Nhiều nước điều chỉnh chiến lược chống dịch, coi Covid-19 là 'bệnh đặc hữu'

Chính quyền nhiều nước đã tuyên bố Covid-19 đang trên đà trở thành bệnh đặc hữu, có nghĩa là dễ dự đoán và dễ kiểm soát hơn.

 

Với làn sóng lây nhiễm mới do biến thể Omicron dường như đang suy giảm trên toàn thế giới, chính quyền nhiều nước đã tuyên bố Covid-19 đang trên đà trở thành bệnh đặc hữu, có nghĩa là dễ dự đoán và dễ kiểm soát hơn.

Trong một tuyên bố đánh dấu sự thay đổi trong chiến lược ứng phó với đại dịch, Tổng thống Mỹ Joe Biden hồi tuần qua tuyên bố, Covid-19 sẽ không còn kiểm soát cuộc sống của người dân Mỹ.

“Nhờ những tiến bộ đạt được trong năm qua, Covid-19 không còn kiểm soát cuộc sống của chúng ta nữa. Nhưng tôi muốn nói rằng chúng ta sẽ tiếp tục chống lại virus như đối với các căn bệnh này. Bởi virus vẫn đang đột biến và lây lan, chúng ta phải đề phòng”, ông Biden nhấn mạnh.

Các số liệu cho thấy, trong tuần cuối cùng của tháng 1, thế giới vẫn ghi nhận 22 triệu trường hợp mắc mới và 59.000 trường hợp tử vong. Tuy nhiên tại những quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng cao, mối liên hệ giữa các ca bệnh và tử vong dường như đã suy yếu, thậm chí đã bị phá vỡ.

Nhiều nước điều chỉnh chiến lược chống dịch, coi Covid-19 là “bệnh đặc hữu”. (Ảnh minh họa: Bloomberg)Theo Tiến sĩ Daniel McQuillen, Chủ tịch Hiệp hội các bệnh truyền nhiễm Mỹ, Covid-19 đang trở thành một căn bệnh đặc hữu sẽ luôn đồng hành cùng chúng ta. Lưu hành không nhất thiết có nghĩa là nhẹ, nhưng có những dấu hiệu cho thấy với mức độ miễn dịch quần thể cao, mức độ nghiêm trọng của Covid-19 trở nên gần với mức độ nghiêm trọng của bệnh cúm theo mùa. Không chỉ Mỹ, chính phủ nhiều nước và ngành công nghiệp, đặc biệt là tại châu Âu cũng đang thay đổi chính sách theo hướng coi Covid-19 là một bệnh đặc hữu.

Tuy nhiên, Tổ chức Y tế Thế giới và giới chuyên gia cũng cảnh báo mọi tâm lý chủ quan coi Covid-19 như một bệnh đặc hữu. Trên thực tế, diễn biến của đại dịch đã nhanh chóng thay đổi với sự xuất hiện của các biến thể mới của virus SARS-CoV-2, khiến các quốc gia đã trải qua thời gian dịch bệnh ổn dịnh kéo dài lại phải đối mặt với hậu quả của các làn sóng lây nhiễm và nhập viện.

Thế giới đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong việc tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19, nhưng hơn 1/3 số người dân chưa được tiêm một liều vaccine. Đồng thời, các chuyên gia y tế cũng lo ngại về hiệu quả của một số loại vaccine. Vì vậy, vẫn còn một khoảng cách lớn trước khi đạt được miễn dịch toàn cầu cần thiết cho các bệnh đặc hữu.

Tiến sĩ Maria Van Kerkhove, trưởng nhóm kỹ thuật Covid-19 của Tổ chức Y tế Thế giới cảnh báo: “Virus đang trên đường trở thành đặc hữu. Tuy nhiên cần phải nhớ rằng chúng ta vẫn đang ở giữa đại dịch nếu nhìn vào cả về mức độ lây truyền và mức độ tác động đối với các dịch vụ y tế thiết yếu. Bây giờ chắc chắn chúng ta thấy tỷ lệ nhập viện ít hơn nhưng số lượng lớn các trường hợp đang thực sự tạo ra gánh nặng cho hệ thống chăm sóc sức khỏe. Vì vậy, tác động mà chúng ta đang thấy thực sự rất đáng kể”.

Tổ chức Y tế Thế giới và giới khoa học đã kêu gọi dành nhiều nguồn lực hơn để phát triển vaccine mới, đặc biệt là vaccine dựa trên vật liệu di truyền (dường như có hiệu quả hơn đối với các biến thể mới), cũng như các phương pháp điều trị. Mở rộng khả năng kiểm tra và cải thiện mạng lưới giám sát, vì việc đo lường chính xác, thường xuyên mức độ lây nhiễm trong cộng đồng cho phép các chính phủ thực hiện các phản ứng hiệu quả nhất. Không ai có thể lường trước sự xuất hiện của các biến thể và tác động của chúng. Sự không chắc chắn này là một phần của cuộc sống và bệnh đặc hữu không có nghĩa là chúng ta nên từ bỏ cuộc chiến chống lại đại dịch./.

Thu Hoài/VOV1
Tổng hợp

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận