Dự báo bi quan của Quỹ Tiền tệ quốc tế

Có thể dự liệu, IMF rồi đây sẽ phải điều chỉnh lại mức độ dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới theo chiều hướng đi xuống nhiều hơn là ngược lại.

 

Trước thềm hội nghị mùa xuân thường niên của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB), IMF đã đưa ra dự báo mới về triển vọng tăng trưởng của kinh tế thế giới và của một số nền kinh tế cùng với những phân tích mới nhất về các nhân tố tác động.

So sánh với dự báo được IMF đưa ra hồi đầu năm nay, dự báo mới nói trên của IMF là sự điều chỉnh nhịp độ tăng trưởng của kinh tế thế giới và của một số nền kinh tế khác theo hướng đi xuống. Theo IMF, nguyên nhân chính là chiến sự ở Ukraine giữa Nga và Ukraine. Hồi đầu năm nay, sự kiện này chưa có và hiện tại thật sự không ai biết trước được chiến sự khi nào mới tới hồi kết. Vì thế có thể nhận thấy một khi IMF coi chiến sự ở Ukraine là nguyên nhân chính khiến kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại và không được như dự báo hồi đầu năm nay thì tâm trạng bi quan này sẽ còn dai dẳng thời gian dài chứ không dễ sớm kết thúc.

Một phiên họp của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). (Ảnh: KT)Theo IMF, kinh tế thế giới năm 2022 chỉ có thể tăng trưởng 3,6%, tức là giảm 0,8% so với mức độ tăng trưởng 4,4% được IMF dự báo hồi đầu năm. IMF dự báo tăng trưởng kinh tế của khu vực các nền kinh tế sử dụng đồng euro giảm 1,1% còn 2,8% so với dự báo hồi đầu năm. Mức độ điều chỉnh này cao hơn mức độ giảm của tăng trưởng kinh tế thế giới bởi Khu vực euro chịu ảnh hưởng tiêu cực trực tiếp nhiều hơn cả của chiến sự ở Ukraine.

IMF cho rằng mức độ sa sút của tăng trưởng của  kinh tế Nga trong năm 2022 là 8,5% và của Ukraine thậm chí còn đến mức 35%. IMF nhìn nhận triển vọng tăng trưởng kinh tế của Mỹ và Trung Quốc cũng bi quan tương tự: của Mỹ chỉ còn 3,7% so với 5,7% trong năm 2021 và của Trung Quốc chỉ còn 4,4% so với 8,1% trong năm 2021. Cùng với việc hạ thấp mức độ dự báo tăng trưởng này, IMF còn tỏ ra đặc biệt lo ngại về tình trạng lạm phát tăng nhanh và mạnh, hiện ở mức độ cao trong rất nhiều nền kinh tế lớn của thế giới. Trong nhìn nhận của IMF, chiến sự ở Ukraine làm cho lạm phát còn tăng bởi giá năng lượng, nguyên vật liệu và lương thực đều tăng.

Cho tới trước đấy, tác nhân quyết định nhất đối với IMF khiến nhịp độ tăng trưởng của kinh tế thế giới chậm lại và không thể cao là dịch bệnh. Hiện tại, tác động tiêu cực của tác nhân này vẫn rất đáng kể nhưng không còn như trước đây do thành quả ứng phó dịch bệnh ở mọi nơi trên thế giới. Kinh tế thế giới chưa qua được hết tác động tiêu cực của dịch bệnh thì đã bị ảnh hưởng tai hại bởi chiến sự ở Ukraine. IMF bi quan về triển vọng tăng trưởng của kinh tế thế giới cho năm 2022 trước hết bởi tác động tiêu cực còn dai dẳng của cả hai tác nhân này.

Tổ chức Y tế thế giới đánh giá rằng dịch bệnh vẫn chưa được kiểm soát trên bình diện thế giới nói chung và biến thể mới của virus dịch bệnh vẫn có thể xuất hiện trong thời gian tới. Mỹ dự kiến cùng một số đối tác đồng chủ trì một hội nghị cấp cao thế giới chuyên về ứng phó dịch bệnh nhưng hiện không mấy ai tin rằng sự kiện lớn này có thể đưa thế giới nhanh chóng tới được thành quả cơ bản và quyết định hơn trong cuộc chiến chống dịch bệnh trên thế giới.

Trong khi đó, chiến sự ở Ukraine làm cho mối quan hệ giữa Nga với Mỹ, EU và đồng minh của họ trở nên căng thẳng, đối địch và trắc trở như chưa từng thấy kể từ nhiều thập kỷ trở lại đây. Xáo trộn chính trị an ninh thế giới và quan hệ quốc tế luôn luôn bất lợi cho tăng trưởng kinh tế thế giới nói chung. Giá năng lượng, nguyên vật liệu và thực phẩm còn tiếp tục cao khiến cho lạm phát chưa thể giảm trong thời gian tới.

Cho nên có thể dự liệu được là IMF rồi đây sẽ phải điều chỉnh lại mức độ dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới theo chiều hướng đi xuống nhiều hơn là ngược lại./.

Hoàng Lan

 

Bình luận

    Chưa có bình luận