Chính trị ngoại giao xưa nay hiếm

Bất hòa mới bùng phát giữa Thổ Nhĩ Kỳ và các đồng minh trong NATO và châu Âu là chuyện xưa nay chưa từng thấy trong chính trị và ngoại giao thế giới.

 

Bất hòa mới bùng phát giữa Thổ Nhĩ Kỳ và 10 quốc gia khác mà đa phần đều là đồng minh quân sự truyền thống của Thổ Nhĩ Kỳ trong NATO và đối tác quan trọng của nước này ở châu Âu là chuyện xưa nay chưa từng thấy trong chính trị và ngoại giao thế giới. 

Mười quốc gia này là Mỹ, Đức, Pháp, Hà Lan, Canada, Phần Lan, Na Uy, Thụy Điển, Đan Mạch và New Zealand. Nguyên nhân của vụ việc là đại sứ của 10 nước này ở Thổ Nhĩ Kỳ cùng nhau lên tiếng yêu cầu chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ trả tự do cho nhà hoạt động văn hoá Osman Kavala bị chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ giam từ 4 năm nay. Tháng 12/2019, Toà án nhân quyền châu Âu đã đưa ra phán quyết yêu cầu chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ phải trả tự do cho ông Kavala. Động thái nói trên của 10 vị sứ thần khiến tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đầu tiên doạ và sau đó thổ lộ ý định trục xuất tất cả 10 vị đại sứ này. Ông Erdogan nói với giới báo chí như thế nhưng Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ lại không thấy triển khai thực hiện cụ thể. Không lâu sau đấy, tất cả 10 vị đại sứ kia đều thông qua mạng xã hội chứ không dùng công hàm ngoại giao chính thức khẳng định cam kết thực hiện nghiêm chỉnh và đầy đủ Điều 41 của Công ước Viên về quan hệ ngoại giao giữa các quốc gia trên thế giới. Nội dung của điều này là các nhà ngoại giao không được can thiệp vào công chuyện nội bộ của nước sở tại. Ngay sau đấy, ông Erdogan tuyên bố rằng các nhà ngoại giao kia đã hiểu ra chuyện, nhìn ra vấn đề và có nhận thức khác trước nên không bị trục xuất nữa.

Ảnh minh họa: ReutersVụ việc chỉ có như vậy nhưng cũng đã đủ để trở thành chuyện tày đình về chính trị và ngoại giao thế giới. Xưa nay chưa từng thấy xảy ra chuyện có nhiều vị sứ thần bị tuyên bố trục xuất cùng lúc như vậy mà lại đều là đồng minh quân sự truyền thống và đối tác hợp tác quan trọng của nhau. Trong thực tiễn ngoại giao thế giới xưa nay cũng chưa từng thấy sứ thần của nhiều quốc gia liên danh hợp lực cùng yêu cầu chính quyền sở tại thay đổi quyết sách đối nội. Cả hai phía đều đã đi quá xa nên phải nhanh chóng cài số lùi.

Ông Erdogan vốn không chấp nhận mọi phê trách của bên ngoài về chính sách đối nội của mình. Làm găng với các đồng minh và đối tác bên ngoài là sách lược của ông Erdogan sử dụng để trang trải nhu cầu đối nội. Nhưng các nước kia đều là đồng minh và đối tác rất quan trọng của Thổ Nhĩ Kỳ về chính trị, quân sự, an ninh, kinh tế và thương mại, về chính trị thế giới cũng như địa chiến lược khu vực. Quan hệ hợp tác xấu đi nghiêm trọng sẽ rất tai hại đối với Thổ Nhĩ Kỳ.

Mười nước kia coi trọng chủ đề nội dung dân chủ, nhân quyền và nhà nước pháp quyền theo hệ tiêu chí và quy chuẩn giá trị của họ trong quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ nhưng cũng sẽ bị lợi bất cập hại lớn nếu làm cho quan hệ của họ với Thổ Nhĩ Kỳ bị đổ bể.

Vì thế, sau khi xô đẩy nhau vào mối bất hòa mới, cả hai phía đều phải nhanh chóng tìm cách hạn chế tổn hại. Không bên nào nhận là đã sai trong chuyện này để giữ thể diện và không bị coi là yếu thế. Ông Erdogan chỉ chủ ý dọa thôi chứ không thật sự có ý định trục xuất 10 vị sứ thần này và chỉ đợi có cớ, có dịp hay có diễn biến mới thích hợp là sẽ cài số lùi. Các vị sứ thần kia dùng cách thể hiện trên mạng xã hội cam kết không can thiệp vào công chuyện nội bộ của Thổ Nhĩ Kỳ để vừa tạo động thái cho ông Erdogan suy diễn biện luận vừa tránh không phải xin lỗi chính thức hay xử lý tiếp vụ việc này theo con đường ngoại giao chính thức. Ở đây đều thấy khiên cưỡng một cách vụng về. Một phía chẳng bị khảo vẫn xưng trong khi bên kia có phần ngộ nhận trong suy diễn. Về bên ngoài, mối bất hoà này đã được khắc phục nhưng trong thực chất hai bên đâu có thể đã hài lòng với nhau. Lửa âm ỉ rồi sẽ còn bùng cháy./.

Hoàng Lan

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận