Theo Wall Street Journal, sau khi quân đội Nga không đạt được mục tiêu như mong đợi ở Ukraine, Moscow hiện giữ vững các khu vực đang kiểm soát ở phía Đông Nam Ukraine trong khi tiếp tục các chiến thuật bao vây các thành phố ở các khu vực khác để giành được những nhượng bộ quan trọng bao gồm cam kết về sự trung lập của Ukraine.
Vậy “Kế hoạch B” của Nga sắp tới tại Ukraine có thể là gì? AFP đã xem xét những mục tiêu mà Nga có thể thực hiện trong giai đoạn tiếp theo của hoạt động quân sự tại Ukraine.
Chiến thắng mang tính biểu tượng
Nhiều chuyên gia cho rằng Tổng thống Vladimir Putin sẽ muốn đạt được một số chiến thắng vào ngày 9/5, khi Nga duyệt binh đánh dấu chiến thắng phát xít Đức trong Thế chiến thứ hai.
“Tổng thống Putin luôn nhớ tới những ngày tháng mang tính biểu tượng và lịch sử nên ông ấy rất cần một chiến thắng trước ngày 9/5”, Alexander Grinberg, nhà phân tích tại Viện Chiến lược và An ninh Jerusalem, cho biết.
Sergei Karaganov, nhà phân tích chính sách đối ngoại của Nga, đồng thời là cựu cố vấn của Điện Kremlin, nói rằng, “Nga không muốn thua cuộc nên chúng tôi cần một chiến thắng”.
Kiểm soát Mariupol và nhiều lãnh thổ hơn
Trong khi các lực lượng của Nga đang di chuyển khỏi thủ đô Kiev và các khu vực khác ở phía Bắc Ukraine, Nga không có động thái tương tự ở xung quanh thành phố Mariupol, phía Đông Nam Ukraine, nơi đã bị siết chặt vòng vây trong nhiều tuần.
Việc kiểm soát Mariupol sẽ là một bước đi quan trọng đối với Nga trong việc thực hiện mục tiêu rõ ràng là kiểm soát lãnh thổ nối liền bán đảo Crimea.
“Tôi nghĩ rằng sẽ có giao tranh dữ dội cho đến khi lực lượng Ukraine rút khỏi Mariupol”, chuyên gia Grinberg nói.
Ở phía Đông Ukraine còn có hai khu vực ly khai Donetsk và Lugansk, được Nga công nhận là những quốc gia độc lập hồi tháng 2, vì vậy, việc giành quyền kiểm soát thành phố Mariupol sẽ giúp Nga kiểm soát một vùng lãnh thổ ở phía Đông Ukraine.
“Nếu kiểm soát được Mariupol, lực lượng Nga có thể di chuyển lên phía Bắc Ukraine để chiếm phần còn lại của khu vực Donbass và kiểm soát phía Nam của Ukraine, cũng như Biển Azov”, Pierre Razoux, giám đốc học thuật của Tổ chức Nghiên cứu Chiến lược Địa Trung Hải, nói với AFP.
Chính quyền Tổng thống Biden hôm 4/4 cảnh báo rằng các lực lượng Nga dự kiến sẽ tăng cường hoạt động quân sự ở Ukraine sau nhiều tuần tiến độ của chiến dịch quân sự bị đình trệ.
Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho rằng Điện Kremlin hiện đang xem xét lại mục tiêu trong cuộc chiến. “Nga đang bố trí lại lực lượng để tập trung các hoạt động quân sự ở phía Đông và một phần phía Nam Ukraine, thay vì nhắm vào phần lớn lãnh thổ”, ông Sullivan nói.
“Tất cả các dấu hiệu cho thấy Nga sẽ tìm cách bao vây và áp đảo các lực lượng Ukraine ở miền Đông Ukraine”, quan chức Mỹ nói thêm.
Kéo dài thời gian
Các quan chức Mỹ lưu ý rằng lực lượng Nga có thể mở rộng mục tiêu nếu bắt đầu đạt được nhiều thành công hơn.
Hiện tại, lực lượng Nga đang phải đối mặt với những thách thức to lớn, bao gồm vấn đề trong khâu hậu cần, nguồn cung cấp đạn dược bị thu hẹp.
Các nhà phân tích quân sự lưu ý rằng dự thảo mùa xuân của Nga bắt đầu từ ngày 1/4 và trong khi Moscow khẳng định lính nghĩa vụ sẽ không được gửi đến Ukraine, các tân binh chỉ có thể tham gia chiến đấu khi ký hợp đồng và được đào tạo.
“Cuộc chiến có thể sẽ vẫn tiếp diễn. Tuy nhiên, Nga đang thiếu hụt nguồn nhân lực”, Gustav Gressel, chuyên gia chính sách cấp cao tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Châu Âu (ECFR), cho biết.
Các nhà phân tích cho rằng, một cuộc chiến kéo dài cũng sẽ gây nguy hiểm cho Nga.
Chia rẽ phương Tây
AFP nhận định rằng, nếu cuộc chiến ở Ukraine kéo dài, Điện Kremlin có thể sẽ áp dụng chiến thuật là tìm cách chia rẽ phương Tây và những quốc gia có đường lối cứng rắn nhất đối với Nga, và những nước có quan điểm ôn hòa hơn.
Ngày 4/4, Tổng thống Putin đã gửi lời chúc mừng một trong những đồng minh thân cận nhất của Nga tại EU - Thủ tướng Hungary Viktor Orban, sau khi đảng của ông giành chiến thắng nhiệm kỳ thứ tư.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết, EU sẽ xem xét thêm các biện pháp trừng phạt đối với ngành công nghiệp dầu mỏ và than của Nga, song không đề cập đến khí đốt tự nhiên, điều mà châu Âu vẫn phụ thuộc rất nhiều vào Moscow.
“Mục đích của cuộc chiến cũng là để chia rẽ quan điểm của phương Tây”, chuyên gia Razoux nói./.
Mai Trang/VOV.VN
Tổng hợp