Với số tiền 300 tỷ Euro thực hiện trong thời gian 6 năm, EU có chủ trương đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng ở các nước đang phát triển và các nền kinh tế mới nổi. Theo những gì đã được Ủy ban châu Âu công bố thì trọng tâm của các dự án phát triển cơ sở hạ tầng này là năng lượng thân thiện với môi trường, chuyển đổi số, sử dụng công nghệ cao và mạng lưới cơ sở hạ tầng cho giao thông vận tải.
Đối với EU thì đây là ý tưởng chiến lược mới nhưng đối với thế giới thì bản chất ý tưởng này không hề mới bởi đã được đối tác khác đề cập và triển khai thực hiện. Trung Quốc thực hiện nó với sáng kiến lớn có tên gọi là “Vành đai con đường”. EU đã coi nó chỉ là một trong nhiều nội dung của kế hoạch lớn về kết nối châu Âu với châu Á. Bốn nước Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản và Australia - còn được gọi là Bộ Tứ kim cương - đã đề cập và có những bước triển khai ban đầu trong chiến lược chung của họ cho khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Cách tiếp cận của EU và tất cả những nước nói trên với ý tưởng này cơ bản giống nhau. Nhu cầu ở các nước đang phát triển và các nền kinh tế mới nổi rất lớn nhưng các nước và các nền kinh tế này lại thường không có đủ vốn đầu tư để đáp ứng nhu cầu ấy. Vì thế, họ rất hoan nghênh và coi trọng những mời chào đầu tư của bên ngoài. Đương nhiên, cái gì cũng đều có giá của nó, rẻ thì họ bị ảnh hưởng và tác động tới chính sách quốc gia, đắt thì bị lệ thuộc và dẫn dắt. Cho nên, đối tác bên ngoài nào thành công với việc thực hiện những chương trình, kế hoạch đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng ở các nước đang phát triển và các nền kinh tế mới nổi sẽ gây dựng và tăng cường được ảnh hưởng trực tiếp tới các nước đang phát triển và các nền kinh tế mới nổi.
EU cũng theo đuổi mục đích gây dựng và tăng cường ảnh hưởng nói trên ở thế giới bên ngoài. Ý tưởng chiến lược mới này được EU nhằm tới diện đối tượng rộng lớn hơn Trung Quốc và Bộ Tứ kim cương. Mục tiêu của EU còn là kết nối các nền kinh tế ở mọi nơi trên thế giới với EU, không hình thành nên được thị trường chung thì cũng có được mạng lưới các thị trường liên kết với nhau, giúp EU có được những nguồn cung ứng nguyên vật liệu mới và sự đa dạng này giúp EU giảm đáng kể mức độ lệ thuộc vào một vài đối tác nhất định lâu nay.
Các nước đang phát triển và các nền kinh tế mới nổi có thêm đối tác hợp tác đầu tư mới cho mục tiêu phát triển các dự án cơ sở hạ tầng, nhưng cũng trực diện với không ít khó xử mới trong quyết định lựa chọn đối tác hợp tác. Tuỳ thuộc vào bản chất và mức độ quan hệ hợp tác song phương cũng như đa phương của họ với EU, Trung Quốc và bốn nước đang muốn trở thành trụ cột chính của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương mà họ sẽ phải quyết định lựa chọn đối tác sao cho có lợi nhất. Họ được các bên kia hết sức tranh thủ nhưng đồng thời cũng bị o ép và gây áp lực.
EU có những khó khăn và thuận lợi riêng trong việc triển khai thực hiện ý tưởng chiến lược mới này. Tiềm lực thực tế và uy tín quốc tế của liên minh giúp EU dễ dàng được các nước đang phát triển và các nền kinh tế mới nổi tin tưởng hơn những đối tác khác kia. EU lại có bề dày nổi trội hơn hẳn về kinh nghiệm thực tiễn hợp tác và liên kết khu vực, châu lục cũng như quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư và hợp tác phát triển với thế giới bên ngoài. Nhưng EU bao gồm 27 thành viên và không phải luôn luôn có được sự đồng tâm hiệp lực cần thiết trong nội bộ để thực thi thành công mọi ý tưởng chiến lược được đưa ra. Hơn nữa, EU thường áp đặt những điều kiện chính trị nhất định mà không phải tất cả các nước đang phát triển và các nền kinh tế mới nổi sẵn sàng chấp nhận để đánh đổi lấy dự án hợp tác đầu tư với EU./.
Hoàng Lan