Năm đầu sau Brexit

Việc nước Anh ra khỏi EU (Brexit) là dấu mốc lịch sử đối với cả EU lẫn nước Anh.

 

Năm 2021 là năm đầu tiên nước Anh ở bên ngoài EU sau rất nhiều năm là thành viên của EU. Việc nước Anh ra khỏi EU (Brexit) là dấu mốc lịch sử đối với cả EU lẫn nước Anh. Brexit là kết quả của sự phân rẽ sâu sắc về chính trị cũng như xã hội trong mối quan hệ giữa nước Anh và châu Âu lục địa. Ở nước Anh, phe ủng hộ Brexit kỳ vọng về tương lai tươi sáng hơn cho nước Anh và nước Anh được lợi nhiều hơn sau khi ly khai EU. Phe phản đối Brexit lo ngại về thua thiệt và bất lợi khiến cho nước Anh sa sút về mọi phương diện ở châu Âu và trên thế giới. Vì thế, đánh giá về nước Anh một năm sau Brexit như thế nào tuỳ thuộc vào giác độ nhìn nhận và cách tiếp cận của các bên liên quan.

Điều không thể bỏ qua được trước hết là chuyện Brexit chưa được xử lý xong xuôi hoàn toàn giữa chính phủ Anh và EU. Những thoả thuận tạm thời giữa hai bên dần hết thời hạn hiệu lực buộc hai bên phải đàm phán lại và hướng tới giải pháp lâu bền cuối cùng - như vấn đề thông thương hàng hoá và hải quan cho Bắc Ireland, vấn đề đánh bắt hải sản giữa Anh và Pháp, vấn đề quy chế pháp lý cho công dân các nước thành viên EU đã cư trú nhiều năm ở Anh,... Giữa Anh và EU cũng chưa hoàn tất thoả thuận về hiệp định thương mại song phương mới. Brexit trên một số phương diện nhất định vẫn còn là công trường xây dựng ngổn ngang giữa Anh và EU. Hai thủ tướng Anh đã phải thoái vị vì Brexit và bộ trưởng ngoại giao Anh Liz Truss hiện là đại diện thứ 7 của phía Anh tiến hành đàm phán với EU về Brexit. Hai bên sẽ còn cần thêm nhiều thời gian nữa chứ không chỉ có năm 2022 sắp tới để giải quyết ổn thoả những vấn đề hiện dang dở về Brexit.

Sau một năm Brexit, cả kịch bản tốt đẹp nhất lẫn kịch bản tồi tệ nhất đối với nước Anh về tác động và hệ luỵ của Brexit đều không xảy ra. Dịch bệnh với những hậu quả tai hại của nó làm cho chuyện Brexit giảm bớt mức độ thời sự và làm khó phân định rõ ràng tác động và hệ lụy tiêu cực của Brexit với dịch bệnh. Brexit giúp cho phe cầm quyền ở Anh điều chỉnh chính sách mà không còn phải lưu ý gì đến quy định chung của EU: chính sách nhập cư được thắt chặt, gia tăng điều kiện cho tỵ nạn, hạn chế quyền biểu tình và tăng thêm quyền hạn cho cảnh sát. Đảng Bảo thủ được lợi rất nhiều từ Brexit.

Nhưng Thủ tướng Anh Boris Johnson và cộng sự trong chính phủ chưa thực hiện được những cam kết khi thúc đẩy Brexit bằng mọi giá. Nước Anh hiện thiếu lao động trầm trọng, chuỗi cung ứng bị gián đoạn và giá năng lượng tăng vọt. Người dân trên đảo quốc cảm nhận trực tiếp những tác động tiêu cực này khi hàng hoá không được cung ứng đầy đủ và giá tiêu dùng tăng. Giới kinh tế cũng thấm đòn khi chi phí cho thủ tục hải quan và thời gian chờ đợi đều tăng và chuỗi cung ứng bị gián đoạn. Trong năm đầu tiên này sau Brexit, kinh tế của nước Anh bị tổn hại nhiều hơn là được lợi từ Brexit. Chính phủ Anh rất nỗ lực tìm kiếm đối tác thương mại và khai phá thị trường mới nhưng mới chỉ đạt được kết quả rất hạn chế, hiện hoàn toàn chưa thể đủ để thay thế cho EU trên phương diện này. Kết quả thăm dò dư luận mới đây nhất ở Anh cho thấy có đến 60% dân Anh cho rằng chính phủ xử lý chuyện Brexit chưa tốt và 42% số người đã ủng hộ Brexit bây giờ thất vọng về Brexit.

Thật ra, thời gian 1 năm là quá ngắn để có thể đánh giá thật sự chuẩn xác về hệ lụy của Brexit và triển vọng tương lai của nước Anh sau Brexit. Dịch bệnh tồn tại và tác động dai dẳng làm cho việc xử lý Brexit thêm phức tạp và kéo dài cũng như mức độ tiêu cực trong tác động của nó gia tăng. Điều hiện có thể chắc chắn được là chính giới và người dân từng ủng hộ Brexit ở Anh giờ không còn ảo tưởng gì nữa về Brexit và những ai từng phản đối Brexit giờ buộc phải chấp nhận thực tại./.

Hoàng Lan

 

Bình luận

    Chưa có bình luận