Dưới đây là những kịch bản có thể xảy ra và tác động của từng kịch bản với nền kinh tế thế giới.
Kịch bản 1: Tìm kiếm giải pháp ngoại giao
Liệu giải pháp ngoại giao có giúp cuộc xung đột ở Ukraine đi đến hồi kết giữa bối cảnh Nga tiếp tục thực hiện các mục tiêu ở Ukraine trong khi phương Tây không ngừng cung cấp vũ khí cho Kiev, đặc biệt là các vũ khí hạng nặng.
Ngày 28/4, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã nói với người đồng cấp Nga Vladimir Putin rằng Ankara sẵn sàng khởi động tiến trình chấm dứt chiến tranh ở Ukraine và đề xuất một thỏa thuận hòa bình dài hạn. Thổ Nhĩ Kỳ đã đóng vai trò trung gian hòa giải trong cuộc trao đổi tù binh giữa Mỹ và Nga ngày 27/4. Nước này cũng từng là địa điểm diễn ra 2 cuộc trao đổi trực tiếp giữa Nga và Ukraine.
Ở cấp độ đa phương, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres ngày 26/4 nỗ lực thúc đẩy giải pháp ngoại giao cho cuộc chiến Nga - Ukraine nhưng đã thất bại.
Những cuộc đàm phán nhằm chấm dứt chiến tranh ở Ukraine hiện chưa thể diễn ra. Có lẽ sẽ có một vài sự dàn xếp để những cuộc trao đổi mang tính chiến thuật phù hợp hơn diễn ra, chẳng hạn như thiết lập các hành lang nhân đạo. Tuy nhiên, hầu như rất ít người cho rằng những cuộc đàm phán chiến lược giữa Nga và Ukraine sẽ diễn ra vào cuối năm bởi châu Âu đang tập trung vào duy trì sự đoàn kết và chuyển vũ khí cho Ukraine nhằm hỗ trợ nước này tăng cường khả năng chống chịu trước Nga.
Cao ủy EU về chính sách an ninh và đối ngoại Josep Borrell vẫn chưa nối lại liên lạc với Moscow. Trong một bài bình luận ngày 26/4, ông nhận định rằng "sau 2 tháng giao tranh ở Ukraine, cuộc chiến không có dấu hiệu sẽ sớm kết thúc và những hành động gần đây của Nga khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn".
Việc trục xuất các nhà ngoại giao diễn ra liên tục đã cho thấy cây cầu giữa châu Âu và Nga đã sụp đổ một phần. Moscow đã trục xuất 40 nhà ngoại giao Đức ngày 26/4 nhằm đáp trả việc 40 nhà ngoại giao Nga bị trục xuất khỏi Đức, những người mà Berlin cho là đang hoạt động tình báo thay vì ngoại giao.
Hiện chưa thể mong đợi tình trạng bình thường nhanh chóng quay trở lại. Dù vậy, nếu các cuộc đàm phán thành công, giá năng lượng và hàng hóa sẽ giảm dần. Nga và Ukraine sẽ tăng xuất khẩu năng lượng, nông sản và quặng thô. Các lệnh trừng phạt nhằm chống lại Nga sẽ dần được Liên minh châu Âu (EU), Mỹ và các đồng minh dỡ bỏ. Nga sẽ tiếp tục tăng doanh thu từ khí đốt và dầu mỏ trong khi các gói cứu trợ tái thiết sẽ được cung cấp cho Ukraine.
Kịch bản 2: Chiến tranh trên chiến hào
Liệu có phải Nga đã giảm các mục tiêu của mình sau 2 tháng tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine? Ngày 25/3, Moscow đã giảm bớt các mục tiêu chiến tranh của mình. Các lực lượng của Nga không tiến công để kiểm soát và bao vây Kiev nữa mà tập trung vào việc kiểm soát khu vực Donbass ở phía Đông Ukraine. Kể từ khi cuộc xung đột giữa quân chính phủ Ukraine và lực lượng ly khai nổ ra năm 2014, khu vực rộng lớn hơn cả Thụy Sĩ này đã nằm dưới sự kiểm soát của lực lượng ly khai được Nga ủng hộ. Ước tính, hiện nay, lực lượng ly khai và quân đội Nga kiểm soát khoảng một nửa lãnh thổ các tỉnh Donetsk và Lugansk.
Thành bại của Nga trong chiến dịch lớn ở Donbass có ý nghĩa quan trọng với kết quả của cuộc chiến. Quân đội Nga hiện đang có ưu thế lớn hơn nhiều về hỏa lực tại đây. Trong khi đó, các nước phương Tây đang cố gắng thu hẹp khoảng cách này bằng cách cung cấp cho Ukraine những vũ khí hạng nặng tiên tiến. Các chuyên gia dự báo, nếu mọi thứ diễn ra như nhịp độ hiện nay, Nga sẽ mất khoảng 2 - 3 tháng để kiểm soát được Donbass.
Những diễn biến tiếp theo có thể quyết định thành bại của Nga tại khu vực này, song mục tiêu tương lai của Nga được cho là hiện vẫn chưa rõ ràng. Vào giữa tháng 4, Tướng Rustam Minnekayev, quyền chỉ huy Quân khu miền Trung của Nga cho biết quân đội Nga sẽ không chiếm Donbass. Theo ông, mục tiêu trong giai đoạn thứ hai chiến dịch quân sự đặc biệt là ngăn cản Ukraine tiếp cận Biển Đen, cũng như Odessa và biên giới với Transnistria.
Khu vực phía Nam Ukraine chứng kiến những cuộc tiến công mạnh mẽ của Nga trong những tuần đầu của cuộc chiến. Tuy nhiên, các cuộc tiến công gần đây đã chững lại và Nga hiện đang tập trung bảo vệ những thành quả của mình. Bất chấp những khó khăn hiện tại, Nga được cho là sẽ chưa từ bỏ việc kiểm soát các khu vực chiến lược quan trọng nhất của Ukraine: Đó là Donbass và các nguồn khoáng sản cũng như các đường bờ biển của Ukraine.
Kịch bản cuộc chiến ở Ukraine chững lại sẽ làm tồi tệ hơn tình trạng lạm phát trên thế giới. Tuy nhiên, nhu cầu giảm có lẽ sẽ khiến giá năng lượng giảm. Do Ukraine không thể xuất khẩu bằng đường biển nên nhiều khu vực nông nghiệp và mỏ quặng bị bỏ hoang. Phương Tây có thể sẽ tăng cường hỗ trợ để ngăn chặn nền kinh tế nước này sụp đổ. Trong khi đó nền kinh tế Nga mặc dù cho thấy sức chống chịu nhưng cũng chịu ảnh hưởng ít nhiều trước những làn sóng trừng phạt chưa từng có của phương Tây. Thế giới đối mặt với nguy cơ thiếu lượng thực. Tình trạng bất ổn ngăn cản những khoản đầu tư trên quy mô toàn cầu. Các quốc gia đang phát triển sẽ chịu tác động lớn nhất và rơi vào vòng xoáy nợ nần.
Kịch bản 3: Xung đột lan rộng
Cho đến thời điểm hiện tại, đây vẫn là cuộc chiến giữa Nga và Ukraine. Tuy nhiên, việc phương Tây can dự ngày càng sâu vào cuộc chiến này khi chuyển sang cung cấp vũ khí hạng nặng cho Ukraine có nguy cơ khiến xung đột leo thang.
Phương Tây vẫn từ chối cử quân đội tới Ukraine, cũng như từ chối yêu cầu của Tổng thống Volodymyr Zelensky về việc thiết lập vùng cấm bay ở Ukraine. Dù vậy, hỗ trợ quân sự cho Ukraine đang gia tăng nhanh chóng. Ngày 16/3, Tổng thống Biden thông báo gói hỗ trợ quân sự mới trị giá 800 triệu USD cho Ukraine, vài tiếng sau khi Tổng thống Zelensky hối thúc Quốc hội Mỹ và Tổng thống Biden phê chuẩn khu vực cấm bay do NATO thực hiện ở Ukraine.
Ngày 28/4, Tổng thống Biden kêu gọi các nghị sĩ nhanh chóng thông qua gói ngân sách trị giá 33 tỷ USD cho Ukraine kéo dài tới cuối tháng 9. Một phần từ gói ngân sách này sẽ đến từ các tài sản của Nga bị Mỹ tịch thu. Mỹ sẽ "không tấn công Nga", nhưng thay vào đó sẽ "hỗ trợ Ukraine tự vệ nhằm chống lại các hành vi gây hấn của Nga", Tổng thống Biden cho biết trong một bài phát biểu tại Nhà Trắng.
Việc cung cấp các vũ khí và hậu cần của phương Tây cho Ukraine trong cuộc chiến với Nga có thể kéo dài vài tháng nếu không muốn nói là vài năm. Nga thường đưa ra tuyên bố về việc phá hủy những kho chứa thiết bị quân sự của phương Tây ở Ukraine. Trong khi đó, binh lính Ukraine được huấn luyện sử dụng các vũ khí của phương Tây ở bên ngoài nước này để tránh đối đầu trực tiếp với Nga.
Tuy nhiên, nếu việc đào tạo diễn ra rộng hơn, Nga có thể sẽ tấn công các căn cứ mục tiêu ở những nước láng giềng của Ukraine. Điều này có lẽ sẽ kích hoạt điều 5 Hiến chương NATO, kéo liên minh này vào cuộc chiến và mở rộng đáng kể quy mô xung đột.
Nếu Nga muốn ngăn chặn dòng chảy vũ khí của phương Tây, nước này sẽ phải tăng cường các cuộc tấn công vào các đoàn vận chuyển vũ khí, bao gồm cả những đoàn vận chuyển vũ khí gần với biên giới phía Tây Ukraine.
Ngoài ra, hiện Nga cũng bày tỏ sự quan ngại về những cuộc tấn công từ phía Ukraine trên lãnh thổ nước này. Moscow cáo buộc phương Tây đứng sau các vụ tấn công và đã đưa ra cảnh báo.
Trong kịch bản này, có thể Nga sẽ quyết định dừng cung cấp dầu mỏ và khí đốt cho toàn bộ EU, tương tự như động thái của nước này với Ba Lan và Bulgaria hồi đầu tháng 5. Nền kinh tế châu Âu cũng sẽ chịu tổn thất. Đức đang rơi vào suy thoái khi GDP của nước này sụt giảm ít nhất 5% năm 2022 và con số này sẽ lên tới 20% nếu chiến tranh kéo dài một vài tháng.
Giá hydrocarbon, nông sản và khoáng sản sẽ ngày càng gia tăng. Mỹ, trước đó gần như không bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến này, hiện cũng đang cảm nhận được tác động của chiến tranh. Nền kinh tế thế giới sẽ trở nên bất ổn và điều này sẽ ngày càng tồi tệ nếu châu Âu can dự vào cuộc chiến ở Ukraine.
Doanh thu xuất khẩu của Nga sẽ giảm dần. Mặc dù Trung Quốc và Ấn Độ sẽ mua dầu mỏ và khí đốt từ Nga nhưng số lượng này vẫn không đủ để bù đắp vào doanh thu nếu Nga cắt nguồn cung sang châu Âu. Trong khi đó, Ukraine ngày càng phụ thuộc vào hỗ trợ từ các nước phương Tây./.
Kiều ANh/VOV.VN
Tổng hợp