Lào và Việt Nam phối hợp, giúp đỡ lẫn nhau trong bảo vệ độc lập, chủ quyền

  • 12/07/2022 05:24:09
  • Trần Tuấn-Đặng Thùy
  • Thế giới
  • 0

Lào và Việt Nam là hai quốc gia có mối quan hệ đặc biệt, có nhiều điểm tương đồng về lợi ích, được thể hiện trong Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác mà hai bên ký kết

 

Việt Nam và Lào là hai nước láng giềng núi sông liền một dải, uống chung dòng nước Mê-công và cùng tựa lưng vào dãy Trường Sơn hùng vĩ, mối quan hệ đó đã trở thành biểu tượng của tình hữu nghị đặc biệt.

Nhân dịp kỷ niệm 45 năm ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác (18/7/1977 - 18/7/2022) và 60 năm Thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Lào (5/9/1962 - 5/9/2022), phóng viên VOV thường trú tại Lào đã có cuộc phỏng vấn Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào Thongsavanh Phomvihane.

Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào Thongsavanh Phomvihane.PV: Là cơ quan tham mưu, giúp việc cho Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào trong lĩnh vực đối ngoại, ông đánh giá thế nào về những thành tựu nổi bật trong quan hệ Việt - Lào 60 năm qua, đặc biệt sau khi hai nước ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác vào năm 1977?

Ông Thongsavanh Phomvihane: Tôi cho rằng, thành tựu nổi bật nhất của Lào và Việt Nam trong 60 năm sau khi thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1962 là hai nước đã cùng đấu tranh chống kẻ thù chung, giành độc lập dân tộc và giải phóng hoàn toàn đất nước vào năm 1975.

Hai năm sau, năm 1977, chúng ta ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác. Đây là dấu mốc lịch sử, là nền tảng vững chắc, là cơ sở pháp lý để củng cố và phát huy mối quan hệ hợp tác đặc biệt, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của mỗi nước.

Bước vào thời kỳ đổi mới, những năm 1980, mối quan hệ Lào - Việt Nam được lãnh đạo hai Đảng, hai Nhà nước chú trọng, vun đắp và nâng lên tầm cao mới. Hai bên giúp đỡ nhau vượt qua khó khăn, xây dựng đất nước; thường xuyên tổ chức các hoạt động trao đổi đoàn từ trung ương tới địa phương; hỗ trợ lẫn nhau phát huy nội lực, nâng cao vai trò, vị thế của mỗi nước trong khu vực và quốc tế.

Năm nay, chúng ta cùng nhau tổ chức nhiều sự kiện ghi dấu ấn lịch sử kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 45 năm Ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác. Đây cũng là một trong những hoạt động nổi bật trong quan hệ Lào - Việt Nam, góp phần xây dựng Năm Đoàn kết Hữu nghị 2022 sôi nổi và có nhiều ý nghĩa.

PV: Sự hợp tác chặt chẽ giữ hai Ban Đối ngoại của hai nước đã có đóng góp như thế nào cho sự phát triển, tăng cường hơn nữa quan hệ giữa Lào và Việt Nam trong thời gian qua, thưa ông?

Ông Thongsavanh Phomvihane: Sự hợp tác chặt chẽ giữ hai Ban Đối ngoại Lào - Việt Nam có vai trò tiên phong, góp phần quan trọng vào xây dựng, vun đắp cho mối quan hệ hai nước trong những năm tháng qua cũng như trong tương lai.

Ban Đối ngoại là cơ quan tham mưu công tác đối ngoại cho Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, hợp tác chặt chẽ với Ban Đối ngoại Việt Nam trong việc nghiên cứu, xác định đường lối cũng như cơ chế hợp tác giữa hai Đảng; phối hợp trong công tác giám sát, kiểm tra và tổ chức triển khai các thỏa thuận giữa lãnh đạo cấp cao của hai Đảng, hai Nhà nước cũng như 2 Ban Đối ngoại đã ký kết.

Ngoài ra, hai Ban Đối ngoại Lào và Việt Nam còn là trung tâm điều phối, tổ chức các hội thảo lý luận chính trị giữa 2 Đảng, giúp cho cán bộ chủ chốt, cán bộ quản lý các cấp của Đảng, Nhà nước Lào nghiên cứu, trao đổi chuyên đề, tập huấn, bồi dưỡng lý luận chính trị ở Việt Nam đạt kết quả tốt.

Hàng năm, hai bên còn phối hợp trao đổi thông tin và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn khu vực và quốc tế, đối ngoại song phương và đa phương.

PV: Trong bối cảnh cạnh tranh nước lớn, Lào và Việt Nam có chiến lược gì để hài hòa vừa đáp ứng được yêu cầu phát triển của riêng mình, vừa cân bằng được lợi ích chiến lược song phương và giữ quan hệ hữu nghị bền chặt như hiện nay?

Ông Thongsavanh Phomvihane: Trong bối cảnh hiện nay, tình hình quốc tế và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp tác động tới quan hệ giữa các nước. Các nước lớn muốn tạo lợi thế bằng cách tập hợp lực lượng, nâng cao vị thế và tăng cường ảnh hưởng. Trong bối cảnh đó, tôi muốn nhấn mạnh rằng, Lào và Việt Nam là hai quốc gia có mối quan hệ đặc biệt, có nhiều điểm tương đồng về lợi ích, được thể hiện trong Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác mà hai bên đã ký kết.

Chúng ta đều là thành viên của Liên Hợp Quốc và nhiều tổ chức quốc tế, khu vực. Tôi cho rằng, hai nước cần phải tiếp tục tăng cường phối hợp trên cơ sở đã thống nhất trong Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác, là thành viên quan trọng trong việc thúc đẩy các quốc gia tôn trọng chủ quyền, độc lập của nhau và vì lợi ích của các bên. Chúng ta cũng tôn trọng các nguyên tắc chung, trong đó bao gồm cả quy định của Hiến chương Liên Hợp Quốc.

Đối với chiến lược trong quan hệ hợp tác hai nước, trong hiệp ước đã nhấn mạnh chúng ta cùng nhau phát triển, phối hợp và giúp đỡ lẫn nhau trong bảo vệ độc lập, chủ quyền, đảm bảo lợi ích của người dân, đặc biệt gìn giữ quan hệ đặc biệt giữa hai nước, đó là những nhiệm vụ vô cùng quan trọng không thể tách rời.

Mối quan hệ đặc biệt hai nước chúng ta được hình thành mang tính quy luật, khoa học và lịch sử. Thực tiễn chứng minh qua nhiều thập kỷ chúng ta đã cùng nhau vượt qua khó khăn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Trong bối cảnh hiện nay, đòi hỏi chúng ta cần phải tăng cường hợp tác hơn nữa, nâng cao sự hiểu biết, giúp đỡ và hỗ trợ lẫn nhau vượt qua khó khăn thách thức./.

PV: Xin cảm ơn ông!./.

Trần Tuấn-Đặng Thùy/VOV-Vientiane

 

Bình luận

    Chưa có bình luận