Chỉ chia xa, không dứt bỏ

Mối quan hệ giữa Nga và NATO rồi cũng có ngày trở lại bình thường, nhưng ngày ấy cách hiện tại khá xa...

 

Phản ứng của Nga về những động thái của NATO đối với Nga trong thời gian vừa qua quyết liệt đến mức phía NATO không thể ngờ tới. Sau khi NATO sử dụng đúng phương cách mà Mỹ, EU và một số đồng minh khác vốn đã rất nhiều lần từ trước đến nay đối với Nga là trục xuất các nhà ngoại giao và nhân viên của Nga làm việc tại các đại sứ quán và lãnh sự quán của Nga để giảm số lượng nhân viên làm việc trong phái bộ đại diện của Nga ở NATO, phía Nga đã quyết định ngừng hoạt động của chính phái bộ này. Đồng thời, Nga cũng chấm dứt luôn hoạt động của phái bộ đại diện của NATO ở Nga. Trên danh nghĩa chính thức, như thế không có nghĩa là Nga cắt đứt quan hệ ngoại giao với NATO. Nhưng trên thực tế thì Nga đã ngừng kênh tiếp xúc và trao đổi trực tiếp giữa Nga và NATO.

ảnh minh họa: KTSự tồn tại của phái bộ đại diện của bên này ở bên kia đã từng được coi là biểu hiện đặc trưng nhất của quan hệ bình thường giữa NATO và Nga. Kênh tiếp xúc và trao đổi trực tiếp này đóng vai trò rất quyết định tới việc kịp thời thông tin liên lạc giữa hai bên để ngăn ngừa sự cố gây hệ luỵ nghiêm trọng, khắc phục hiểu nhầm, đoán sai về ý đồ của nhau để cùng kiểm soát tình hình chính trị an ninh ở châu Âu. Đối với NATO, giữ Nga trong mối quan hệ hợp tác chính trị an ninh và quân sự như thế đặc biệt quan trọng trên phương diện đối phó với những gì mà NATO coi là thách thức hay đe dọa về an ninh từ phía Nga đối với các nước thành viên NATO ở châu Âu, nhất là từ những mưu tính chiến lược quân sự hay hoạt động quân sự cụ thể của Nga. Mối quan hệ hợp tác này còn giúp NATO ngăn ngừa khả năng Nga và Mỹ đi đêm với nhau trong những vấn đề chính trị an ninh thời sự của thế giới và của châu Âu cũng như không để Nga sử dụng sách lược đánh lẻ, chơi riêng nhằm phân rẽ nội bộ NATO. Từ sau khi Nga tiếp nhận Crimea, NATO thực thi một số biện pháp chính sách trừng phạt Nga. Cũng từ đó, Hội đồng NATO - Nga gần như không còn hoạt động hoặc dẫu có nhóm họp được vài lần thì cũng đều chẳng đưa lại kết quả đáng kể gì.

Trong khi đó, phía NATO đầu tiên trục xuất 10 trong số 30 nhân viên của Nga trong phái bộ đại diện của Nga ở NATO. Vừa mới đây, NATO trục xuất 8 nhân viên của Nga ở đó với cáo buộc hoạt động gián điệp hoặc không công khai với NATO là nhân viên của cơ quan tình báo của Nga. Ngoài ra, NATO còn không để cho Nga cử 2 nhân viên đến luân chuyển 2 nhân viên của Nga trong phái bộ này khiến Nga chỉ còn 10 nhân viên ở đấy.

Đối với Nga, ở những động thái này của NATO có 2 điều không thể chấp nhận được. Thứ nhất, chúng gây tổn hại trực tiếp đến thể diện và uy danh quốc tế của Nga. Cả về đối nội lẫn đối ngoại, Nga bây giờ đều có nhu cầu thiết thực và cấp thiết là phải thể hiện phản ứng thật sự mạnh mẽ và gay gắt đối với NATO. Thứ hai, NATO làm cho Nga không thể không cảm nhận thấy là bị thất thế và yếu thế trước NATO. Trong khi đó, thực tiễn lâu nay lại cho thấy cả hai bên đều cần hợp tác với nhau nhưng rõ ràng NATO cần Nga hơn là Nga cần NATO. Để giải quyết ổn thỏa và lâu bền mọi vấn đề chính trị an ninh của thế giới và của châu Âu, NATO phải cầu cạnh Nga nhiều hơn hẳn so với ngược lại. Giải trừ vũ khí hạt nhân hay vấn đề Ukraine bao gồm cả vấn đề Crimea và chuyện nội bộ của Ukraine, vấn đề an ninh mạng hay chống khủng bố, Syria hay Afghanistan, vấn đề hạt nhân của Iran hay chuyện ly khai lãnh thổ ở một số nước trên châu lục đều chỉ có thể được giải quyết với vai trò rất quyết định của Nga. Mối quan hệ giữa Nga và NATO rồi cũng có ngày trở lại bình thường, nhưng ngày ấy cách hiện tại khá xa và từ nay cho tới ngày ấy, NATO vẫn còn phải quan ngại nhiều hơn Nga./.

Hoàng Lan

 

Bình luận

    Chưa có bình luận