Củng cố khối đối phó Nga

EU và Mỹ ký kết thoả thuận về việc Mỹ cung ứng khí đốt hóa lỏng cho EU nhằm giúp EU giảm bớt mức độ lệ thuộc vào cung ứng khí đốt từ Nga.

 

Bằng các cuộc gặp cấp cao liên tiếp vừa qua, cả ba tổ chức và khuôn khổ diễn đàn chung quan trọng nhất lâu nay của các nước trong khối phương Tây là nhóm G7, NATO và EU đều chủ ý khoa trương sự đoàn kết thống nhất trong nội bộ để cùng đối phó Nga. Cứ theo những gì được khối này biểu lộ ra bên ngoài thì đúng là chưa khi nào nội bộ khối lại có được sự nhất trí sâu rộng như vậy. Cá nhân tổng thống Mỹ Joe Biden đóng vai trò rất quan trọng và quyết định. Ông Biden cất công sang châu Âu để tham dự 3 sự kiện trên và là tổng thống Mỹ đầu tiên tham dự cuộc gặp với lãnh đạo tất cả các nước thành viên EU. Ngay sau đó, ông Biden tới thăm Ba Lan và có bài phát biểu nhằm đúng vào tâm tư, kỳ vọng và lo ngại của các đồng minh. Chỉ có phát biểu của ông Biden ở Ba Lan với nội dung "tổng thống Nga Vladimir Putin không được cầm quyền lâu hơn nữa" khiến các đồng minh của Mỹ bối rối bởi cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng của ngôn từ đều là Mỹ chủ trương thay đổi chính quyền ở Nga. Phía Mỹ sau đấy đã có giải thích rằng Mỹ không có chiến lược nhằm thay đổi chính quyền ở Nga.

ảnh minh họa: KTThông điệp chung từ tất cả những sự kiện có ý nghĩa quan trọng và quyết định tới tương lai của cả khối phương Tây này là ủng hộ Ukraine như có thể được và đối địch Nga bằng mọi giá để buộc Nga phải chấm dứt chiến sự ở Ukraine và triệt thoái hoàn toàn quân đội ra khỏi lãnh thổ của Ukraine. Khối này không đề cập gì đến ẩn ý sâu xa của họ là sau đấy rồi sẽ truy cứu trách nhiệm về pháp lý quốc tế đối với Nga để đòi Nga phải bồi thường chiến tranh cho Ukraine. Phe này quyết định thành lập một quỹ tài chính đoàn kết với Ukraine, tuy nhiên không cho biết với mức độ vốn lớn nhỏ bao nhiêu và lấy từ đâu ra. Tất cả đều nhất trí mở rộng phạm vi và gia tăng mức độ quyết liệt trừng phạt Nga, nhưng cũng chỉ chung chung như vậy chứ không cụ thể gì hơn. Trong tuyên bố chung, nhóm G7 khẳng định chủ trương làm khô kiệt mọi nguồn thu nhập ngoại tệ của Nga và bác bỏ quyết sách mới đây của Nga buộc các nước khách hàng nhập khẩu khí đốt của Nga bị Nga coi là "không thân thiện với Nga" phải thanh toán bằng đồng Rúp của Nga. Cũng vì quyết sách này của Nga mà EU thống nhất chủ trương nhanh chóng như có thể được thoát ra khỏi sự lệ thuộc vào cung ứng năng lượng từ Nga. EU và Mỹ ký kết thoả thuận về việc Mỹ cung ứng khí đốt hóa lỏng cho EU nhằm giúp EU giảm bớt mức độ lệ thuộc vào cung ứng khí đốt từ Nga. Thoả thuận này chỉ giúp EU giảm bớt lo ngại được phần nào bởi EU phải đầu tư lớn vào việc xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật hậu cần để tiếp nhận khí đốt hoá lỏng của Mỹ, bởi vẫn phải tìm kiếm thêm nguồn cung ứng năng lượng khác nữa và bởi vẫn chưa thể từ bỏ hoàn toàn nhập khẩu năng lượng từ Nga trong ngày một ngày hai. Đảm bảo an ninh năng lượng vì thế vẫn là một trong những thách thức lớn nhất đối với EU trong thời gian tới.

NATO thể hiện thái độ gay gắt hơn cả và đồng thời đưa ra những quyết định cụ thể nhất. NATO không những chỉ tăng cường số lượng binh lính và vũ khí của NATO ở các nước thành viên thuộc sườn phía đông của NATO, tức là ở vùng láng giềng xung quanh Nga mà còn quyết định đồn trú thường xuyên chứ không còn luân phiên như trước đây. NATO lớn tiếng cảnh báo Nga về việc sử dụng vũ khí hóa học và sinh học ở Ukraine và định ra cái gọi là "lằn ranh đỏ" trên phương diện này. Tuy nhiên, NATO không thống nhất nội bộ về việc thiết lập vùng cấm bay ở Ukraine và đáp ứng hoàn toàn mọi yêu cầu đòi hỏi về viện trợ quân sự của chính phủ Ukraine.

Phương Tây củng cố được nội bộ khối để đối phó Nga nhưng vẫn nặng về danh nghĩa. Trong thực chất, việc phối hợp hành động giữa các thành viên nội bộ khối này vẫn còn rất trắc trở và khó khăn./.

Hoàng Lan

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận