Chiến tuyến mới ở châu Âu

Cùng với Mỹ và các đồng minh khác, EU cho đến nay đã áp dụng nhiều biện pháp chính sách trừng phạt Nga rất quyết liệt.

 

Theo những gì vừa được EU tiết lộ thì Uỷ ban châu Âu đã khuyến nghị EU tiến hành đợt trừng phạt Nga lần thứ 6 kể từ khi bùng phát chiến sự ở Ukraine giữa Nga và Ukraine. Tâm điểm của gói biện pháp chính sách mới của EU trừng phạt Nga là quyết định ngừng nhập khẩu dầu lửa của Nga, hay nói theo cách khác là EU cấm vận Nga xuất khẩu dầu lửa vào thị trường EU. Logic tư duy và mưu tính của EU ở đây là không để cho Nga có được thu nhập từ xuất khẩu dầu lửa vào thị trường EU để tài chi cho cuộc chiến ở Ukraine.

Theo số liệu thống kê của Cơ quan thống kê của EU, giá trị xuất khẩu dầu lửa hàng ngày của Nga vào thị trường EU hiện tại có mức độ trung bình là 450 triệu euro. Xuất khẩu dầu lửa, khí đốt, than đá và nguyên vật liệu là nguồn thu nhập chính, lớn nhất và quan trọng nhất của Nga, trong đó EU là thị trường lớn. Cùng với Mỹ và các đồng minh khác, EU cho đến nay đã áp dụng nhiều biện pháp chính sách trừng phạt Nga rất quyết liệt. Phe này đã loại Nga ra khỏi hệ thống thanh toán quốc tế rất phổ cập Swift và trừng phạt nhiều ngân hàng thuộc sở hữu nhà nước của Nga để ngăn chặn Nga sử dụng ngoại tệ trong thanh toán quốc tế và tiếp cận nguồn cung ứng ngoại tệ từ bên ngoài. Tuy nhiên, EU chưa dám cấm vận Nga xuất khẩu năng lượng mà mới chỉ có một vài thành viên riêng rẽ quyết định ngừng hoặc giảm mức độ nhập khẩu năng lượng từ Nga.

Tâm điểm của gói biện pháp chính sách mới của EU trừng phạt Nga là quyết định ngừng nhập khẩu dầu lửa của Nga, hay nói theo cách khác là EU cấm vận Nga xuất khẩu dầu lửa vào thị trường EU. (Ảnh minh họa: KT)Việc Nga buộc các nước nhập khẩu khí đốt của Nga nhưng bị Nga coi là "thiếu thân thiện với Nga" phải thanh toán nhập khẩu khí đốt của Nga bằng đồng rúp theo cơ chế thanh toán do Nga quy định đã đẩy EU vào tình trạng rất khó xử vì đáp ứng điều kiện này của Nga thì chẳng khác gì tự vô hiệu hoá biện pháp chính sách trừng phạt Nga của chính mình. Mới đây, Nga đã ngừng cung ứng khí đốt cho Ba Lan và Bulgaria - cả hai đều là thành viên EU - vì không đáp ứng điều kiện nói trên của Nga. Việc này được EU coi như lời tuyên chiến chính thức của Nga với EU trên lĩnh vực khí đốt và mở ra chiến tuyến đối địch trực tiếp giữa Nga và EU. Với việc cấm vận Nga xuất khẩu dầu lửa sang thị trường EU, phía EU cũng đã chủ động mở ra chiến tuyến mới đối địch trực tiếp với Nga trên lĩnh vực dầu lửa.

Cho tới nay, các nước thành viên EU phụ thuộc vào cung ứng năng lượng (dầu lửa, khí đốt, than đá) ở mức độ khác nhau từ Nga. Vì thế, trong nội bộ EU tuy có sự nhất trí chung là trừng phạt Nga và ngăn chặn nguồn thu nhập của Nga từ xuất khẩu năng lượng nhưng lại không nhất trí với nhau về lộ trình thời gian và mức độ cấm vận Nga xuất khẩu năng lượng. Cũng vì thế, EU chủ trương không ép buộc tất cả các thành viên EU phải tham gia cấm vận Nga xuất khẩu dầu lửa và cũng mới chỉ dám tuyên chiến Nga trên lĩnh vực dầu lửa. Dù vậy cũng vẫn có thể thấy EU đã hạ quyết tâm trừng phạt Nga đến cùng và bằng mọi giá, bắt đầu từ cấm vận Nga xuất khẩu dầu lửa nhưng rồi sẽ còn tiến tới cấm vận Nga xuất khẩu khí đốt, than đá và các nguyên vật liệu khác. Chiều hướng diễn biến tình hình là Mỹ, EU và đồng minh cứ dần dần giảm và rồi đi đến chấm dứt lệ thuộc vào nhập khẩu năng lượng và nguyên vật liệu từ Nga.

Cuộc chiến mới này của EU chắc chắn gây tổn hại lớn cho Nga bởi Nga phải tìm khách hàng và thị trường thay thế mà việc này không thể nhanh chóng và dễ dàng. Nhưng EU cũng cần thời gian để tìm nguồn cung ứng mới thay thế Nga và không thể tránh khỏi phải trả giá đắt hơn. Giá năng lượng trong EU chỉ có thể tiếp tục tăng chứ không giảm và giảm lệ thuộc vào Nga bằng cách lệ thuộc vào nhà cung ứng khác thì đâu có khác gì tránh rủi ro này bằng cách chấp nhận rủi ro khác./.

Hoàng Lan

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận