắng nghe và như thế thì không thể xem là đối thoại.

Môi trường an ninh tại châu Âu không hề được cải thiện trong suốt nhiều năm các quan chức hàng đầu của Nga tham gia đối thoại. Hồ sơ hạt nhân Iran cũng bế tắc và ngày càng nghiêm trọng hơn trong vài năm qua, dù đã có những Hội nghị tại Munich, các quan chức Iran đưa ra các phát biểu thẳng thắn được xem là “ngỡ ngàng” với báo chí phương Tây. Bản chất vấn đề, đó là chúng ta đã bị áp đặt trong một thời gian dài rất nhiều chuẩn mực từ phương Tây và qua đó đánh giá quá cao hiệu quả thực chất của những thiết chế do phương Tây dựng nên.

Các diễn đàn như Hội nghị An ninh Munich, hay Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos được xem là nơi tập hợp của những tinh hoa chính trị, kinh tế, truyền thông phương Tây, được xem là nơi thảo luận và đề ra giải pháp cho những vấn đề toàn cầu. Nhưng một khi giải pháp đó đi ngược với lợi ích của phương Tây thì mọi trao đổi, thảo luận đều vô giá trị. Đây là sự bất cập của những diễn đàn như Hội nghị An ninh Munich bởi thế giới ngày nay đang ngày càng trở nên đa cực, rất nhiều trung tâm quyền lực mới đã nổi lên ở châu Á, châu Mỹ Latin và những cực quyền lực mới này có nhu cầu được lắng nghe, được tôn trọng lợi ích, chứ không phải bị áp đặt và bị dán mác như là các yếu tố “đe doạ” hay “thách thức” đối với lợi ích của phương Tây chỉ vì đã lớn mạnh đủ để loại bỏ các bất hợp lý trong trật tự mà phương Tây dựng nên.

Một yếu tố quan trọng khác, đó là châu Âu cũng đang ngày càng đánh mất sự tự chủ về chính sách đối ngoại-an ninh nên các ý tưởng mà các quan chức châu Âu đưa ra tại những diễn đàn như ở Munich cũng không có nhiều thực chất. Trong thời điểm này, khi Hội nghị An ninh Munich trở thành một diễn đàn đơn phương của phương Tây thì giá trị của hội nghị cũng giảm sút, trở thành một nơi tập hợp lực lượng của phương Tây chứ không còn là một nơi đối thoại đáng tin cậy./.

Quang Dũng/VOV-Paris

 

Bình luận

    Chưa có bình luận