NATO không muốn đứng ngoài khi Mỹ và Nga đàm phán về Ukraine

Cuộc đàm phán về an ninh giữa các quan chức Nga và Mỹ đã diễn ra tại Geneva, Thụy Sĩ ngày 10/1.

 

Trước đó, phía châu Âu từng bày tỏ lo ngại Mỹ và Nga có thể đạt những thỏa thuận mà không tính tới lợi ích cũng như các mối quan tâm của châu Âu.

Lo ngại của châu Âu

Lo ngại đầu tiên của các nước châu Âu là việc bị gạt ra lề cuộc đàm phán Mỹ-Nga tại Geneva, Thụy Sỹ. Trước khi cuộc đàm phán Mỹ-Nga diễn ra, châu Âu đã ráo riết thực hiện các nỗ lực ngoại giao con thoi đối với cả Mỹ và Nga để yêu cầu được tham gia vào cuộc đàm phán tại Geneva nhưng không thành công.

Giữa tháng 12/2021, Cao ủy phụ trách chính sách đối ngoại và an ninh của Liên minh châu Âu, ông Josep Borrell đã lên tiếng yêu cầu châu Âu phải được góp mặt. Tuần trước, ngày 6/1, hai cố vấn ngoại giao hàng đầu của Pháp và Đức là Emmanuel Bonne và Jens Plotner cũng đã đến Moscow để gửi thông điệp từ hai nước Pháp-Đức rằng bất cứ thỏa thuận nào liên quan đến an ninh châu Âu đều phải có tiếng nói của chính châu Âu.

Mới nhất, khi gặp nhau tại Paris ngày 7/1 vừa qua, cả Chủ tịch Ủy ban châu Âu, bà Ursula von der Leyen và Tổng thống Pháp, Emmanuel Macron đều khẳng định, châu Âu phải có quyền quyết định trong các vấn đề liên quan đến cấu trúc an ninh tại châu Âu.

Dù vậy, đáp trả các yêu cầu từ phía châu Âu, Thứ trưởng Ngoại giao Nga, Sergei Ryabkov từng nhiều lần tuyên bố Nga sẽ “chỉ đàm phán với những người thực sự có khả năng tác động đến tình hình”, tức là Mỹ.

Phía châu Âu cho rằng đây là một chiến thuật gây chia rẽ của Nga và bước đầu Nga đã thành công, khi Mỹ chấp nhận tiến hành đàm phán song phương trước với Nga theo yêu cầu của Nga mà không có sự góp mặt của châu Âu.

Nhìn vào bức tranh rộng lớn hơn, châu Âu cho rằng Nga đã áp đặt được nghị trình của mình lên phía Mỹ kể từ khi ông Joe Biden lên làm Tổng thống Mỹ. Cụ thể, sau động thái Nga tập trung quân về biên giới Ukraine hồi tháng 3-4/2021, Mỹ đã chấp nhận tổ chức Thượng đỉnh giữa Tổng thống Joe Biden và Tổng thống Vladimir Putin tại Geneva vào tháng 6/2021.

Châu Âu cho rằng Nga đã nắm bắt được ý muốn rõ ràng từ phía Mỹ là duy trì một sự ổn định chiến lược với Nga để tập trung lực lượng đối đầu, cạnh tranh với Trung Quốc nên đã sử dụng chiến lược leo thang căng thẳng để buộc Mỹ nhượng bộ.

Do đó, điều mà châu Âu lo ngại nhất là khi Mỹ-Nga đàm phán riêng, Mỹ có thể sẽ đưa ra một số nhượng bộ với Nga trong việc cam kết không kết nạp thêm thành viên NATO ở phía Đông hay hạn chế việc triển khai khí tài quân sự tại các nước NATO ở Trung và Đông Âu.

Khi đó, lo ngại lớn hơn của châu Âu, đặc biệt là các nước như Ba Lan, CH Séc, Romania hay các nước Baltic, đó là việc Mỹ có thể đồng ý một phần việc trả lại nguyên trạng cấu trúc an ninh châu Âu như trước năm 1997, theo yêu cầu của Nga, còn việc có kết nạp Ukraine làm thành viên NATO hay không lúc này chỉ là thứ yếu.

Cuộc họp của Hội đồng Nga – NATO và quan điểm của Mỹ

Mỹ là quốc gia dẫn đầu NATO và là trụ cột an ninh sống còn cho đa số các nước châu Âu, đặc biệt các nước ở Đông và Trung Âu, những nước vốn luôn coi Nga là mối đe dọa an ninh lớn nhất. Do đó, bất cứ thay đổi nào trong cách tiếp cận của Mỹ đối với Nga cũng sẽ có tác động rất lớn đến các nước này. Cho đến thời điểm này, thông qua tuyên bố của các lãnh đạo Mỹ và NATO, có thể thấy đang có sự đoàn kết tương đối lớn trong các nước phương Tây và chính quyền Mỹ cũng thể hiện một sự cứng rắn nhất định trước các đòi hỏi an ninh từ Nga.

Giới phân tích tại châu Âu cho rằng, cuộc đàm phán trong 2 ngày tại Geneva sẽ khó có các đột phá và đây chỉ là nơi mà Mỹ-Nga công bố một cách chính thức các đòi hỏi, các lằn ranh đỏ của mình. Sau cuộc khủng hoảng tại Afghanistan vào tháng 8/2021, chính quyền Mỹ cũng đang cố gắng phối hợp và tham vấn với châu Âu để tránh việc đẩy châu Âu vào tình thế “việc đã rồi” như tại Afghanistan.

Chưa rõ Mỹ có thể cứng rắn đến đâu trước các đòi hỏi từ Nga nhưng đa số các ý kiến nhận định hiện nay cho rằng, Mỹ có thể chấp nhận một số nhượng bộ nhỏ với Nga, như thảo luận việc hạn chế triển khai thêm các khí tài quân sự NATO tại các nước thành viên gần biên giới Nga, kiềm chế các hoạt động tập trận ở Đông Âu và Biển Đen hoặc thậm chí có thể xem lại một phần quyết định rút khỏi Hiệp ước các lực lượng tên lửa chiến lược tầm trung – INF mà cựu Tổng thống Mỹ, Donald Trump đưa ra cách đây vài năm.

Tuy nhiên, việc đưa ra cam kết pháp lý với Nga rằng sẽ chấm dứt mở rộng NATO hay trả lại nguyên trạng như trước năm 1997 là điều mà Mỹ và NATO gần như không thể chấp nhận vào thời điểm này. Điều này chắc chắn cũng sẽ được các thành viên NATO ở Đông và Trung Âu thể hiện mạnh mẽ trong cuộc họp Hội đồng Nga-NATO vào ngày 12/1.

Cao ủy về đối ngoại và an ninh của EU Josep Borrell thăm biên giới Ukraine. Ảnh: EPA

Khả năng thu hẹp bất đồng trong vấn đề Ukraine

Vào thời điểm này, chưa thể biết chắc các cuộc đàm phán căng thẳng giữa Nga và phương Tây sẽ đưa đến kết quả nào, bởi cả 2 bên đều giữ quan điểm rất cứng rắn trước khi bước vào đàm phán.

Phía Nga tuyên bố “sẽ không có bất cứ nhân nhượng nào” và khẳng định các đòi hỏi an ninh từ phía Nga phải được xử lý cả gói, chứ không thể tách rời một số vấn đề nhỏ. Trong khi đó, Mỹ và các nước châu Âu đều chỉ trích các yêu cầu của Nga là “không thể chấp nhận được” và NATO không cho phép khối này có các thành viên “hạng 2”, tức là các quốc gia thành viên mà ở đó, NATO không được quyền triển khai lực lượng và khí tài quân sự để trợ giúp.

Trong ngày đàm phán đầu tiên ở Geneva giữa hai phái đoàn Mỹ và Nga, cả hai bên cũng cho biết chưa có bất cứ tiến triển nào, dù đàm phán diễn ra nghiêm túc và chuyên nghiệp. Sự tham gia của các nước thành viên NATO tại cuộc họp Hội đồng Nga-NATO ngày 12/1 và của một số nước châu Âu khác không phải là thành viên NATO nhưng cũng đang có các quan ngại về an ninh như Phần Lan, Thụy Điển… tại cuộc họp của Tổ chức an ninh và hợp tác châu Âu – OSCE vào ngày 13/1 cũng sẽ khó có thể tạo ra các bước ngoặt lớn bởi khi đó sẽ có quá nhiều quan điểm từ quá nhiều thành phần tham dự. Các cuộc họp này chỉ có tác dụng giúp các bên khai thác tất cả các giải pháp ngoại giao và chính trị có thể sử dụng.

Nga và các nước phương Tây có thể đạt được một số thỏa hiệp nhỏ trong một số vấn đề, đặc biệt là việc kiềm chế các động thái triển khai vũ khí, tập trận nhưng các vấn đề lớn như Ukraine sẽ không dễ dàng.

Các nhà phân tích châu Âu hiện nay đều cho rằng, trên thực tế một số thành viên NATO, đặc biệt là Pháp và Đức, không “mặn mà” gì với việc kết nạp Ukraine vào NATO và vẫn luôn tìm cách cản trở nhiều năm qua, nhưng yêu cầu NATO cam kết điều đó bằng văn bản pháp lý là điều khó có thể tưởng tượng. Giải pháp khả dĩ nhất là hai bên chấp nhận các cam kết của nhau về việc không sớm kết nạp thành viên mới ở Đông Âu.

Dù vậy, câu hỏi đặt ra là liệu các bên, đặc biệt là Nga, có chấp nhận một giải pháp không rõ ràng như vậy hay không? Thực tế, đa số học giả phương Tây đến nay vẫn tương đối mơ hồ, hoàn toàn không nắm chắc được ý định thật sự của Tổng thống Nga Vladimir Putin là gì, vẫn đang tranh cãi liệu Nga có thực sự muốn đàm phán hay không, hay các cuộc đàm phán khó khăn này chỉ là bước dạo đầu để hợp thức hóa việc leo thang quân sự tiếp theo./.

Quang Dũng/VOV-Paris
 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận