Đảo quốc thay thủ tướng

Ở Anh hiện không có nhiều người thật sự tin rằng bà Truss có thể trụ vững trên các cương vị mới cho đến thời điểm đảo quốc này có cuộc tổng tuyển cử tới đây...

 

Ở nước Anh, mỗi khi Đảng Bảo thủ trở thành đảng cầm quyền thì chủ tịch đảng đương nhiên trở thành thủ tướng của đảo quốc. Ngày 5/9 vừa qua, quá trình thay chủ tịch Đảng Bảo thủ đã chấm dứt, đồng nghĩa với việc quá trình thay thủ tướng nước Anh cũng hoàn tất. Tân chủ tịch Đảng Bảo thủ Anh và cũng đồng thời là tân thủ tướng Anh là Bộ trưởng Ngoai giao Liz Truss. Cả bà Truss lẫn người tiền nhiệm là ông Boris Johnson đều tới diện kiến Nữ hoàng Anh Elizabeth II. để ông Johnson chính thức từ nhiệm và để bà Truss chính thức được Nữ hoàng Elizabeth II. đề cử làm thủ tướng mới của nước Anh.

Bà Liz Truss, tân Thủ tướng Anh. (Ảnh: REUTERS)

Trong số hơn 178.000 đảng viên của Đảng Bảo thủ Anh tham gia cuộc bầu chủ tịch mới cho đảng, chiếm hơn 82% tổng số đảng viên của đảng này, bà Truss nhận được hơn 57% phiếu bầu và cựu bộ trưởng tài chính Rishi Sunak giành được gần 43%. Mức độ chênh lệch ở tỷ lệ phiếu bầu này rất rõ ràng nhưng không được cao như đã thể hiện trong các cuộc thăm dò dư luận tiến hành trước ngày 5/9 vừa qua. Không lạ lùng sao được khi trong trường hợp này, chỉ có khoảng 0,3% cử tri trên đảo quốc quyết định bầu chọn người đứng đầu chính phủ.

Sau bà Margaret Thatcher và bà Theresa May, bà Liz Truss, hiện 47 tuổi, là nữ thủ tướng thứ 3 của nước Anh. Sau này không biết rồi sẽ thế nào chứ cho đến thời điểm hiện tại có thể thấy bà Truss tương đồng về quan điểm và phong cách cầm quyền với bà Thatcher nhiều hơn là với bà May. Bà Truss được đa số đảng viên của Đảng Bảo thủ ủng hộ trong khi đa số các dân biểu thuộc đảng này trong quốc hội ủng hộ ông Sunak, tức là bà Truss ở trong cục diện quyền lực nội bộ Đảng Bảo thủ như ông Johnson cách đây 3 năm. Kết cục cuối cùng là ông Johnson rồi bị buộc phải từ chức chủ tịch đảng và thủ tướng.

Cái dớp chính trị trong Đảng Bảo thủ Anh là như thế nhưng phận chính trị của bà Truss rồi đây có như vậy hay không phụ thuộc vào thực tiễn cầm quyền tới đây. Ông Johnson để lại cho người kế nhiệm đống đổ nát về cả đối nội lẫn đối ngoại. Đảo quốc này hiện trong cuộc khủng hoảng năng lượng và khủng hoảng về y tế, chăm sóc sức khoẻ trầm trọng, tăng trưởng kinh tế sa sút rõ rệt và lạm phát tăng cao chưa từng thấy. Việc xử lý với EU những vấn đề cuối cùng liên quan đến chuyện nước Anh ra khỏi EU (Brexit) vẫn chưa đâu vào đâu. Phía Anh vẫn bất hoà sâu sắc với Pháp về đánh cá ở vùng biển chồng lấn và với EU về chuyện thông thương ở biên giới giữa Ireland và Bắc Ireland. Bà Truss là thủ tướng Anh thứ 4 phải xử lý hệ lụy của Brexit.

Theo những gì đã được bà Truss thể hiện công khai từ trước đến nay thì người phụ nữ này về cơ bản sẽ tiếp tục đường lối cầm quyền của người tiền nhiệm với khác biệt duy nhất là chủ trương giảm thuế để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bất chất nguy cơ tỷ lệ lạm phát chưa dừng leo thang và thâm hụt ngân sách sẽ tăng thêm. Bà thủ tướng mới sẽ không khác người tiền nhiệm nhiều khi chủ trương rắn tay xử lý vấn đề người nước ngoài nhập cư và tỵ nạn, khi không sẵn sàng nhượng bộ EU trong chuyện Brexit và khi đối đầu Nga và Trung Quốc quyết liệt.

Trong bài phát biểu đầu tiên sau khi được bầu làm chủ tịch Đảng Bảo thủ Anh, bà Truss nhiều lần khẳng định cam kết sẽ hành động và đưa lại kết quả. Vấn đề chỉ ở chỗ người phụ nữ này không cho biết sẽ hành động như thế nào và làm cụ thể những gì để thực hiện những cam kết đã đưa ra và để giải quyết những vấn đề đang đặt ra cho nước Anh. Đa số đảng viên của đảng cầm quyền đã giúp bà Truss đến được đỉnh cao quyền lực trong đảng cũng như trong chính phủ ở nước Anh nhưng khó giúp được gì nhiều bà Truss trong chuyện cầm quyền. Cho nên ở Anh hiện tại không có nhiều người thật sự tin rằng bà Truss có thể trụ vững trên các cương vị quyền lực mới cho đến thời điểm đảo quốc này có cuộc tổng tuyển cử tới sau đây 2 năm./.

Hoàng Lan

 

Bình luận

    Chưa có bình luận