Cặp bài trùng trong khu vực lớn

Mối quan hệ "đối tác tự nhiên" của Nhật Bản và Australia giúp cho Nhật Bản và Ấn Độ trở thành cặp bài trùng mới ở khu vực lớn Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

 

Sau gần 5 năm mới lại có thủ tướng Nhật Bản đến thăm Australia. Hai nước này có mối quan hệ hợp tác rất tốt đẹp và tin cậy với nhau. Năm 2014, hai bên thiết lập mối quan hệ đối tác chiến lược đặc biệt. Trước khi tới thăm Australia và gặp gỡ thủ tướng Australia Anthony Albanese, thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã ba lần gặp ông Albanese nhân những dịp khác nhau. Nhật Bản và Australia còn là thành viên của nhóm bốn nước được gọi là Bộ Tứ ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương cùng với Mỹ và Ấn Độ. Với nền tảng quan hệ song phương như thế, lại có cùng nhiều lợi ích chiến lược lâu dài về kinh tế và thương mại cũng như về chính trị an ninh, chuyến thăm Australia của ông Kishida chỉ có thể thành công.

Thủ tướng Australia Anthony Albanese (bên phải) và người đồng cấp Nhật Bản Fumio Kishida tại cuộc gặp tại Perth ngày 22/10. (Ảnh: EPA)

Sự đồng thuận quan điểm và tương đồng lợi ích sâu rộng cũng như quyết tâm phối hợp hành động với nhau mạnh mẽ đến mức ông Kishida và ông Albanese tự tin cho rằng Nhật Bản và Australia là "đối tác tự nhiên" của nhau. Trong Tuyên bố chung về hợp tác an ninh giữa hai nước được ký kết giữa ông Albanese và ông Kishida, những nội hàm chính của mối "quan hệ đối tác tự nhiên" này được xác định cụ thể là "trao đổi thương mại và đầu tư, quan hệ quốc phòng và an ninh, tương đồng sâu rộng giữa nhân dân hai nước, chia sẻ những giá trị về dân chủ, nhân quyền, tự do thương mại và trật tự quốc tế dựa trên quy tắc". Mối quan hệ "đối tác tự nhiên" của nhau này giúp cho Nhật Bản và Ấn Độ trở thành cặp bài trùng mới ở khu vực lớn Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

An ninh năng lượng, khai thác mỏ, xuất nhập khẩu đất hiếm, chống biến đổi khí hậu trái đất đều là những nội dung trọng tâm trên chương trình nghị sự của ông Kishida ở Australia. Nhưng thoả thuận hợp tác về an ninh nói trên mới được bên ngoài hai nước này để ý đến hơn cả vì qua đấy có thể thấy được hai bên nhận diện thách thức và đe doạ an ninh chung cũng như dự tính cùng nhau đối phó chúng như thế nào. Năm 2007, Australia và Nhật Bản đã ký thoả thuận hợp tác trên lĩnh vực an ninh, nhưng khi ấy chủ yếu nhằm mục đích chống khủng bố và hậu thuẫn Mỹ tiến hành cuộc chiến tranh ở Iraq. Năm 2014, hai nước thiết lập mối Quan hệ đối tác chiến lược đặc biệt, nhưng trong đấy, hợp tác trên lĩnh vực an ninh và quốc phòng không được đề cập sâu thêm bao nhiêu.

Mối quan hệ đối tác tự nhiên của Nhật Bản và Australia này giúp cho Nhật Bản và Ấn Độ trở thành cặp bài trùng mới ở khu vực lớn Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. (Anhr: KT)

Thoả thuận mới đây nhất về hợp tác trên lĩnh vực an ninh khác biệt rất cơ bản khi bao hàm trao đổi thông tin tình báo - Nhật Bản không được như Australia là thành viên của nhóm 5 nước hợp tác về tình báo và phản gián - và hợp tác huấn luyện quân đội cũng như tập trận chung. Thoả thuận này giúp cho hai bên tăng cường năng lực quốc phòng và mở rộng phạm vi hoạt động quân sự ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, gây dựng và tăng cường vai trò chính trị an ninh và quân sự ở khu vực lớn này.

Cuộc chiến ở Ukraine giữa Nga và Ukraine cùng với mọi tác động, hậu quả và hệ luỵ của nó đã cho thấy nhân tố sức mạnh quân sự, tiềm lực quốc phòng và hợp tác song phương cũng như đa phương về an ninh, quân sự và quốc phòng có thể đóng vai trò chi phối diễn biến của chính trị thế giới và quan hệ quốc tế như thế nào trong thế giới hiện đại ngày nay.

Nhật Bản và Australia cần thoả thuận hợp tác mới về an ninh với chất lượng cao hơn và phạm vi nội dung sâu rộng hơn để đối phó thách thức an ninh và để gây dựng vai trò, ảnh hưởng chính trị an ninh và quân sự to lớn hơn ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, bổ sung cho mức độ hợp tác về an ninh mà từng bên đã có được với các đối tác bên ngoài khác. Trên phương diện này, "đối tác tự nhiên" hơn xa đối tác chiến lược đặc biệt, giúp cho hai bên trong chừng mực nhất định như đồng minh của nhau mà không cần liên minh chính thức với nhau./.

Hoàng Lan

 

Bình luận

    Chưa có bình luận