Thông thường, một người mắc COVID-19 sẽ chỉ nhiễm một biến chủng. Nhưng trong một số trường hợp hiếm gặp, 2 chủng virus có thể cùng lúc tấn công.
Nếu các biến chủng lây nhiễm vào cùng một tế bào, chúng có thể hoán đổi DNA và tạo thành một phiên bản nCoV mới.
Ông Burton cảnh báo sự lây lan chóng mặt của Omicron và Delta ở Anh khiến kịch bản này có nguy cơ trở thành sự thật.
Khi đó, một siêu biến chủng sẽ được tạo ra, nguy hiểm hơn so với các nhân tố tạo nên nó.
Quá trình này được các chuyên gia gọi là “tái tổ hợp”, có thể xảy ra nhưng cần điều kiện cụ thể và sự trùng hợp của những tình huống không thể kiểm soát được.
Tính tới hiện tại, mới chỉ có 3 chủng COVID-19 được tạo ra bởi virus hoán đổi gen đã được ghi nhận. Thay vào đó, virus chủ yếu dựa vào các đột biến ngẫu nhiên để tạo ra nhiều biến thể hơn.
Trong 2 tháng biến chủng Delta lưu hành song song với chủng Alpha, đã không có biến thể mới nào được hình thành.
Theo ông Burton nói rằng việc 2 biến thể lưu hành cùng lúc làm tăng nguy cơ chúng hoán đổi gen và kết hợp để tạo thành một biến thể mới nguy hiểm hơn.
“Trước đây, đã có một số bài báo ở Nam Phi nói rằng những người bị suy giảm hệ miễn dịch có thể chứa cả 2 biến chủng. Điều này cũng có thể xảy ra ở Anh, đặc biệt là với số lượng ca mắc bệnh chúng ta đang chứng kiến”, ông Burton cho hay.
Dù mới chỉ xuất hiện ở Anh gần 3 tuần, Omicron đang lây lan chóng mặt tại đảo quốc sương mù.
Jenny Harries - Giám đốc của Cơ quan An ninh Y tế Anh gọi Omicron là "mối đe dọa đáng kể nhất" kể từ khi bắt đầu đại dịch.
Bà này nói thêm rằng số ca mắc biến chủng Omicron tăng lên gấp đôi cứ sau chưa đầy 2 ngày ở hầu hết khu vực của Anh.
Hiện tại, Anh ghi nhận hơn 10.000 nhiễm Omicron. Đây cũng là quốc gia đầu tiên báo cáo trường hợp thiệt mạng sau khi nhiễm biến chủng mới.
Các chuyên gia dự đoán Omicron sẽ sớm trở thành biến chủng thống trị ở Anh trong thời gian tới./.
Song Hy/VTC News biện dịch
Nguồn: Daily Mail