Chiến sự nơi chiến trường cũ

Thổ Nhĩ Kỳ coi lực lượng vũ trang người Kurd là lực lượng khủng bố và mối đe dọa an ninh đối với Thổ Nhĩ Kỳ.

 

Trong khi cuộc chiến giữa Nga và Ukraine vẫn tiếp tục là tâm điểm của mọi sự chú ý và quan ngại của thế giới, Thổ Nhĩ Kỳ lại tiến hành những cuộc không kích vào lực lượng vũ trang của người Kurd ở miền bắc Syria. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan dọa sẽ đưa binh lính vượt biên giới tràn sang Syria như đã từng 4 lần đã làm trước đó. Sau Thổ Nhĩ Kỳ, Iran bất ngờ không kích vào lực lượng vũ trang của người Kurd ở miền Bắc Iraq.

Vùng miền Bắc Iraq và Syria trong suốt nhiều năm qua là chiến địa của giao tranh quân sự và vũ trang giữa nhiều đối tác bên trong và bên ngoài với nhau. Thổ Nhĩ Kỳ coi lực lượng vũ trang người Kurd là lực lượng khủng bố và mối đe dọa an ninh đối với Thổ Nhĩ Kỳ. Chẳng hạn như Thổ Nhĩ Kỳ ngay lập tức coi lực lượng vũ trang người Kurd là thủ phạm gây ra vụ đánh bom ngày 14/11 vừa qua ở thành phố Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ. Cũng từ nhiều năm nay, chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ truy sát đảng PKK của người Kurd, cáo buộc đảng này hậu thuẫn và tiếp tay cho lực lượng vũ trang của người Kurd chống Thổ Nhĩ Kỳ. Lực lượng này lại là đồng minh quan trọng nhất của Mỹ và NATO trong cuộc chiến của họ chống các phần tử khủng bố Hồi giáo cực đoan và chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng ở Iraq và Syria.

Sự can thiệp quân sự trực tiếp của Nga vào chiến tranh và nội chiến ở Syria hồi năm 2015 đã giúp Nga gây dựng được vai trò quan trọng và quyết định nhất đối với cuộc chiến ở Syria và đối với tương lai của Syria. Nga đã liên thủ được với Thổ Nhĩ Kỳ và Iran để giải quyết vấn để tương lai chính trị và hoà bình cho Syria. Mỹ đã tuyên bố rút hết binh lính ra khỏi Iraq và Syria, nhưng vẫn không kích từ bên ngoài vào nhiều mục tiêu ở Iraq và Syria. Nga đã nhượng bộ Thổ Nhĩ Kỳ khi chấp nhận thành lập vùng đệm an ninh cho Thổ Nhĩ Kỳ rộng 30km ở tuyến biên giới của Syria chung với Thổ Nhĩ Kỳ. Cục diện chiến trường là như vậy và trong thời gian gần đây, tình hình chính trị an ninh ở vùng miền bắc Iraq và Syria khá yên bình.

Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố không kích các tay súng người Kurd ở Syria và Iraq. (Nguồn: elbalad)Thổ Nhĩ Kỳ và Iran đã làm chiến sự lại dậy lên ở nơi chiến trường cũ. Sự trùng hợp về thời điểm của hành động này của Thổ Nhĩ Kỳ và Iran rất khó lý giải nhưng rất đáng được chú ý bởi đều trong bối cảnh tình hình chung là chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ và Iran đều gặp khó khăn lớn về đối nội và vì hai nước này đều có thể tác động không hề nhỏ tới phe này hay bên kia của cuộc chiến ở Ukraine. Cả hai đều có mối quan hệ đặc biệt với Nga mà sự ủng hộ hay không ủng hộ Nga trong cuộc chiến ở Ukraine ảnh hưởng trực tiếp tới triển vọng thắng hay thua cuộc của Nga ở Ukraine. Nói theo cách khác, lúc này họ có thể hành động riêng vì mưu tính lợi ích riêng ở Iraq và Syria - như nhằm vào lực lượng vũ trang người Kurd ở đó chẳng hạn - mà không cần phải lựa theo thái độ và phản ứng của Nga.

Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên của NATO, chơi con bài hai mặt với NATO trong chuyện NATO đối địch Nga. Thổ Nhĩ Kỳ hiện vẫn chưa hoàn toàn đồng ý để cho Phần Lan và Thuỵ Điển gia nhập NATO như họ và NATO khao khát. Nga dùng quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ để phân rẽ nội bộ NATO. Vì thế, NATO không thể làm găng mà vẫn phải tranh thủ Thổ Nhĩ Kỳ.

Iran có quan hệ truyền thống gắn bó với Nga. Nga là đồng minh của Iran trong cuộc đối đầu giữa Iran và phương Tây liên quan đến chương trình hạt nhân của Iran. Phương Tây đối địch Iran nhưng lại phải hết sức tránh Iran hậu thuẫn Nga về quân sự cho cuộc chiến ở Ukraine và giúp Nga lách qua những biện pháp chính sách của phương Tây trừng phạt Nga về chính trị, kinh tế, thương mại và tài chính. Nói theo cách khác, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran lại hành động quân sự ở Iraq và Syria khiến an ninh và ổn định ở hai nơi này bị ảnh hưởng tiêu cực thì phản ứng của Nga, Mỹ và NATO cũng chỉ có thể rất kiềm chế./.

Hoàng Lan

 

Bình luận

    Chưa có bình luận