EU bất ngờ thay đổi

Sự thay đổi quyết định nhất về bản chất là việc EU dành hẳn 500 triệu Euro cho chính phủ Ukraine mua sắm vũ khí.

 

Chiến sự tiếp diễn giữa quân đội Nga và quân đội Ukraine ở nhiều nơi trên lãnh thổ Ukraine.

Nga và Ukraine đã tiến hành hòa đàm. Hiện chưa ai có thể dự đoán được kết cục rồi sẽ như thế nào và bao giờ chiến sự sẽ kết thúc. Nhưng bất kể cái kết ấy như thế nào và đến sớm hay muộn thì EU cũng đã thay đổi rất cơ bản, góp phần làm cho châu Âu và thế giới thay đổi cũng rất cơ bản.

Thật ra, bản chất của cuộc khủng hoảng chính trị an ninh vừa qua ở châu Âu nằm ở mối quan hệ giữa Nga với Mỹ và NATO chứ không phải giữa Nga và EU. Nhưng từ sau khi chiến sự bùng phát giữa Nga và Ukraine thì EU lại thay đổi nhiều hơn, cơ bản hơn và rõ nét hơn hẳn NATO.

Binh lính Ukraine ở khu vực Lugansk ngày 24/2/2022. (Ảnh: Getty)Cuộc tấn công của Nga nhằm vào Ukraine đã làm cho cả NATO lẫn EU củng cố được sự thống nhất nội bộ - điều mà trong nhiều năm qua cả hai liên minh này đều không có được. Sự thống nhất trong nội bộ ở đây không phải về việc thu nạp Ukraine vào EU và NATO mà về đối phó Nga. EU nhận thức được sự cần thiết cấp bách về phải tự thân vận động hơn nữa để tự đảm bảo an ninh cho các nước thành viên và đề có vai trò trên mọi phương diện ở châu Âu chứ không bị gạt ra ngoài lề khi các đối tác thương thảo và thỏa hiệp với nhau về an ninh và ổn định cho châu Âu.

Nhiều thành viên đã thực hiện điều chỉnh chính sách đối ngoại và an ninh rất cơ bản, trong đó đặc biệt là chính sách đối với Nga. Chẳng hạn như Hungari đã chuyển sang quan điểm thái độ phê phán Nga. Phần Lan và Thuỵ Điển là hai nước theo đuổi chính sách trung lập truyền thống giờ tăng cường quan hệ hợp tác với NATO. Rõ nét nhất và đáng chú ý nhất trên phương diện này là nước Đức. Chính phủ Đức đã quyết định ngừng quy trình xem xét cấp phép cho tuyến đường ống Nord Stream 2 dẫn khí đốt trực tiếp từ Nga vượt ngầm qua Biển Bắc sang Tây Âu đi vào hoạt động. Sau đấy, chính phủ Đức quyết định cung cấp vũ khí trực tiếp cho quân đội Ukraine trong khi hiến pháp hiện hành của đất nước này cấm chính phủ xuất khẩu và cung ứng vũ khí tới các khu vực có chiến tranh và xung đột quân sự trên thế giới. Ngoài ra, chính phủ Đức còn tuyên bố sẽ thực hiện cam kết của thành viên NATO là hàng năm dành 2% GDP cho ngân sách quốc phòng và chi ngay 100 tỷ Euro để tăng cường vũ trang và hiện đại hoá quân đội Đức.

Sự thay đổi quyết định nhất về bản chất là việc EU dành hẳn 500 triệu Euro cho chính phủ Ukraine mua sắm vũ khí. Theo quy định hiện hành, EU không được tham gia trực tiếp cũng như gián tiếp vào chiến tranh hay xung đột vũ trang trên thế giới, EU không được cung ứng vũ khí cho các bên tham chiến hay không được thanh toán tiền cho các bên tham chiến mua sắm vũ khí. Bây giờ, không chỉ có nhiều thành viên EU - đồng thời cũng là thành viên NATO - cung ứng vũ khí trực tiếp cho Ukraine đối địch quân sự với Nga mà chính EU cũng tham gia, bằng cách chi tiền cho chính phủ Ukraine mua sắm vũ khí.

Những thay đổi cơ bản này, bất kể do bị tình thế và thời cuộc bắt buộc hay nhờ lợi dụng tình thế và thời cuộc hiện tại ở châu Âu, đang giúp EU trở thành tác nhân quyền lực thật sự mới về chính trị cũng như an ninh ở châu Âu. Qua đó, EU có thể tác động rất mạnh mẽ và không kém phần quyết định so với NATO và Mỹ tới diễn biến và kết cục của chiến sự giữa Nga và Ukraine. EU đã khắc phục được tình cảnh bị gạt ra ngoài rìa của việc xử lý cuộc khủng hoảng chính trị an ninh hiện tại ở châu Âu. Từ đó cũng còn có thể thấy EU đang theo đuổi cả mục tiêu gây dựng vai trò xứng đáng và dấu ấn riêng trong trật tự và cấu trúc an ninh chung cho EU ở thời kỳ sau khi chiến sự giữa Nga và Ukraine chấm dứt./.

Hoàng Lan

 

Bình luận

    Chưa có bình luận