Chuyện lớn trên châu lục

Những ngày vừa qua, nóng bỏng nhất trên chính trường châu lục là chuyện quan hệ giữa Nga với Ukraine, EU, NATO và phương Tây.

 

Ở châu Âu, trong những ngày vừa qua dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus corona gây ra vẫn hoành hành, biến chủng Delta chưa bị khống chế và biến chủng Omicron đã xâm nhập. Nhưng nóng bỏng nhất trên chính trường châu lục là chuyện quan hệ giữa Nga với Ukraine, EU, NATO và phương Tây.

Chuyện này vốn đã nổi cộm từ sau chính biến ở Ukraine và Nga tiếp nhận Crimea hồi năm 2014, nhưng chưa khi nào từ đó đến nay lại leo thang căng thẳng và đối địch đến mức độ hiện tại. Cũng chưa khi nào trong suốt thời gian ấy, phía bên kia nhấn mạnh khả năng Nga tấn công quân sự vào Ukraine như trong những ngày vừa qua. Lý do là Nga triển khai quân đội ở vùng dọc biên giới với Ukraine. Thật ra, vừa rồi đâu có phải lần đầu tiên kể từ năm 2014, phía Nga triển khai và tập trung quân đội như thế ở vùng dọc tuyến biên giới với Ukraine hay tập trận ở khu vực biên ải này.

Lo ngại của Ukraine, Mỹ, EU, NATO và các nước khác thuộc khối phương Tây về kịch bản Nga tấn công quân sự vào Ukraine vừa có phần thật vừa bị chủ ý thổi phồng. Họ lo ngại thật bởi ba nguyên do. Thứ nhất, phe này đã cô lập Nga về chính trị và trừng phạt Nga về kinh tế, thương mại và tài chính đến mức hai bên hiện tại không còn kênh liên lạc trực tiếp hay kênh tiếp xúc và đối thoại thường xuyên hoặc định kỳ nữa. Họ gần như không còn cơ chế nào để kiềm chế Nga về chính trị và ngoại giao giúp họ ngăn cản Nga đơn phương hành động về chính trị an ninh trên châu lục. Nga đã trở nên không thể lường trước được đối với họ, tức là họ không thể loại trừ được khả năng Nga muốn làm gì thì làm về chính trị an ninh trên châu lục.

Quân đội Nga được cho là đã triển khai hơn 100.000 binh lính và nhiều khí tài quân sự hạng nặng tới gần biên giới Ukraine. (Ảnh BBC)

Thứ hai, phe này hiện không có đủ năng lực về quân sự để ngăn cản Nga tấn công quân sự vào Ukraine hay đối phó Nga sau khi Nga tấn công quân sự vào Ukraine. Không có ai ở phía phe này sẽ đưa quân đội đến Ukraine để tham chiến cùng quân đội Ukraine đối phó trực tiếp quân đội Nga mà sẽ chỉ hành động về chính trị và ngoại giao, viện trợ tài chính và quân sự trực tiếp cho Ukraine. Vì thế, phe này phải làm tất cả những gì có thể làm được để ngăn ngừa Nga tấn công quân sự vào Ukraine. Cho nên, họ cảnh báo và răn đe Nga ở mức độ rõ ràng và gay gắt nhất. Họ thậm chí còn thổi phồng khả năng ấy và cáo buộc Nga chuẩn bị hiện thực hoá khả năng ấy.

Thứ ba, phe này còn không thể loại trừ xảy ra biến cố nào đấy ở Ukraine, ở Nga hay ở chính phía họ khiến cho tình hình diễn biến vượt ra ngoài tầm kiểm soát và kiềm chế của tất cả các bên liên quan. Không phải vô cớ và ngẫu nhiên mà các bên liên quan đều đồng thời đưa ra những "lằn ranh đỏ" riêng để nhắc nhở lẫn nhau chớ bước qua.

Nhưng phía này cũng còn chủ ý thổi phồng khả năng xảy ra kịch bản tồi tệ nhất kia bởi chính họ biết rằng tuy có thể nhưng phía Nga chắc chắn sẽ không tiến hành tấn công quân sự vào Ukraine. Nga có thể sử dụng khả năng này làm con bài về chính trị và tâm lý trong chuyện này chứ không thực hiện nó trên thực tế. Lý do ở chỗ hiện tại khác biệt rất cơ bản thời điểm năm 2014 đối với Nga và cả châu lục trên mọi phương diện. Những gì Nga đã có thể làm được hồi năm 2014 bây giờ không dễ khả thi, nếu như không muốn nói bất khả thi đối với Nga. Trong những năm qua, Nga đã phải trả giá đắt về chính trị, kinh tế, thương mại và tài chính đủ mức để phía Nga thấm thía là không thể trả giá đắt thêm nữa. Nga làm cho phía bên kia luôn luôn ở trong tình trạng vừa lo ngại thật sự lại vừa không hẳn tin rằng Nga sẽ tấn công quân sự Ukraine để có được hiệu ứng cộng hưởng trong cả những chuyện khác như NATO kết nạp Ukraine, đưa vào hoạt động tuyến đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2, chuyện phương Tây đối với tình trạng dân chủ, nhân quyền và nhà nước pháp quyền ở Nga,... Châu lục gặp chuyện lớn vì bây giờ đâu có còn thuần tuý chỉ là chuyện riêng giữa Nga và Ukraine mà dây mơ rễ má tới nhiều đối tác khác ở trong cũng như ngoài châu lục và cũng chẳng còn thuần tuý chỉ là chuyện chính trị an ninh của châu lục./.

Hoàng Lan

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận