Nhiều thiện chí, ít tiến triển

Hai bên hiện chưa chặn được đà sa sút của quan hệ hợp tác song phương nhưng xem ra vẫn kiểm soát được diễn biến tình hình...

 

Điều gây bất ngờ ở cuộc gặp trực tuyến giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 16/11 vừa qua không phải ở kết quả mà ở diễn biến cuộc gặp. Việc sự kiện được cả thế giới quan tâm để ý này không đưa lại kết quả có thể làm chuyển đổi cơ bản thực trạng hiện tại trong mối quan hệ giữa hai bên là điều đã được dự báo trước. Gần như tất cả mọi bất hòa và xung khắc giữa Mỹ và Trung Quốc dai dẳng trong thời gian qua đều mang tính nguyên tắc cơ bản mà để có thể được khắc phục thì hai bên đều vẫn thiếu cả thiên thời lẫn địa lợi và nhân hoà. Trước cuộc trao đổi trực tuyến này, ông Biden và ông Tập Cận Bình đã hai lần điện đàm với nhau. Hai bên quá hiểu nhau và từ sau khi ông Biden lên cầm quyền ở Mỹ, tuy người này làm rất găng với Trung Quốc nhưng Mỹ và Trung Quốc vẫn duy trì tiếp xúc và đối thoại cả trực tiếp lẫn trực tuyến ở cấp cao.

Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chào nhau qua video trong cuộc họp thượng đỉnh sáng 16/11 (theo giờ Bắc Kinh). (Ảnh: TÂN HOA XÃ)Cả ông Biden lẫn ông Tập Cận Bình đều bước vào cuộc gặp trực tuyến này với  thế mạnh đối nội được tăng cường. Ông Tập Cận Bình có được sự củng cố vị thế quyền lực nhờ hội nghị đảng ngay trước đấy. Ông Biden tuy bị sa sút uy tín cá nhân trong thăm dò dư luận ở Mỹ nhưng lại thông qua được tại lưỡng viện lập pháp Mỹ chương trình tài chính quy mô lớn đầu tư vào cơ sở hạ tầng, phát triển công nghệ chống biến đổi khí hậu trái đất và giải quyết các vấn đề xã hội. Liên quan đến Trung Quốc thì chương trình tài chính này đóng vai trò rất quyết định tới mục tiêu của ông Biden là vượt xa Trung Quốc trên thế giới về khoa học kỹ thuật hiện đại và công nghệ cao. Cả hai hiện đều không có lợi ích thiết thực và lợi ích cơ bản nào để nhượng bộ nhau. Điều này đã có thể nhận thấy được từ trước khi sự kiện lớn diễn ra.

Bất ngờ ở chỗ hai bên thể hiện rất thiện chí và thân mật với nhau. Ông Biden làm găng với Trung Quốc còn hơn cả người tiền nhiệm mà vẫn được ông Tập Cận Bình coi là người bạn cũ. Cuộc gặp kéo dài nhiều giờ đồng hồ và tất cả mọi vấn đề khúc mắc đều được đề cập nhưng không bên nào gay gắt với bên nào, không chỉ trích hay phê phán lẫn nhau, không nặng lời cáo buộc mà chỉ cảnh báo bóng gió lẫn nhau.

Rất có thể vì thực chất không đạt tiến triển gì nên cả hai phải coi trọng hình thức biểu hiện và dùng nó bù lấp cho sự thiếu vắng của thực chất. Dường như cả hai phía trước cuộc gặp đã ý thức được rằng không thể đạt được bất kỳ sự khai thông đột phá nào cho mối quan hệ giữa hai bên. Nhưng họ đều chủ ý biểu hiện ra bên ngoài là Mỹ và Trung Quốc vẫn luôn có thể tiếp xúc và đối thoại được với nhau bất chấp quan hệ song phương hiện tồi tệ đến mức độ nào và hai bên dẫu xung khắc nhau đến mấy trên mọi phương diện thì vẫn có thể hợp tác được với nhau. Hai bên hiện chưa chặn được đà sa sút của quan hệ hợp tác song phương nhưng xem ra vẫn kiểm soát được diễn biến tình hình.

Một kết quả được bên ngoài đặc biệt để ý là Trung Quốc chấp nhận trao đổi với Mỹ về giải trừ quân bị. Hai bên không nêu cụ thể vũ khí hạt nhân nhưng thực chất là trao đổi về kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc để tạo "cân bằng chiến lược" - khái niệm mà xưa nay chỉ mới thấy được sử dụng trong chuyện giải trừ vũ khí hạt nhân giữa Mỹ và Nga.

Cả về biểu hiện ra bên ngoài lẫn trong thực chất, cuộc gặp trực tuyến giữa ông Biden và ông Tập Cận Bình vừa qua không khác gì nhiều so với cuộc gặp trực tiếp giữa ông Biden và tổng thống Nga Vladimir Putin hồi giữa năm nay ở Thuỵ Sỹ: Hai bên trao đổi thẳng thắn nhưng trong hài hoà, hai bên đạt được kết quả nào đấy nhưng chưa có được bước khai thông đột phá. Tình trạng này chắc còn chế ngự mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc thêm thời gian nữa./.

Hoàng Lan

 

Bình luận

    Chưa có bình luận