Phó Tổng thống Mỹ thăm Philippines: Hàn gắn quan hệ đồng minh

Sau 5 năm rơi vào tình trạng 'lạnh nhạt', quan hệ Mỹ - Philippines đang có dấu hiệu nồng ấm trở lại.

 

Với chính quyền mới ở Philippines, việc nước này quay lại “quỹ đạo” đồng minh với Mỹ ra sao đang là vấn đề được dư luận quan tâm.

Tiếp nối chuỗi hoạt động ngoại giao của giới chức Mỹ tại khu vực Đông Nam Á, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris đang có chuyến thăm Philippines. Đây là chuyến thăm thứ hai của bà Harris đến châu Á trong 3 tháng và diễn ra chỉ sau chuyến đi kéo dài một tuần của Tổng thống Joe Biden tới khu vực này. Cả hai chuyến đi đều được thực hiện nhằm củng cố khả năng phòng thủ và liên minh của Mỹ.

Thông điệp của Phó Tổng thống Mỹ trong chuyến thăm Philippines

Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris là quan chức cấp cao nhất trong chính quyền Tổng thống Joe Biden đến thăm Philippines và điều này cho thấy quan hệ giữa 2 đồng minh lâu năm đang ấm trở lại sau khi chính quyền Philippines dưới thời cựu Tổng thống Rodrigo Duterte có quan hệ khá lạnh nhạt với Washington đồng thời né tránh việc chỉ trích Bắc Kinh nhằm thu hút các khoản đầu tư từ nước này.

Chuyến thăm của bà Harris là dấu hiệu mới nhất về sự hồi sinh của quan hệ an ninh song phương sau thời gian ông Duterte cầm quyền, đồng thời bác bỏ những nhận định trước đó rằng quá khứ gây tranh cãi của gia tộc Marcos sẽ cản trở mối quan hệ mang tính xây dựng với Washington.

Tại cuộc gặp với Tổng thống Philippines, bà Harris đã nhắc lại mối quan tâm của Mỹ đối với hòa bình và an ninh ở Biển Đông và khẳng định Mỹ sẽ sát cánh cùng đồng minh Philippines trong việc duy trì trật tự hàng hải quốc tế dựa trên luật lệ, tự do thương mại và tôn trọng luật pháp quốc tế bao gồm tự do hàng không và hàng hải.

Bà Harris cũng tái khẳng định rằng một cuộc tấn công vũ trang đối với các lực lựợng vũ trang, thuyền công vụ hoặc máy bay của Philippines ở khu vực Thái Bình Dương sẽ kích hoạt điều 4 của Hiệp ước phòng thủ chung ký năm 1951 giữa hai nước.

Đặc biệt, trong chuyến thăm 3 ngày tới Philippines, bà Harris sẽ tới quần đảo Palawan của Philippines và tại đây bà Harris sẽ thể hiện sự ủng hộ của Mỹ với phán quyết của Tòa án Trọng tài Quốc tế năm 2016 trong đó bác bỏ hầu hết các tuyên bố chủ quyền lịch sử phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông, khẳng định các yêu sách này là không có cơ sở pháp lý.

Theo một số nhà phân tích, chuyến thăm của bà Harris gửi một thông điệp ủng hộ mạnh mẽ tới Philippines rằng Mỹ sẽ sát cánh cùng Philippines trên Biển Đông mà không nhất thiết phải đe dọa Bắc Kinh vì bà Harris sẽ đến thăm đảo Palawan, nằm gần Biển Đông nhưng không phải là một trong những quần đảo tranh chấp.

Bên cạnh thắt chặt hợp tác an ninh, chuyến thăm của bà Harris cũng nhằm thúc đẩy quan hệ đối tác với Philippines trên nhiều lĩnh vực như biến đổi khí hậu, hợp tác về hạt nhân, an ninh lương thực, kinh tế kỹ thuật số, hợp tác trong lĩnh vực y tế, hàng hải.

Quan hệ Mỹ - Philippines dưới thời Tổng thống Fedinand Marcos

Rõ ràng so với người tiền nhiệm Rodrigo Duterte, từng có ý định xóa bỏ liên minh một cách có hệ thống với Mỹ trên 3 trụ cột an ninh bao gồm Thỏa thuận các lực lượng thăm viếng, Thỏa thuận tăng cường hợp tác quốc phòng (EDCA) hay Hiệp ước Phòng thủ chung (MDT), trong 6 tháng lên nắm quyền, Tổng thống Marcos đã có nhiều bước đi cải thiện quan hệ với đồng minh Mỹ.

Luôn khẳng định tầm quan trọng của các trụ cột an ninh này, Tổng thống Marcos cũng cho biết đang tiếp tục tiến trình cải tiến cho phù hợp với tình hình mới. 21 dự án hợp tác do Mỹ tài trợ đang được hai bên thảo luận triển khai cùng với những cam kết bảo vệ đồng minh của Mỹ bất cứ khi nào xảy ra một cuộc tấn công nhằm vào Philippines. Ngay trong cuộc gặp với Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harriss, Tổng thống Marcos cũng khẳng định “không nhìn thấy một tương lai nào cho Philippines mà không có Mỹ”. Điều đó cho thấy chuyến đi cấp cao nhất của một quan chức chính quyền Mỹ tới Philippines thời gian gần đây sẽ tiếp tục là dấu hiệu về sự hồi sinh của quan hệ an ninh song phương giữa hai đồng minh.

Tuy nhiên cũng có nhiều câu hỏi đặt ra là việc thắt chặt hợp tác quốc phòng với Mỹ có thể đặt Philippines vào “thế khó” trong bối cảnh cạnh tranh gia tăng hiện nay với Trung Quốc. Nhưng nếu xét về chính sách đối ngoại của Philippines trong thời gian qua cho thấy nhà lãnh đạo quốc gia Đông Nam Á này đang nỗ lực củng cố và hiện đại hóa hệ thống phòng thủ của đất nước với sự giúp đỡ của Mỹ, đồng thời thiết lập đối thoại thân thiện với Trung Quốc để tăng cường quan hệ kinh tế với đối tác thương mại lớn nhất của Philippines.

Điều này cũng phù hợp với tuyên bố của Tổng thống Marcos khẳng định theo đuổi chính sách đối ngoại độc lập, "không chọn bên" trong cạnh tranh, thay vào đó là quan tâm tới bất kỳ lợi ích nào có thể nhận được từ hai cường quốc này. Thúc đẩy hợp tác với cả Mỹ và Trung Quốc, theo đuổi chính sách đối ngoại độc lập được nhận định sẽ giúp Philippines tránh bị lôi kéo vào sự cạnh tranh ngày càng gay gắt và là chìa khóa để tồn tại và phát triển trong giai đoạn đầy biến động hiện nay.

Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris và Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. Ảnh: APMỹ thúc đẩy hợp tác quân sự quốc phòng với các nước trong khu vực

Có thể thấy, trong những ngày này hoạt động ngoại giao của giới chức Mỹ ở Đông Nam Á được thực hiện dày đặc. Trong lịch trình 3 ngày làm việc, đáng chú ý, Phó Tổng thống Mỹ Harris thăm quần đảo Palawan và căn cứ quân sự của Philippines. Cùng lúc, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin thăm Indonesia và Campuchia.

Với việc Indonesia là nước chủ tịch G20 và Chủ tịch ASEAN vào năm tới, Mỹ đánh giá cao Indonesia trong việc gắn kết các nước khu vực. Vì vậy, trong thời gian gần đây, Mỹ luôn chú trọng việc thúc đẩy hợp tác quốc phòng với quốc gia Đông Nam Á này, với những bước tiến đáng kể bao gồm việc mở rộng cuộc tập trận chung Siêu lá chắn Garuda.

Indonesia cũng đang đàm phán để mua một số máy bay chiến đấu F-15EX từ Mỹ và gửi các học viên Indonesia theo học tại các Học viện quân sự, Hải quân và không quân Mỹ… Thúc đẩy các sáng kiến ​​song phương, hỗ trợ khả năng tương tác, phát triển năng lực cũng như chuyên nghiệp hóa và hiện đại hóa của quân đội Indonesia nằm trong chương trình nghị sự của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ tới quốc gia này.

Trong khi đó tại Siem Reap, Campuchia, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ sẽ tham dự Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM-plus), với khẳng định đây là diễn đàn duy nhất để các Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương cùng nhau thảo luận những vấn đề hợp tác cũng như bất đồng.

Có thể nói khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương ngày càng trở nên cạnh tranh trong những năm gần đây và Mỹ vẫn đang tìm cách hạn chế ảnh hưởng quân sự của Trung Quốc thông qua quan hệ đối tác quốc phòng an ninh với các quốc gia khác trong khu vực. Chuyến thăm thứ 5 của ông Austin tới Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và là chuyến thăm thứ 3 tới Đông Nam Á với tư cách là Bộ trưởng Quốc phòng, cùng với chuyến thăm của Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris tới Philippines tiếp tục nằm trong các chuỗi hoạt động song phương và đa phương của Mỹ nhằm tái khẳng định vai trò cũng như cam kết của Mỹ với khu vực./.

Phạm Huân - Phạm Hà/VOV

 

Bình luận

    Chưa có bình luận