Cuộc gặp cấp cao Mỹ - Trung Quốc ở Bali

Ông Tập Cận Bình và ông Biden có cuộc gặp kéo dài 3 giờ ở Bali. Cả hai đều nhấn mạnh và đề cao tầm quan trọng của mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc...

 

Cuộc gặp cấp cao thường niên năm nay của nhóm G20 do Indonesia tổ chức ở Bali trên cương vị chủ tịch luân phiên của nhóm đã được Mỹ và Trung Quốc tận dụng làm cơ hội thuận lợi cho việc tiến hành cuộc gặp nhau trực tiếp đầu tiên giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kể từ khi ông Biden nhậm chức tổng thống Mỹ. Khi còn là phó tổng thống Mỹ, ông Biden đã gặp ông Tập Cận Bình vào dịp Diễn đàn kinh tế thế giới ở Davos (Thụy Sỹ) hồi năm 2017. Trong thời gian gần hai năm cầm quyền đến nay ở nước Mỹ của ông Biden, ông Biden và ông Tập Cận Bình đã 5 lần điện đàm và trao đổi trực tuyến với nhau. Từ năm 2018, mối quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ tồi tệ đi rõ rệt, căng thẳng và đối địch giữa hai nước gia tăng về kinh tế và thương mại nhưng đồng thời cũng còn cả về chính trị an ninh khu vực và thế giới, về địa chính trị và địa chiến lược thế giới và khu vực. Cuộc xung khắc thương mại song phương mà người tiền nhiệm của ông Biden phát động nhằm vào Trung Quốc vẫn dai dẳng và vẫn rất quyết liệt. Trung Quốc và Mỹ bất đồng quan điểm về gần như tất cả mọi chuyện hai bên coi là rất quan trọng và rất nhạy cảm về đối nội cũng như về đối ngoại như Đài Loan và Biển Đông, về dân chủ, nhân quyền và nhà nước pháp quyền liên quan trực tiếp đến Hongkong và Tân Cương của Trung Quốc.

Hai bên khác biệt nhau cũng rất cơ bản trong chính sách đối với Nga kể từ sau khi bùng phát cuộc chiến ở Ukraine giữa Nga và Ukraine. Cuộc cạnh tranh chiến lược giữa hai đối tác này đến nay đã lan ra tất cả các lĩnh vực của mối quan hệ song phương. Bản chất của mối bất hòa giữa Mỹ và Trung Quốc không chỉ là bên nào có ưu thế nổi trội hơn bên nào về thực lực và tiềm lực kinh tế, thương mại và khoa học công nghệ mà còn là cuộc ganh đua không khoan nhượng về ý thức hệ, hệ thống chính trị và vai trò dẫn dắt thế giới trong tương lai.

Hai nhà lãnh đạo mặt đối mặt tại Bali chiều 14/11. (Ảnh: REUTERS)Ông Tập Cận Bình và ông Biden có cuộc gặp kéo dài 3 giờ ở Bali. Cả hai đều chủ ý thể hiện thiện chí và hài hoà, đề cập mọi vấn đề còn bất đồng quan điểm nhưng không gay gắt, tỏ ra tranh thủ và coi trọng lẫn nhau. Cả hai đều nhấn mạnh và đề cao tầm quan trọng của mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc đối với việc giải quyết mọi vấn đề đang đặt ra cho thế giới hiện đại. Những biểu hiện ra bên ngoài này được bên ngoài nhìn nhận rất tích cực, thậm chí còn cho rằng thế giới có thể bớt đi đáng kể mức độ lo ngại về căng thẳng và đối địch gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc khiến cho cả thế giới bị vạ lây lâu dài hơn và nhiều hơn nữa bởi tác động và hệ lụy tiêu cực từ đấy.

Cảm nhận này không sai nhưng đồng thời cũng phải khách quan để nhận thấy là ông Biden và ông Tập Cận Bình ở Bali chưa đưa lại được bước chuyển thực chất cho mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc, chưa làm sáng sủa và thực tế thêm triển vọng giải quyết được vấn đề này hay vấn đề khác tồn tại trong khuôn khổ mối quan hệ song phương. Mọi tương đồng quan điểm giữa hai bên ở Bali đều rất mơ hồ và bên nào lý giải theo hướng nào cũng được.

Cho nên, kết quả quan trọng nhất của cuộc gặp giữa ông Biden và ông Tập Cận Bình ở Bali đối với cả hai phía là Mỹ và Trung Quốc nỗ lực duy trì tiếp xúc và đối thoại cấp cao khi mức độ xung khắc và đối địch chưa thuyên giảm và thậm chí còn có thể tiếp tục gia tăng. Điều cả hai bên cùng muốn đạt được là quyết tâm kiểm soát và quản lý diễn biến của mối quan hệ song phương. Cũng từ đó mà có thể thấy được rằng các chuyến thăm chính thức của ông Biden tới Trung Quốc và của ông Tập Cận Bình tới Mỹ nhiều khả năng sẽ diễn ra trong thời gian tới./.

Hoàng Lan

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận