Một năm cai trị của Taliban 2.0: Hàng triệu người Afghanistan có nguy cơ chết đói

Tròn một năm sau khi Taliban trở lại nắm quyền, nền kinh tế Afghanistan gần như tê liệt vì các lệnh trừng phạt...

 

Tròn một năm kể từ khi Taliban trở lại nắm quyền, Afghanistan đối mặt với viễn cảnh u ám dưới chế độ cai trị ngày càng khắc nghiệt và nền kinh tế bị tê liệt vì các lệnh trừng phạt.

Ngày 15/8/2021, lực lượng do Mỹ dẫn đầu rút khỏi Afghanistan và chính phủ được phương Tây hậu thuẫn tại nước này sụp đổ, Taliban trở lại nắm quyền ở Kabul. Kể từ đó, Kabul tập trung vào việc áp đặt các chính sách cứng rắn tương tự như những gì đã làm trong giai đoạn cai trị từ năm 1996-2001.

Một năm qua đã cho thấy đất nước Afghanistan thay đổi ra sao dưới sự nắm quyền của Taliban 2.0 và các vấn đề nội bộ của nước này ảnh hưởng như thế nào tới khu vực.

Một chiến binh Taliban tại một khu chợ ở Kabul ngày 8/7. (Ảnh: Reuters)Kinh tế tê liệt, hàng triệu người có nguy cơ chết đói

Nền kinh trở nên hỗn loạn, hàng triệu người dân đối mặt với nguy cơ chết đói.

“Taliban muốn điều hành các vấn đề của đất nước thông qua các tay súng, các giáo viên và sinh viên trường dòng”, một nhân viên ngân hàng tại Kabul chia sẻ.

“Các ngân hàng không có tiền, người dân không thể mua hàng hóa thường ngày và hàng nghìn người, chủ yếu là thanh niên, phải xếp hàng nhiều giờ đồng hồ để được nhận thực phẩm miễn phí”, nhân viên ngân hàng giấu tên cho biết thêm.

Sau khi Kabul rơi vào tay Taliban, Mỹ đã đóng băng gần 9,5 tỷ USD tài sản thuộc về Ngân hàng Trung ương Afghanistan và dừng chuyển tiền cho quốc gia này. Quyết định này ddax tác động nghiêm trọng đến người dân Afghanistan.

Ngân hàng trung ương Afghanistan (DAB) gọi kế hoạch này là “bất công”. Ngày 10/8 vừa qua, một nhóm 70 nhà kinh tế quốc tế đã gửi thư tới Tổng thống Mỹ Joe Biden, kêu gọi ông “rã băng” các khoản dự trữ của Afghanistan.

“Người dân Afghanistan bị ảnh hưởng gấp đôi vì một chính quyền mà họ không hề lựa chọn. Để làm giảm bớt cuộc khủng hoảng nhân đạo và đưa nền kinh tế Afghanistan vào con đường phục hồi, chúng tôi thúc giục Tổng thống cho phép DAB được nhận lại các khoản dự trữ”, lá thư nêu rõ.

Cai trị bằng “nắm đấm sắt”

Việc điều hành đất nước của Taliban không được trợ giúp vì làn sóng ra đi của những người có năng lực, trong khi trận động đất kinh hoàng xảy ra ở miền Đông Afghanistan hồi tháng 6 làm tăng thêm những thách thức về tài chính.

Dù vậy, thay vì tập trung vào giải quyết các vấn đề, Taliban dường như lại muốn thiết lập “nắm đấm sắt”.

Hồi tháng 7, Phái bộ Hỗ trợ của Liên Hợp Quốc ở Afghanistan (UNAMA) đã công bố báo cáo trong đó nêu rõ các thương vong của dân thường, những hạn chế đối với quyền của phụ nữ và tự do ngôn luận, các vụ giết người mà không qua xét xử, cũng như việc đàn áp các dân tộc thiểu số.

Báo cáo nói rằng, các sắc lệnh của Taliban hạn chế nghiêm trọng đối với quyền con người của phụ nữ và trẻ em gái, dẫn đến việc họ bị loại khỏi hầu hết các khía cạnh của cuộc sống hàng ngày. Ngoài ra UNAMA cũng nhận thấy các vụ hành quyết và sự mất tích của các cựu thành viên lực lượng an ninh Afghanistan - lực lượng đã từng làm việc với các đồng minh phương Tây.

Taliban vẫn chưa được quốc tế công nhận

Tất cả những vấn đề kể trên không giúp ích gì cho Taliban trong nỗ lực giành được sự công nhận của cộng đồng quốc tế.

Khi nắm quyền năm 1996, chỉ có 3 nước - gồm Pakistan, Saudi Arabia và Các tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE) - công nhận chế độ Taliban ở Afghanistan. Lần này, chưa có nước nào chính thức công nhận Tiểu vương quốc gồi giáo Afghanistan, theo cách mà Taliban đã gọi.

Một số nước láng giềng của Afghanistan hợp tác thận trọng với Taliban, chủ yếu là vì lo ngại các nhóm phiến quân xuyên biên giới hoạt động từ Afghanistan.

Hôm 26/7, Ngoại trưởng chính quyền Taliban Amir Khan Muttaqi trấn an các đại diện tham dự hội nghị quốc tế ở Uzbekistan rằng chính quyền sẽ không cho phép “bất cứ thành viên, các nhân hay tổ chức nào, trong đó có cả Al Qaeda, dấy lên mối đe dọa an ninh các nước khác từ lãnh thổ Afghanistan”.

Tham dự hội nghị khi đó có đại diện từ 20 nước trong đó có Trung Quốc, Pakistan, Iran, Ấn Độ, các nước Trung Á và Mỹ.

Dù vậy, chỉ trong vòng 1 tuần sau đó, một máy bay người lái của Mỹ tiến hành tấn công và tiêu diệt thủ lĩnh Al Qaeda Ayman al-Zawahri ngay tại thủ đô Kabul, khiến Taliban tơi vào thế khó xử.

Việc phát hiện Zawahri ở một quận giàu có ở thủ đô của Afghanistan đã phủ bóng lên những cam kết của Taliban đối với một thỏa thuận từ năm 2020 - thỏa thuận mở đường cho việc các lực lượng nước ngoài do Mỹ dẫn đầu rút khỏi Afghanistan. Taliban khi đó đã cam kết không để những kẻ khủng bố hoạt động từ lãnh thổ Afghanistan.

“Cộng đồng quốc tế đã mất niềm tin vào Taliban sau sự xuất hiện của al-Zawahri ở trung tâm Kabul”, ông Tahir Khan, một nhà báo tại Islamabad theo dõi sát sao thông tin về Afghanistan, nhận định, Điều này có thể để tại những hậu quả sâu rộng trong đó có cả lĩnh vực kinh tế.

“Cuộc tập kích al-Zawahri đã gây nguy hiểm cho các nỗ lực của Taliban nhằm đảm bảo hỗ trợ tài chính từ cộng đồng quốc tế và giờ đây các nước sẽ miễn cưỡng cung cấp tài chính cho chế độ này”, ông Khan cho biết thêm.

“Bóng ma” khủng bố vẫn còn hiện hữu

Trong khi đó, một mối đe dọa từ một nhánh của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo, IS-K, vẫn còn hiện hữu.

Taliban cũng trở thành mục tiêu của IS-K. Hôm 11/8, Sheikh Rahimullah Haqqani, lãnh đạo Taliban chịu trách nhiệm sửa chữa các trường học tôn giáo ở Afghanistan, đã thiệt mạng trong một vụ đánh bom ở Kabul. Ông này từng sống sót sau một vụ tấn công khác của IS-K ở thành phố Peshawar của Pakistan năm 2020.

Báo cáo Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc hồi tháng 7 nói rằng, IS-K coi Afghanistan là một căn cứ để mở rộng hoạt động ra khu vực.

Báo cáo cũng nói rằng, bằng việc trả lương cao hơn, IS-K đã thành công trong việc lôi kéo thành viên của các nhóm khác ở các nước Trung và Nam Á như Phong trào Hồi giáo Đông Turkestan (ETIM), Tehreek-e-Taliban Pakistan, và Phong trào Hồi giáo Uzbekistan - để khai thác các cuộc nổi dậy.

Trong khi đó, ở miền Bắc Afghanistan, chính quyền Taliban đối mặt với các mối đe dọa mới từ lực lượng do Mặt trận kháng chiến quốc gia chống Taliban dẫn đầu - lực lượng tuyên bố “giải phóng” đất nước khỏi “sự cai trị hà khắc”.

Có một điều rõ ràng, sau một năm cầm quyền của Taliban 2.0, tương lai ổn định vẫn là điều rất xa vời đối với Afghanistan./.

Hoàng Phạm/VOV.VN (biên dịch)
Theo Nikkei Asia

 

Bình luận

    Chưa có bình luận