Đối thoại để có đối thoại

Tại thành phố Geneve của Thuỵ Sỹ, Mỹ và Nga đã tiến hành cuộc đối thoại mới về an ninh.

 

Tại thành phố Geneve của Thuỵ Sỹ, Mỹ và Nga đã tiến hành cuộc đối thoại mới về an ninh. Sau hơn 7 giờ trao đổi, hai bên đều đánh giá cuộc đối thoại là tích cực và xây dựng, tỏ ra không bi quan nhưng cũng không lạc quan về triển vọng diễn biến tiếp theo của cuộc đối thoại này. Họ cũng không thoả thuận về thời điểm cụ thể cho lần đối thoại tới.

Kết cục như thế không gây bất ngờ gì bởi đã được dự báo trước. Hai bên chủ trương chỉ đối thoại chứ không đàm phán cho dù phía Nga muốn phía Mỹ chấp nhận đàm phán với Nga về dự thảo hiệp ước an ninh song phương mà Nga đã đưa ra cho Mỹ. Phía Mỹ không những chỉ không chấp nhận nội dung dự thảo của Nga mà còn chỉ muốn đối thoại với Nga về việc Nga triển khai lực lượng lớn quân đội ở vùng biên giới với Ukraine. Mục đích của Mỹ không phải là hướng tới thoả thuận mới với Nga về an ninh cho Nga và cho châu Âu mà chỉ là ngăn cản Nga không tiến hành tấn công quân sự vào Ukraine. Mục tiêu khác nhau cơ bản đến như thế nên cuộc đối thoại này chỉ là dịp hai bên trình bày quan điểm về những vấn đề quan tâm, nhắc lại những cáo buộc và phê trách lẫn nhau, cảnh báo và răn đe lẫn nhau. Cũng chính vì thế mà kết quả tích cực nhất của lần đối thoại này giữa Mỹ và Nga về an ninh là hai bên nhanh chóng thu xếp gặp gỡ và đối thoại với nhau. Họ đã nhanh chóng gặp nhau và tiến hành đối thoại như thế thì sẽ duy trì tiến trình đối thoại này để có thêm thời gian bên này thuyết phục bên kia đáp ứng yêu cầu hoặc mưu tính bước đi tới. Hơn nữa, Mỹ và Nga chưa thoả thuận về thời điểm tiếp tục đối thoại về an ninh bởi chỉ sau đó 2 ngày, vào ngày 12/1, Nga và NATO nhóm họp trở lại trong khuôn khổ Hội đồng Nga - NATO. Cả cuộc họp này cũng danh nghĩa nhiều hơn thực chất bởi cách tiếp cận và mục đích của hai bên rất khác nhau. Nga muốn NATO đàm phán với Nga về dự thảo hiệp ước về an ninh mà Nga đã đưa ra cho NATO trong khi NATO lại chỉ muốn trao đổi với Nga về chuyện Ukraine. Trên phương diện này, NATO và Mỹ hiện theo đuổi cùng mục tiêu. Sau cùng lại còn có một phiên họp bất thường của Tổ chức Hợp tác và an ninh ở châu Âu (OSCE) mà trên chương trình nghị sự cũng có vấn đề Ukraine. Phải sau tất cả những sự kiện này thì mới có thể biết liệu Mỹ và Nga có sớm nối lại đàm phán về an ninh với nhau và khi nào thì cuộc đàm phán lại có thể được tiếp tục.

Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman và người đồng cấp Nga Sergei Rybakov. (Ảnh: REUTERS)Trong thực chất, chỉ riêng việc Mỹ và NATO phải chấp nhận đối thoại với Nga về an ninh trong bối cảnh tình hình chính trị an ninh hiện tại ở châu Âu và trong tình trạng căng thẳng và bất hoà gia tăng giữa Nga với Mỹ và NATO nói chung, liên quan đến Ukraine nói riêng đã là thắng lợi có ý nghĩa chính trị và tâm lý rất quan trọng đối với Nga nói chung và đối với tổng thống Nga Vladimir Putin nói riêng. Ông Putin đã buộc Mỹ và NATO phải chấp nhận chơi với Nga cuộc chơi mới về chính trị an ninh cho châu Âu ở châu Âu, xuất xứ từ Ukraine nhưng nhằm tới NATO, từ chuyện an ninh cho Ukraine nhưng nhằm tới việc NATO thu nạp những nước cộng hoà thuộc Liên Xô trước đây vào liên minh quân sự. Ông Putin đề cập việc Mỹ và NATO phải có cam kết đảm bảo an ninh cho Nga và thậm chí còn cụ thể hoá cam kết đó thành một số điều kiện tiên quyết. Tất cả những điều này ảnh hưởng trực tiếp tới tương lai của NATO và vai trò của Mỹ trong NATO cũng như ở châu Âu.

Cả Mỹ lẫn Nga đều không thất vọng về kết cục của lần đối thoại song phương vừa rồi về an ninh bởi cả hai đều biết hiện tại không thể cùng nhau đạt được nhiều hơn thế. Nhưng đối thoại là cơ hội và phương cách hai bên kiềm chế lẫn nhau để không bên nào manh động trong khi vẫn còn đối thoại với nhau./.

Hoàng Lan

 

Bình luận

    Chưa có bình luận