Địa chấn chính trị ở nước Pháp

Có ba điều ở kết quả cuộc bầu cử quốc hội này khiến cho ông Macron không thể làm nên công chuyện lớn lao gì nữa trong nhiệm kỳ cầm quyền thứ hai này.

 

Ở nước Pháp, bầu cử quốc hội được hiến pháp ấn định diễn ra sau cuộc bầu cử tổng thống chỉ vài tuần. Mục đích của các nhà lập pháp khi đưa ra quy định này là giúp tổng thống vừa đắc cử có được đa số dân biểu trong nghị viện mới để có thể yên ổn cầm quyền suốt cả nhiệm kỳ. Trên thực tế cho tới cuộc bầu cử quốc hội năm nay thì đúng là như vậy, trừ cuộc bầu cử quốc hội hồi năm 1988. Chính trị nước Pháp không có truyền thống và thông lệ thành lập chính phủ liên hiệp sau bầu cử quốc hội mà chỉ xảy ra hai trường hợp phe tổng thống thành lập chính phủ với đa số trong quốc hội và phe đối lập thành lập chính phủ như hồi năm 1988.

Chính vì lẽ này mà kết quả cuộc bầu cử quốc hội vừa qua ở nước Pháp là cơn địa chấn chính trị thực thụ và chưa từng thấy trong lịch sử của nền Cộng hoà thứ 5. Tổng thống Emmanuel Macron tái đắc cử nhưng liên minh Ensemble của ông Macron bị mất đa số trong quốc hội, chỉ giành về được 246 ghế dân biểu trong khi đa số ít nhất phải là 289 ghế. Đảng National Rally của bà Marine Le Pen, người đã thua ông Macron trong vòng bầu thứ 2 của cuộc bầu cử tổng thống ở nước Pháp năm nay - đảng này theo quan điểm cánh hữu, cực hữu, dân tuý và dân tộc chủ nghĩa - thắng đậm nhất khi tăng được số dân biểu thuộc đảng này trong quốc hội mới lên hơn gần 11 lần. Liên minh cánh tả "Mặt trận nhân dân mới vì xã hội và sinh thái" (Nupes) cũng thắng lớn nhưng không được như kỳ vọng. Hai phe này đều quá hữu hoặc quá tả và kiên quyết không hợp tác cùng cầm quyền với phe của ông Macron và không ủng hộ ông Macron. Mới đây, đảng Les Republicans cũng tuyên bố thà ở phe đối lập còn hơn liên minh cầm quyền với phe của ông Macron. Như thế có nghĩa là ông Macron sẽ rất vất vả và sẽ phải trả giá rất đắt để có được sự đồng tình trong quốc hội đủ mức cần thiết cho việc ban hành và thực hiện những quyết sách lớn.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tới bỏ phiếu bầu cử Quốc hội vòng hai, ở Le Touquet, miền Bắc Pháp, ngày 19/6/2022. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Có ba điều ở kết quả cuộc bầu cử quốc hội này khiến cho ông Macron không thể làm nên công chuyện lớn lao gì nữa trong nhiệm kỳ cầm quyền thứ hai này.

Thứ nhất là quyền lực trong quốc hội bị phân chia cho 4 nhóm mà bốn nhóm này không sẵn sàng hợp tác với nhau vì khác biệt cơ bản về ý thức hệ: phe Ensemble của ông Macron, đảng National Rally, liên minh Nupes và đảng Les Republicans. Tương quan quyền lực như thế trong quốc hội thì chính phủ nào được thành lập cũng sẽ không thể ổn định và không thể có được những quyết sách to tát.

Thứ hai là sự thắng thế đầy ấn tượng của các lực lượng chính trị cực đoan ở cả cánh hữu lẫn cánh tả. Điều này cho thấy không chỉ có phe cánh chính trị của ông Macron đã bắt đầu đi vào thoái trào mà người này còn đã thất bại trong nỗ lực tập hợp lực lượng ở khuôn khổ của cái gọi là "Mặt trận Cộng hoà" nhằm đẩy lùi ảnh hưởng của các lực lượng cánh hữu, cực hữu, dân tuý và dân tộc chủ nghĩa. Chiều hướng phân rẽ và cực đoan hoá này trên chính trường và trong nội bộ xã hội nước Pháp là điều chẳng tốt lành chút nào cho nước Pháp, cho EU và cho châu Âu.

Thứ ba là tỷ lệ cử tri đi bầu cử quốc hội rất thấp, chỉ không đầy 50%. Đặc biệt là người trẻ tuổi, công nhân lao động và người có gốc di cư không đi bầu cử với tỷ lệ rất cao, phản ánh tâm trạng chung của họ ngán ngẩm về chính trịở nước Pháp và mất lòng tin vào ông Macron.

Kết quả như thế của cuộc bầu cử quốc hội năm nay ở nước Pháp làm suy yếu vị thế quyền lực và uy tín cá nhân của ông Macron. Nó làm cho EU buộc phải thấy rằng EU không còn có thể kỳ vọng nhiều nữa vào đóng góp của ông Macron và của nước Pháp vào việc giúp EU vượt qua những khó khăn, khủng hoảng và thách thức hiện tại./.

Hoàng Lan

 

Bình luận

    Chưa có bình luận