Vượt qua thử thách đầu tiên

Cuộc bầu cử quốc hội vừa rồi là thử thách đầu tiên của tân Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida.

 

Cuộc bầu cử quốc hội vừa rồi là thử thách đầu tiên của tân Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida. Người này trở thành Thủ tướng của Nhật Bản thông qua sự thay đổi nhân sự lãnh đạo Đảng Dân chủ Tự do Nhật Bản đang cầm quyền và cần sự hợp pháp hoá quyền lực thông qua sự phán quyết của cử tri Nhật Bản.

Ông Kishida đã vượt qua thử thách đầu tiên này chưa hẳn ngoạn mục nhưng với kết quả rất đáng nể. Đảng LDP của ông Kishida giành về được 276 trong tổng số 465 ghế dân biểu của hạ viện và đảng Komeito liên minh với đảng LDP từ lâu nay có được 17 ghế dân biểu. Liên minh cầm quyền này không bảo vệ được số lượng 305 ghế dân biểu đã có trong nhiệm kỳ hạ viện trước, nhưng đa số của liên minh cầm quyền vẫn áp đảo và đặc biệt là vượt quá số lượng 261 dân biểu cần thiết để nắm giữ quyền kiểm soát và vị trí chủ tịch 17 uỷ ban chuyên môn của hạ viện Nhật Bản. Cho dù chiến thắng có vị đắng, kết quả bầu cử này giúp đảng LDP duy trì được vị thế nổi trội và ảnh hưởng áp đảo trên chính trường Nhật Bản.

Fumio Kishida phát biểu tranh cử ở thủ đô Tokyo, Nhật Bản, hôm 17/9. (Ảnh: Reuters)

Phe đối lập vẫn còn quá yếu nên chưa trở thành sự lựa chọn quyền lực thay thế ngang ngửa với liên minh cầm quyền của đảng LDP và đảng Komeito. Ông  Kishida không phải gương mặt mới lạ gì trên chính trường và đối với cử tri Nhật Bản. Cử tri Nhật Bản trên thực tế đã không có được nhiều sự lựa chọn khả dĩ ở lần bầu cử quốc hội này. May mắn và thách thức đối với ông Kishida cũng chính ở đấy. Nó giúp ông Kishida có cơ hội để tránh được cái dớp đoản thọ quyền lực của người đứng đầu chính phủ ở Nhật Bản. Ngoài một lần bị gián đoạn vài năm, kể từ năm 1950 trở lại đây, đảng LDP cầm quyền liên tục ở Nhật Bản nhưng lại chỉ có rất ít thủ tướng thuộc đảng này trị vì lâu hơn một nhiệm kỳ 4 năm. Thách thức tới đối với ông Kishida là cuộc bầu cử thượng viện vào mùa hè năm tới. Chỉ khi phe liên minh cầm quyền hiện tại giành về phần thắng trong cuộc bầu cử tới này thì vị Thủ tướng đương nhiệm mới tránh khỏi kết cục số phận đoản thọ chính trị quyền lực. Kết quả như trên của cuộc bầu cử hạ viện vừa rồi cho thấy cử tri xứ Phù Tang chủ ý dành cho ông Kishida cơ hội thể hiện và tự khẳng định mình cho tới cuộc bầu cử thượng viện vào năm sau.

Đối phó dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus corona gây ra, khôi phục và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cải cách xã hội và ứng phó với thách thức an ninh từ Trung Quốc và Triều Tiên là những nội dung cầm quyền chiếm vị trí hàng đầu trên chương trình nghị sự cầm quyền tới đây của ông Kishida. Phe liên minh cầm quyền không thắng trong cuộc bầu cử thượng viện tới ở Nhật Bản thì thời kỳ cầm quyền của ông Kishida rồi cũng sẽ đoản thọ như đại đa số những người tiền nhiệm trên cương vị thủ tướng Nhật Bản.

Cái khó lớn nhất đối với ông Kishida là bị giằng xé giữa chủ thuyết Abenomics và "chủ nghĩa tư bản mới", giữa sự cần thiết phải thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ và chủ trương phân phối lại, giữa phải đối phó Trung Quốc và Triều Tiên về an ninh với cùng tồn tại hoà bình giữa tất cả các nước trong khu vực Đông Bắc Á. Nếu cứ theo tư duy chính sách cầm quyền đã trở thành lối mòn trong đảng LDP thì ông Kishida khó có thể vượt qua được những giới hạn và kiềm toả hữu hình cũng như vô hình hiện tại. Còn nếu muốn thay đổi thật sự để có bản sắc cầm quyền riêng ở Nhật Bản thì ông Kishida phải dần rời xa những thế lực trong nội bộ đảng LDP đã giúp mình trở thành người đứng đầu chính phủ Nhật Bản, sẽ phải từ bỏ cả chủ thuyết Abenomics hoặc ít nhất thì cũng phải làm mới chủ thuyết này. Thời nay, chính trường Nhật Bản không xáo trộn dồn dập hay mất ổn định, nhưng ranh giới giữa ổn định và trì trệ thường lại rất mong manh. Ông Kishida có được sự hợp pháp hóa cương vị cầm quyền và được cử tri trao cờ để phất. Nhưng phất cờ như thế nào trong thời gian tới lại là chuyện khác./.

Hoàng Lan

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận