Có đối thoại, không đột phá

Ở cuộc gặp, ông Biden đã phác hoạ những hệ lụy của việc Nga xâm chiếm Ukraine để ngăn ngừa khả năng Nga hành động như thế thật.

 

Cuộc gặp gỡ trực tuyến giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Nga Vladimir Putin kéo dài hơn hai giờ đồng hồ. Diễn biến và kết cục cũng như cả ý nghĩa và tác động của sự kiện không khác biệt gì nhiều so với cuộc trao đổi tương tự trước đó mấy tuần giữa ông Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Hai bên trao đổi rất thẳng thắn với nhau, trình bày cặn kẽ và rõ ràng nhưng không sa đà vào tranh luận, bên này chỉ rõ lằn ranh đỏ cho bên kia thấy, một vài thỏa thuận nhỏ cũng đã đạt được và hai bên để ngỏ khả năng sẽ lại đối thoại với nhau trong thời gian tới.

Chỉ như thế không thôi thì chưa thể đủ để mở ra khả năng đạt được sự khai thông đột phá nào đấy trong quan hệ song phương giúp hai bên khắc phục được nếu không tất cả thì cũng một vài bất đồng quan điểm và xung khắc lợi ích. Nhưng mặt khác cũng lại phải thấy là trong bối cảnh quan hệ song phương xấu đi nghiêm trọng như giữa Mỹ và Nga ở thời gian vừa qua thì chỉ riêng việc hai vị tổng thống kia điện đàm với nhau, gặp gỡ trực tiếp hay trực tuyến với nhau vẫn có được ý nghĩa và tác động rất tích cực và to lớn đối với mối quan hệ song phương này. Giống như giữa Mỹ với Trung Quốc, Mỹ và Nga cho thấy dù quan hệ song phương có tồi tệ như thế nào, xung khắc và đối địch đến đâu thì hai bên vẫn có thể đối thoại với nhau.

Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) và Tổng thống Nga Vladimir Putin. (Ảnh: AFP.)

Vấn đề Ukraine được coi là nguyên cớ dẫn dắt đến cuộc gặp gỡ trực tuyến này giữa ông Biden và ông Putin. Kể từ khi ông Biden lên cầm quyền ở Mỹ cho tới trước cuộc gặp gỡ trực tuyến vừa qua của họ, hai người này đã có 4 lần điện đàm, gặp trực tiếp và trực tuyến với nhau. Vấn đề Ukraine và dự án xây dựng tuyến đường ống dẫn khí đốt từ Nga trực tiếp sang khu vực Tây Âu Nord Stream 2 hiện là hai trở ngại lớn nhất trong quan hệ giữa Mỹ và Nga. Ông Biden không thân thiện với Nga như người tiền nhiệm (là ông Donald Trump) nên mối quan hệ song phương giữa Mỹ và Nga hiện bị nhìn nhận chung ở trong tình trạng tồi tệ như chưa từng thấy kể từ sau khi kết thúc chiến tranh lạnh. Trước cuộc gặp này, phía Mỹ cáo buộc Nga đã lập kế hoạch xâm chiếm Ukraine, tức là tấn công quân sự Ukraine.

Ở cuộc gặp, ông Biden đã phác hoạ những hệ lụy của việc Nga xâm chiếm Ukraine để ngăn ngừa khả năng Nga hành động như thế thật. Cả Mỹ, EU và NATO đều tìm mọi cách để giờ không lặp lại những gì đã xảy ra hồi năm 2014 với bán đảo Crimea. Hồi ấy, họ đã bị bất ngờ bởi hành động của Nga trên thực địa và sự việc ấy ám ảnh cho đến nay mọi đánh giá của họ về Nga cũng như mọi hoạch định chính sách của họ đối với Nga. Ông Putin nêu yêu cầu NATO không được kết nạp Ukraine và phải cam kết việc này bằng văn bản. Ông Putin còn đòi NATO không được triển khai cơ sở hạ tầng quân sự của NATO ở Ukraine và tập trung quân đội, vũ khí ở vùng giáp biên giới với Nga. Hai người này đối thoại với nhau mà như thể chơi bài ngửa với nhau. Đương nhiên là ông Biden bác bỏ mọi yêu cầu của ông Putin và ông Putin biết trước điều ấy. Đương nhiên là ông Putin trù liệu được những biện pháp chính sách mà Mỹ còn có thể áp dụng với Nga và ông Biden cũng biết trước điều ấy.

Họ ngầm hiểu với nhau rằng nếu không có bên nào đi quá lằn ranh đỏ thì kịch bản tồi tệ nhất đối với cả hai bên sẽ không xảy ra. Cho nên sẽ không có chuyện Nga tấn công quân sự Ukraine nếu NATO không thu nạp Ukraine vào liên minh. Cho nên Nga sẽ còn nhiều lần điều binh khiển tướng đến sát biên giơi với Ukraine và Mỹ còn tiếp tục tăng cường vũ trang cho Ukraine. Cho nên NATO chưa thể và chưa dám kết nạp Ukraine.

Sự kiện lớn không đưa lại kết quả lớn và chưa xoay chuyển được chiều hướng diễn biến của mối quan hệ giữa Mỹ và Nga. Nhưng nó vẫn có được tác động tích cực đối với mối quan hệ này và cho cả châu Âu./.

Hoàng Lan

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận