EU ngừng nhập khẩu dầu lửa của Nga

Chuyện cấm vận Nga xuất khẩu dầu lửa vào thị trường EU như EU vận hành cho đến nay lại có nhiều phản tác dụng đối với EU.

 

Những biện pháp chính sách mới trong khuôn khổ lần trừng phạt thứ 6 của EU nhằm vào Nga đã được EU thông qua tại cuộc gặp cấp cao đặc biệt vừa rồi về Ukraine. Gói các biện pháp trừng phạt mới này của EU bao gồm trừng phạt thêm một số ngân hàng và cá nhân ở Nga, với tâm điểm chính là ngừng nhập khẩu dầu lửa của Nga, hay nói theo cách khác là cấm vận Nga xuất khẩu dầu lửa sang thị trường EU. Mưu tính của EU ở đây là làm cạn kiệt nguồn thu từ xuất khẩu của Nga để Nga không có năng lực tài chính cho cuộc chiến ở Ukraine. Xuất khẩu năng lượng, bao gồm xuất khẩu dầu lửa, khí đốt và than đá, chiếm phần lớn trong thu nhập của Nga từ xuất khẩu. EU toan tính rằng cấm vận Nga xuất khẩu năng lượng vào thị trường EU sẽ là cú đòn chí mạng của EU giáng vào Nga bởi EU là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Nga về dầu lửa và khí đốt.

Nga là nhà cung cấp dầu mỏ và các sản phẩm từ dầu thô hàng đầu cho châu Âu. (Ảnh: EPA)Theo quyết định mới nói trên, EU dự định cho tới cuối năm sẽ ngừng hoàn toàn nhập khẩu dầu lửa của Nga được vận chuyển bằng đường biển trong khi cung ứng dầu lửa của Nga cho một số thành viên EU thông qua các tuyến đường ống dẫn dầu từ Nga quá cảnh Ukraine sang các nước Đông Âu khác vẫn được duy trì. Hungary đặt điều kiện như vậy, nếu không sẽ phủ quyết toàn bộ gói các biện pháp trừng phạt mới của EU đối với Nga. Bulgaria và Séc cũng được EU nhượng bộ khi điều kiện ngoại lệ về khoảng thời gian quá độ dài hơn các thành viên khác được EU đáp ứng. Theo tính toán của EU, nếu như rồi đây cả Ba Lan và Đức cùng ngừng nhập khẩu dầu lửa của Nga thông qua tuyến đường ống dẫn dầu lửa thì Nga sẽ bị giảm tới 90% khối lượng dầu lửa hiện tại xuất khẩu vào thị trường EU.

Về biểu hiện ra bên ngoài, EU có được sự thống nhất quan điểm trong nội bộ liên quan đến chủ trương trừng phạt Nga để Nga phải nhanh chóng chấm dứt chiến sự ở Ukraine và để Nga không thể thắng được ở Ukraine. Đồng thời, EU còn có thể dùng kết quả này để khẳng định và tăng cường sự ủng hộ Ukraine về mọi phương diện trong cuộc chiến với Nga. Cũng tại sự kiện nói trên, EU quyết định viện trợ 8 tỷ euro cho Ukraine.

Trong thực chất, chuyện cấm vận Nga xuất khẩu dầu lửa vào thị trường EU như EU vận hành cho đến nay lại có nhiều phản tác dụng đối với EU. Trước hết, EU cần rất nhiều thời gian mới tạm thời dàn xếp xong bất đồng quan điểm trong nội bộ để chủ trương được nhất trí thông qua ở cuộc gặp cấp cao đặc biệt vừa qua. Sau khi thông qua chủ trương rồi, EU lại cần nhiều thời gian để triển khai thực hiện và thu về hiệu ứng mong đợi. Trong suốt những khoảng thời gian ấy, xuất khẩu dầu lửa của Nga vào thị trường EU gần như không bị ảnh hưởng gì và Nga có nhiều thời gian để tìm kiếm thị trường xuất khẩu thay thế thị trường EU. Hơn nữa, ai biết được từ nay tới cuối năm tình hình chiến sự ở Ukraine sẽ còn diễn biến ra sao.

Cho dù gói trừng phạt mới này của EU được nhất trí thông qua, sự rạn nứt trong nội bộ EU vẫn rất rõ nét. Không phải tất cả các thành viên EU đều sẵn sàng hy sinh lợi ích riêng để hùa theo chủ trương chung của EU trợ giúp Ukraine bằng mọi giá và đối địch Nga bằng mọi giá. Chiến sự ở Ukraine càng kéo dài thì EU sa lầy càng thêm sâu vào việc chống lưng cho Ukraine và rồi sự rạn nứt nội bộ này càng thêm trầm trọng, sự đồng thuận quan điểm và đoàn kết thống nhất trong nội bộ EU về ủng hộ Ukraine và đối đầu Nga càng thêm không bền vững.

Hệ lụy trực tiếp của việc EU cấm vận Nga xuất khẩu dầu lửa vào thị trường EU là giá dầu lửa sẽ tăng ở các nước thành viên EU, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh và cuộc sống thường nhật của người dân và rồi chắc chắn giới cầm quyền ở các nước này sẽ gặp nhiều khó khăn và khó xử lớn về đối nội./.

Hoàng Lan

 

Bình luận

    Chưa có bình luận