Shangri-La vẫn nóng

Đối thoại Shangri-La vẫn nóng, cho dù có giải pháp để các nước cùng giải quyết bất đồng, duy trì hòa bình, an ninh khu vực và toàn cầu.

 

Những câu chuyện cũ

Tại kỳ Đối thoại gần đây nhất năm 2019, sự đối đầu Mỹ - Trung đã trở thành tâm điểm với những phát ngôn đầy cứng rắn của cả hai bên. Ở thời điểm đó, giới phân tích đã nhận định mối quan hệ giữa hai cường quốc sẽ rất khó hàn gắn trong thời gian ngắn. Vì vậy, điều quan trọng là hai bên phải điều chỉnh để phù hợp với lợi ích của nhau, đảm bảo không dẫn đến xung đột, không đẩy thế giới vào tình trạng chia rẽ sâu sắc hơn. Qua hai kỳ Đối thoại Shangri-La bị hủy bỏ, những nhận định từ năm 2019 vẫn hoàn toàn đúng trong bối cảnh hiện nay, khi Mỹ và Trung Quốc có màn đấu khẩu gay gắt về vai trò và sự hiện diện của hai nước đối với an ninh khu vực. Những vấn đề mà hai bên đề cập được cho là không mới, nhưng ở mức độ ngày càng gay gắt hơn: trong khi Mỹ tập trung vào hành động mà Mỹ cho là “mang tính cưỡng ép” của Trung Quốc tại khu vực, thì Trung Quốc cũng đáp trả bằng cách cáo buộc Mỹ lôi kéo đồng minh, gây bất ổn cho khu vực.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin tại Đối thoại Shangri-La (Ảnh: AFP).

Mặc dù thu hút sự tham gia của hơn 500 quan chức quốc phòng, các chuyên gia, học giả từ nhiều quốc gia tham dự, đề cập những vấn đề đa dạng về an ninh khu vực, song hai bài phát biểu được đặc biệt quan tâm tại Đối thoại Shangri-La năm nay là của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin và Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa. Lần đầu xuất hiện tại diễn dàn an ninh quan trọng bậc nhất châu Á, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin nhấn mạnh quan điểm Mỹ và các quốc gia khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đều có chung tầm nhìn và ước mơ. Tầm nhìn chung đó là xây dựng một khu vực mà không nước nào bị các quốc gia muốn mở rộng phạm vi ảnh hưởng bắt nạt, trong đó tất cả các quốc gia, cả lớn và nhỏ được tự do phát triển và theo đuổi lợi ích của mình một cách hợp pháp. Từ quan điểm này, ông Lloyd Austin chỉ trích Trung Quốc ngày càng có những hành động gây phương hại đến môi trường an ninh khu vực. Ông cho rằng, Trung Quốc đang áp dụng cách tiếp cận mang tính cưỡng ép đối với các yêu sách lãnh thổ, chủ quyền. Người đứng đầu Bộ Quốc phòng Mỹ cũng cảnh báo các vụ đối đầu không an toàn của máy bay và tàu thuyền của Trung Quốc với các nước khác trong khu vực đang ở mức “đáng báo động”.

Đăng đàn một ngày sau ông Lloyd Austin, Trung tướng Trương Chấn Trung, Phó tổng Tham mưu trưởng Quân ủy Trung ương Trung Quốc trong một cuộc họp báo đã phản bác Mỹ bằng luận điểm Mỹ đang cố gắng “chiếm đoạt” sự ủng hộ của các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương để chống lại Trung Quốc, cáo buộc Mỹ đang tìm cách thúc đẩy lợi ích của riêng mình “dưới chiêu bài chủ nghĩa đa phương”. Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa nhấn mạnh không quốc gia nào được áp đặt ý chí của mình lên quốc gia khác. Với chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương được Mỹ đặc biệt coi trọng trong thời gian gần đây, Trung Quốc chỉ trích đó là chiến lược gây chia rẽ và “châm ngòi đối đầu”, bởi vì Mỹ đã và đang tạo ra các “vòng tròn nhỏ” ở khu vực nhằm tập hợp một số quốc gia chống lại các quốc gia khác.

Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa. (Ảnh: Global Times)Những rào cản mới

Giới phân tích cho rằng những chỉ trích trực diện giữa Mỹ và Trung Quốc tại Đối thoại Shangri-La năm nay phản ánh cuộc cạnh tranh ngày càng căng thẳng giữa hai cường quốc tại khu vực chiến lược châu Á - Thái Bình Dương. Đặc biệt, năm nay đã chứng kiến hàng loạt diễn biến mới - những diễn biến có thể trở thành rào cản mới đối với quá trình kiểm soát bất đồng giữa Mỹ và Trung Quốc, với mục tiêu không để bất đồng biến thành xung đột giữa hai quốc gia. Trong đó, đáng chú ý là những quan điểm của hai bên liên quan đến vấn đề Đài Loan (Trung Quốc). Tổng thống Mỹ Joe Biden trong chuyến thăm Nhật Bản hồi tháng trước đã tuyên bố rằng Mỹ sẽ bảo vệ Đài Loan nếu Đài Loan bị tấn công. Tuyên bố này được cho là đã phá vỡ chính sách hàng thập kỷ qua của Mỹ liên quan đến vấn đề Đài Loan, là nguyên nhân khiến cho Trung Quốc liên tục nhắc lại quan điểm cứng rắn đối với vấn đề này tại Đối thoại Shangri-La. Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa nhấn mạnh, Trung Quốc sẽ chiến đấu đến cùng nếu thế lực nào tìm cách chia rẽ Đài Loan khỏi Trung Quốc đại lục và cảnh báo “sự can thiệp của nước ngoài chắc chắn sẽ thất bại”. Vấn đề Đài Loan, Trung Quốc cũng trở thành tâm điểm trong cuộc gặp mặt trực tiếp đầu tiên giữa Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ và Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc. Trong khi Mỹ cáo buộc Trung Quốc đang cố gắng thay đổi hiện trạng của hòn đảo này, thì Trung Quốc chỉ trích Mỹ tiến hành các bước đi gây bất ổn, trong đó có việc bán vũ khí cho Đài Loan. Bên cạnh đó, thỏa thuận an ninh mà Trung Quốc ký với Solomon thời gian gần đây cũng tạo nên bất đồng mới giữa Mỹ và Trung Quốc khi Mỹ nhìn nhận Trung Quốc đang tìm cách gia tăng ảnh hưởng ở khu vực bằng cách phát triển “vành đai” mới với các quốc đảo ở Thái Bình Dương, với những thỏa thuận đang được thúc đẩy sau thỏa thuận an ninh với Solomon.

Sau hai năm buộc phải hủy bỏ do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Đối thoại Shangri-La lần thứ 19 vừa được tổ chức trực tiếp trở lại trong 3 ngày cuối tuần vừa qua tại Singapore. Đối thoại năm nay được tổ chức với quy mô lớn nhất trong nhiều năm trở lại đây, với sự xuất hiện của Bộ trưởng Quốc phòng nhiều nước như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc…, mang tới những quan điểm đa chiều về an ninh khu vực. Mỹ - Trung tiếp tục “đốt nóng” đối thoại - trên cả diễn đàn chung lẫn trong cuộc gặp song phương bên lề của Bộ trưởng Quốc phòng hai nước.

Nơi tổ chức Đối thoại Shangri-La. (Ảnh: KT)

Cho dù chỉ trích nhau gay gắt, cả Trung Quốc và Mỹ vẫn nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc kiểm soát các bất đồng. Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa thừa nhận về tầm quan trọng của mối quan hệ Mỹ - Trung đối với hòa bình, ổn định của khu vực và thế giới, đồng thời kêu gọi xây dựng một mối quan hệ “ổn định hơn” giữa hai nước. Từ phía Mỹ, Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin cho biết Mỹ mong muốn duy trì các kênh liên lạc giữa hai bên. Nhưng theo giới phân tích, không nên quá kỳ vọng vào những cam kết kiểm soát bất đồng của cả Mỹ và Trung Quốc, bởi những cạnh tranh quá gay gắt giữa hai bên trên hầu hết các lĩnh vực. Các vấn đề địa chính trị gây tranh cãi như Biển Đông, eo biển Đài Loan (Trung Quốc), hiệp ước an ninh giữa Trung Quốc với Quần đảo Solomon… khó tìm được cách tiếp cận chung sau các buổi đối thoại giữa hai bộ trưởng quốc phòng, bởi đây không phải là vấn đề quân sự mà là vấn đề ngoại giao. Đặc biệt, không gian cho hợp tác giữa Mỹ và Trung Quốc càng bị thu hẹp sau sự kiện Ukraine do sự phân cực giữa trục quan hệ phương Tây với Nga, Trung Quốc ngày càng sâu sắc. Không kỳ vọng vào việc giải quyết các vấn đề an ninh, quốc phòng lớn mà hai nước phải đối mặt, khía cạnh mà hai bên có thể hợp tác dừng lại ở mức giảm nguy cơ xung đột giữa quân đội hai bên. Điều này bao gồm đảm bảo các giao thức hiện có để ngăn chặn các cuộc đụng độ một cách hiệu quả, chẳng hạn như Thỏa thuận Tham vấn Hàng hải Quân sự và đưa ra các cảnh báo để giúp mỗi bên hiểu ý định của nhau.

Không giải quyết các bất đồng, thay vào đó là tìm ra những cơ hội cho hợp tác để giảm thiểu tác động tiêu cực, những động thái của cả Mỹ và Trung Quốc cũng phù hợp với tinh thần chung của Đối thoại Shangri-La, bởi đây là một trong những giải pháp quan trọng trong bối cảnh thế giới và khu vực đối mặt với nhiều nguy cơ xung đột và thách thức tiềm ẩn như hiện nay. Trong đó, đối thoại và tuân thủ luật pháp quốc tếlà giá trị cốt lõi để các nước cùng giải quyết bất đồng, duy trì hòa bình, an ninh, hướng tới một môi trường phát triển thịnh vượng cho khu vực và toàn cầu./.

Thúy Ngọc 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận