Chế tài trừng phạt mạnh chưa từng có của Mỹ khó tạo ra 'cú sốc lớn' với Nga

Các biện pháp trừng phạt và hành động đáp trả trừng phạt được coi là tiêu chuẩn mới trong 'cuộc chiến tranh Lạnh' đang leo thang giữa Nga và Mỹ.

 

Trong lúc Ukraine đang chuẩn bị đối phó với khả năng xảy ra một cuộc xung đột ở biên giới với Nga, Mỹ và phương Tây cũng vội vã lên kế hoạch áp đặt vòng trừng phạt mới nhằm vào Moscow.

Biện pháp trừng phạt mạnh chưa từng có

Một số nguồn tin cho biết, chính quyền Tổng thống Joe Biden đang cân nhắc các biện pháp chưa từng có nhằm gây sức ép với Nga về vấn đề Ukraine, trong đó có việc ngăn Moscow tiếp cận Hiệp hội Viễn thông liên ngân hàng và tài chính quốc tế (SWIFT) - vốn được các ngân hàng và tổ chức tài chính sử dụng để thực hiện giao dịch chuyển tiền nhanh trên toàn thế giới.

Đồng tiền rúp của Nga. Ảnh: AFP.

Trước đó, Tổng thống Ukraine đã kêu gọi Mỹ áp đặt “các biện pháp trừng phạt phủ đầu” đối với Nga, còn một số quan chức Mỹ tuyên bố “biện pháp trừng phạt mới sẽ cực kỳ quan trọng, khiến Nga và các doanh nghiệp của nước này bị cô lập”.

Việc phương Tây đe dọa loại Nga khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT không phải là mới. Cảnh báo này từng được đưa ra lần đầu tiên vào 2015 và sau thời điểm đó, Nga đã thông qua một giải pháp thay thế mang tên Hệ thống chuyển thông điệp tài chính (SPFS) như một biện pháp dự phòng. Dẫu vậy, Nga vẫn phụ thuộc vào SWIFT để liên kết chặt chẽ với các tổ chức tài chính trên toàn cầu bởi hệ thống này kết nối hơn 11.000 ngân hàng tại hơn 200 quốc gia và có gần 32 triệu giao dịch mỗi ngày.

Vào năm 2019, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev tuyên bố rằng, Moscow sẽ coi việc ngăn Nga tiếp cận SWIFT là một hành động chiến tranh. Kể từ đó, Nga dường như đã có thực hiện bước đi nhằm giảm thiểu ảnh hưởng từ mối đe dọa đó và giờ đây nhiều quan chức tại Moscow đang công khai nói về sự cần thiết phải tách rời việc sử dụng các hệ thống thanh toán quốc tế do phương Tây kiểm soát.

Không chỉ riêng Nga, đồng minh của nước này là Belarus được cho là đang chuẩn bị chống lại lệnh trừng phạt cứng rắn hơn của phương Tây bằng cách sử dụng hệ thống SPFS.

Vào năm 2020, khoảng 20% tổng số giao dịch chuyển khoản của các ngân hàng Nga được thực hiện qua SPFS. SPFS thu hút hơn 400 người sử dụng trên toàn nước Nga. Đến cuối năm 2020, hệ thống đã có sự tham gia của 23 ngân hàng nước ngoài từ Armenia, Belarus, Đức, Kazakhstan, Kyrgyzstan và Thụy Sĩ. Nhưng so với SWIFT, quy mô của hệ thống vẫn khá khiêm tốn.

Cú sốc với nền kinh tế Nga

Chính vì vậy, trong trường hợp Nga bị ngắt kết nối với SWIFT, nền kinh tế nước này sẽ phải chịu hậu quả vô cùng nghiêm trọng. Thứ nhất, tất cả các giao dịch quốc tế của Nga sẽ bị chấm dứt một khi các ngân hàng Nga bị cấm tiếp cận SWIFT. Moscow sẽ không thể chi trả cho hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài hay nhận các khoản thanh toán khi xuất khẩu hàng hóa.

Nếu kịch bản trên xảy ra, các nhà xuất khẩu lớn của Nga, trong mọi lĩnh vực từ năng lượng, nông nghiệp hoặc quân sự, sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất. Lệnh cấm tiếp cận SWIFT sẽ cô lập các ngân hàng Nga trên thị trường châu Âu và gây khó khăn cho việc thanh toán hợp đồng mua bán khí đốt giữa Nga với các nước châu Âu.

Một câu hỏi khác đặt ra là liệu Nga có thể tiếp tục giao dịch thương mại với Trung Quốc hay không khi mà các ngân hàng Trung Quốc không mặn mà với SPFS. Về lý thuyết, Nga có thể tham gia Hệ thống thanh toán liên ngân hàng xuyên biên giới (CIPS) của Trung Quốc - một phiên bản khác của SWIFT được thành lập tại Trung Quốc vào năm 2015.

Sau cuộc gặp thượng đỉnh trực tuyến giữa Tổng thống Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 15/12, Điện Kremlin thông báo hai bên có kế hoạch phát triển các thể chế tài chính chung để củng cố sự hợp tác kinh tế theo cách tách rời ảnh hưởng của các nhân tố nước ngoài.

Ông Artyom Lukin, chuyên gia tại Trường Đại học Liên bang Viễn Đông (Nga) nhận định, kế hoạch xây dựng mạng lưới tài chính Nga-Trung có thể là nhằm đối phó với các biện pháp trừng phạt của Mỹ và EU. Trên thực tế trong vài năm qua, hai nước đã từng bước thiết lập một cơ chế song phương, tách biệt với hệ thống tài chính do Mỹ chi phối.

Một khi Nga bị loại khỏi SWIFT, chắc chắn sẽ xuất hiện các tổ chức trung gian để giúp nước này vượt qua những hạn chế tài chính, nhưng việc ngắt kết nối với hệ thống ngân hàng toàn cầu chắc chắn sẽ gây ra cú sốc lớn đối với lĩnh vực tài chính của Nga.

Song điều này không có nghĩa là Moscow sẽ phải đối mặt với cơn ác mộng về tài chính, dù rằng các công dân Nga có thể phải học cách chi tiêu mà không dùng thẻ Visa và Mastercard. Chưa kể, Điện Kremlin có thể mở rộng SPFS để các quốc gia có ý định tiếp tục nhập khẩu dầu và khí đốt tự nhiên của Nga tham gia.

Nghị viện EU đã thông qua khuyến nghị loại trừ Nga ra khỏi hệ thống thanh toán quốc tế và Mỹ cũng được cho là có thể gây sức ép buộc các đối tác châu Âu cắt đứt quan hệ tài chính với Moscow. Song những bước đi này nhiều khả năng sẽ phản tác dụng.

Với tầm quan trọng của Nga trong nền kinh tế toàn cầu, những lệnh trừng phạt như vậy chắc chắn sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến các doanh nghiệp đa quốc gia, các thị trường chứng khoán và các nền kinh tế, đặc biệt là ở châu Âu. Hơn nữa, nhiều nước sẽ buộc phải sử dụng những hệ thống cạnh tranh với SWIFT, có thể là SPFS hoặc CIPS, để tiếp tục giao dịch với Nga./.

Theo VOV.VN

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận