Thời mới ở nước Anh

Từ khi nước Anh có thủ tướng mới và Nữ hoàng Anh Elizabeth II băng hà làm thay đổi vị thế của hoàng gia Anh và mở ra thời kỳ mới cho đảo quốc này.

 

Chỉ hai ngày sau khi bổ nhiệm tân chủ tịch của Đảng Bảo thủ Anh Liz Truss làm thủ tướng mới của nước Anh, Nữ hoàng Anh Elizabeth II băng hà ở tuổi 96, kết thúc 70 năm ở cương vị đứng đầu nền quân chủ lập hiến ở nước Anh. Người kế vị là Vua Charles III. Diễn biến mới này không làm thay đổi gì nền quân chủ lập hiến trên đảo quốc, nhưng làm thay đổi hoàng gia Anh và mở ra thời kỳ mới cho nước Anh.

Điều ấy không có gì là khó hiểu. Nữ hoàng Elizabeth II là nguyên thủ quốc gia của Anh và của 14 nước khác trong Khối thịnh vượng chung, nhưng không can dự vào chính trị. Dù vậy, hoàng gia Anh nói chung và cá nhân Nữ hoàng Elizabeth II nói riêng vẫn được thần dân trên đảo quốc rất mến mộ, kính trọng và tin tưởng. Hoàng gia Anh vẫn được thần dân nhìn nhận là sự đảm bảo cho ổn định chính trị và xã hội ở Anh, đặc biệt cho sự thống nhất dân tộc trên đảo quốc. Vì thế, người kế vị - Vua Charles III - tới đây trị vì như thế nào trong khuôn khổ phạm vi quyền hạn của mình và vai trò, ảnh hưởng của hoàng gia Anh sẽ tác động rất mạnh mẽ và sâu sắc tới tương lai của chính nước Anh và vị thế của nước Anh trên thế giới.

Tuổi thọ cao và có thời gian tại vị rất dài, Nữ hoàng Elizabeth II là nhân vật lịch sử trong một giai đoạn lịch sử rất đặc biệt của nền quân chủ lập hiến ở Anh. Đăng quang năm 1952 khi vẫn còn rất trẻ, người phụ nữ này vừa khẳng định vai trò của hoàng gia Anh trong quá trình phát triển của nước Anh sau Chiến tranh Thế giới thứ hai vừa dẫn dắt chính hoàng gia Anh vượt qua không ít thử thách và tai tiếng trong nội bộ.

anh minh họa: KT

Đối với nước Anh, cống hiến to lớn nhất và quan trọng nhất của Nữ hoàng Elizabeth II là duy trì và củng cố vai trò của hoàng gia Anh làm chỗ dựa cho sự tồn tại của nền quân chủ lập hiến trên đảo quốc giữa mọi sóng gió của thời cuộc trong suốt 7 thập kỷ qua. Trong khoảng thời gian dài ấy, thế giới bên ngoài nước Anh cũng như chính trị và xã hội ở Anh đã chuyển biến rất cơ bản. Thế giới và châu Âu khắc phục hậu quả và bị tác động bởi hệ lụy của cuộc Chiến tranh Thế giới thứ hai. Nước Anh phải định vị lại chính nó trong thế giới hiện đại và ở châu Âu, đã tham gia rồi lại ra khỏi, ra khỏi rồi lại tham gia và rồi cuối cùng lại ra khỏi EU. Mối quan hệ giữa đảo quốc và châu Âu lục địa vẫn không được hoàn toàn bình thường. Nữ hoàng Elizabeth II còn chứng kiến hai chiều hướng diễn biến tình hình ảnh hưởng rất mạnh mẽ tới thực tại và tương lai của nước Anh là sự rạn vỡ của Khối thịnh vượng chung và sự chuyển hóa xã hội Anh thành xã hội đa sắc tộc và đa văn hóa trong thế giới hiện đại.

Vua Charles III tuy đã được chuẩn bị từ nhiều thập kỷ nay cho việc kế vị Nữ hoàng Elizabeth II nhưng chắc chắn sẽ không dễ dàng gì để kế thừa di sản trị vì của người mẹ. Ở bên trong nước Anh, vị quân vương này bị không ít thần dân không vừa lòng khi ly dị công nương Diana và kết hôn với người yêu cũ Camilla. Ở bên ngoài nước Anh, Vua Charles III không có được mức độ nổi tiếng và mến mộ rộng rãi như người mẹ. Người này được tấn phong khi đã hơn 70 tuổi. Vì thế, việc trị vì nền quân chủ lập hiến trên đảo quốc sẽ khó khăn và Vua Charles III không thể có được nhiều thời gian trị vì như người mẹ để gây dựng nên vai trò, ảnh hưởng và uy tín cá nhân ở trong cũng như ngoài nước Anh như người mẹ.

Nước Anh đổi thời với sự ra đi của Nữ hoàng Elizabeth II. Câu hỏi lớn được đặt ra vào thời điểm hiện tại không phải là câu hỏi về tương lai của hoàng gia Anh trên đảo quốc mà về tương lai của Khối thịnh vượng chung. Chỉ vài ngày sau khi Nữ hoàng Elizabeth II qua đời đã thấy có thành viên của khối này tuyên cáo ý định tiến hành trưng cầu dân ý về việc trở thành nhà nước cộng hòa độc lập thực thụ./.

Hoàng Lan

 

Bình luận

    Chưa có bình luận