Nhân chuyến thăm Ấn Độ vừa rồi của Chủ tịch Uỷ ban EU Ursula von der Leyen, Ấn Độ và EU đã ký kết thoả thuận thành lập Hội đồng Thương mại và Công nghệ Ấn Độ - EU.
Cùng với việc bên này đề cao bên kia và cả hai bên thể hiện ý chí chính trị thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa mối quan hệ hợp tác song phương, thoả thuận nói trên làm cho mối quan hệ đối tác giữa EU và Ấn Độ có được tầm vóc và ý nghĩa chiến lược to lớn. Cho tới nay, Ấn Độ chưa từng ký kết với đối tác nào khác thoả thuận tương tự và EU cũng chỉ mới có thoả thuận như thế với Mỹ.
EU là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Ấn Độ và dành cho Ấn Độ ưu tiên cao cũng như vị trí rất quan trọng trong chiến lược mới công bố đối với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Giữa Ấn Độ và EU cũng còn có nhu cầu và sự đồng thuận quan điểm sâu rộng về tăng cường hợp tác để cạnh tranh chiến lược và đối phó Trung Quốc. Chất lượng và mức độ quan hệ hợp tác song phương mới với EU giúp Ấn Độ có thể tranh thủ công nghệ hiện đại của EU và tăng cường khai thác thị trường EU, có thêm đối trọng cho quan hệ của Ấn Độ với các đối tác lớn trên thế giới. Ngay trước khi bà chủ tịch Uỷ ban EU đến Ấn Độ, thủ tướng nước này Narendra Modi đã đón thủ tướng Anh Boris Johnson. Kết quả nổi bật nhất của chuyến thăm Ấn Độ của ông Johnson là thoả thuận giữa hai nước về hợp tác trên lĩnh vực quốc phòng và quân sự.
Cả Anh lẫn EU đều nỗ lực thuyết phục Ấn Độ hùa theo Mỹ, EU, NATO và đồng minh lên án Nga và ủng hộ Ukraine trong chuyện chiến sự hiện tại ở Ukraine giữa Nga và Ukraine, đặc biệt là cùng phe này tiến hành những biện pháp chính sách trừng phạt Nga. Ấn Độ không những chủ trương trung lập trong chuyện chiến sự ở Ukraine mà còn không vì Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine mà ngưng trệ quan hệ hợp tác với Nga về chính trị cũng như kinh tế và thương mại. Việc EU, Mỹ hay Anh và đồng minh của họ không thành công với việc tranh thủ lôi kéo Ấn Độ về thành cùng hội cùng thuyền trong đối đầu Nga nhưng vẫn thúc đẩy quan hệ hợp tác với Ấn Độ có nguyên do ở chỗ họ vừa không thể không coi trọng và tranh thủ Ấn Độ cho quan hệ hợp tác song phương vừa chủ ý tìm cách phân rẽ Ấn Độ với Nga. Ngoài ra, mưu tính chiến lược của họ còn là liên thủ như có thể được với Ấn Độ để cùng đối phó và cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc.
EU cần Ấn Độ nếu muốn thực hiện thành công chiến lược mới công bố cho khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Hiện tại, Ấn Độ cùng với Mỹ, Nhật Bản và Australia đang mưu tính gây dựng vai trò chủ chốt trong việc cấu trúc khu vực lớn Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trên mọi phương diện. Ấn Độ có thể trở thành cửa ngõ thích hợp nhất cho EU để EU không những chỉ có chân và có phần ở tương lai của khu vực lớn mà còn có được cả vai trò và ảnh hưởng tới việc hoạch định luật chơi cũng như tới diễn biến của cuộc chơi lợi ích địa chiến lược và chính trị thế giới ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Đấy cũng chính là nguyên do quyết định nhất khiến cho EU không thể vì Ấn Độ khác biệt quan điểm về Nga mà bất hoà với Ấn Độ hoặc không tiếp tục thúc đẩy quan hệ hợp tác với Ấn Độ.
Mặt khác, với thoả thuận về thành lập Hội đồng Thương mại và Công nghệ Ấn Độ - EU, EU giúp Ấn Độ gia tăng đáng kể vị thế và tiềm lực ở cả châu Âu lẫn ở khu vực lớn Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trên lĩnh vực kinh tế, thương mại và công nghệ - như thoả thuận với Anh có hiệu ứng quan trọng tương tự đối với Ấn Độ về quân sự và quốc phòng. Bên nào cũng được lợi đơn, ích kép như nhau./.
Hoàng Lan