“Có sự bất đồng quan điểm giữa chúng tôi và một số người trong Quốc hội, những người cho rằng việc áp đặt lệnh trừng phạt Dòng chảy phương Bắc 2 ngay lập tức sẽ có tác dụng. Chúng tôi không đồng ý với điều này”, bà Jen Psaki cho biết, đồng thời nói thêm rằng Dòng chảy phương Bắc 2 được xem là “đòn bẩy gây sức ép” đối với Nga.
“Đó là lý do tại sao chúng tôi đang tiếp tục con đường hiện tại. Chúng tôi nghĩ rằng các biện pháp trừng phạt cứng rắn vào thời điểm này sẽ không hiệu quả”, người phát ngôn Nhà Trắng cho hay.
Bà Jen Psaki không đưa ra câu trả lời rõ ràng về việc liệu Mỹ và các đồng minh có coi việc Nga có ý định tấn công Ukraine là một lý do để thực hiện các biện pháp mới chống lại dự án Dòng chảy phương Bắc 2 hay không.
“Rõ ràng, chúng tôi không coi Dòng chảy phương Bắc 2 là một thỏa thuận hay một dự án tốt. Tôi nghĩ rằng điều cần tập trung hiện tại là chiến thuật ngoại giao đúng đắn, vì nó liên quan đến răn đe, là một phần của phương pháp tiếp cận”, bà Psaki khẳng định.
Quan chức Nhà Trắng nói thêm rằng Mỹ có “một loại các trường hợp dự phòng” nếu Nga tấn công Ukraine và sẽ tiếp tục làm việc với các đồng minh để có bước đi vững chắc.
Dự án Dòng chảy phương Bắc 2 dài 1.230km, trị giá 11,6 tỷ USD. Khi Dòng chảy phương Bắc 2 đi vào hoạt động, sẽ tăng gấp đôi công suất vận chuyển khí đốt của Nga sang Đức, lên đến 110 tỷ m3/năm. Hoàn thành vào tháng 9/2021, dự án này vẫn chưa thể đi vào hoạt động vì còn chờ hoàn tất thủ tục cấp phép của cơ quan quản lý Đức và các nước EU.
Vào tháng 12/2021, Tổng thống Vladimir Putin cho biết, Nga và các đối tác đã hoàn thành nhiệm vụ tạo ra Dòng chảy phương Bắc 2 và giờ đây là quyền quyết định của châu Âu. Nhà lãnh đạo Nga lưu ý rằng đường ống dẫn khí đã sẵn sàng hoạt động và ngay sau khi các đối tác châu Âu đưa ra quyết định về việc bắt đầu hoạt động, khối lượng lớn khí đốt bổ sung của Nga sẽ ngay lập tức chảy sang châu Âu. Ông Putin tin rằng Dòng chảy phương Bắc 2 đi vào hoạt động sẽ giúp giảm khí đốt ở châu Âu./.
Mai Trang/VOV.VN (biên dịch)
Theo TASS