Khó coi Covid-19 như bệnh đặc hữu, vaccine vẫn là ưu tiên số 1

Nếu không thể loại bỏ hoàn toàn Covid-19, chúng ta vẫn phải đặt mục tiêu kiềm chế, giảm số ca bệnh càng gần mức 0 càng tốt để ngăn chặn đại dịch bùng phát mạnh.

 

Khi New Zealand chuyển hướng từ chiến lược loại bỏ hoàn toàn virus SARS-CoV-2 sang khống chế, chung sống với dịch, những người cho rằng Covid-19 sẽ trở thành một bệnh đặc hữu và một phần của cuộc sống có vẻ như không hiểu hoặc phớt lờ rằng điều này thực sự có ý nghĩa gì.

Sẽ rất khó để chung sống với Covid-19 như một bệnh đặc hữu. Ảnh minh họa: Getty.

Bài viết của nhóm tác giả: giáo sư John Donne Potter tại Đại học Massey, ông Graham Le Gros - Giám đốc và trưởng nhóm nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Y khoa Malaghan - Đại học Victoria Wellington, giáo sư Rod Jackson tại Đại học Auckland đăng trên The Conversation cho rằng, loại bỏ hoàn toàn là một khái niệm phức tạp bởi vì nó bao hàm sự tận diệt, nhưng hiện chúng ta mới chỉ loại trừ được một căn bệnh ở người - bệnh đậu mùa - và gần đạt được mục tiêu này với một số căn bệnh khác.

Đối với một số người, việc không tiếp tục chiến lược loại bỏ hoàn toàn Covid-19 cũng đồng nghĩa là giờ đây chúng ta nên để virus lây lan. Nhưng câu chuyện không đơn giản chỉ có vậy. Nếu không thể loại bỏ hoàn toàn Covid-19, chúng ta vẫn phải đặt mục tiêu kiềm chế, giảm số ca bệnh càng gần mức 0 càng tốt để ngăn chặn đại dịch bùng phát mạnh. Bởi lẽ, sẽ rất khó để chung sống với Covid-19 như một bệnh đặc hữu.

Biến thể Delta lây lan một cách đáng ngại và không có biện pháp kiểm soát, trung bình mỗi người bị nhiễm biến thể này sẽ lây lan cho 6 người khác. Mức độ lây lan khủng khiếp này khiến chúng ta cần phải tiếp tục tiêu diệt virus hoặc giữ cho số ca bệnh duy trì ở mức thấp. Và các biện pháp bảo vệ như tiêm chủng, đeo khẩu trang, giữ khoảng cách... vẫn luôn cần thiết.

Biến thể Delta không giống như bệnh cúm

Các bệnh nhiễm trùng lưu hành phổ biến nhất mà chúng ta thường gặp bao gồm cảm lạnh thông thường (do hàng trăm loại virus khác nhau gây ra) và bệnh cúm (do một nhóm virus cúm gây ra).

Những người mắc Covid-19 thể nhẹ, thậm chí không có triệu chứng hoặc nhẹ hơn cả bị cúm, sẽ quên mất rằng bị cúm sẽ thực sự kinh khủng thế nào. Họ cũng có thể quên rằng, ngay cả khi được tiêm phòng hiệu quả, bệnh cúm vẫn có nguy cơ tử vong khoảng 0,1%. Bệnh này giết chết khoảng 500 người ở New Zealand mỗi năm.

Một số người dường như mong đợi Covid-19 sẽ trở thành một loại bệnh đặc hữu, cho rằng “một căn bệnh sẽ trở thành đặc hữu khi nó có thể được kiểm soát”. Đây không phải là sự thật. Có thể kiểm soát được không phải là một phần định nghĩa về bệnh đặc hữu. Một căn bệnh trở thành đặc hữu khi nó luôn luôn xuất hiện ít nhiều trong một quần thể nhất định. Định nghĩa không quan tâm đến việc liệu căn bệnh đó có được kiểm soát hay không.

Cúm theo mùa có hệ số lây nhiễm (R0) khoảng 1,5, nghĩa là trung bình một người bị nhiễm sẽ lây bệnh cho ít hơn hai người khác. Đây là lý do tại sao nó rất ít có nguy cơ lây lan mạnh. Dịch cúm hàng năm giảm vì chúng ta có vaccine hiệu quả và vì các điệu kiện trong mùa hè ít thuận lợi hơn cho sự tồn tại của virus.

Biến thể Delta có R0 ít nhất là 6 và thậm chí các nhà khoa học đã cảnh báo về những biến thể mới xuất hiện có thể còn mạnh hơn. Như vậy, sẽ không có mùa cho Covid-19, không có sự gián đoạn trong việc lây truyền và cũng chẳng có sự suy giảm về khả năng lây nhiễm. Thực tế là thế giới vẫn đang phải vật lộn chống đỡ với loại virus này trong suốt 18 tháng qua, với số lượng ca mắc tăng đột biến ở khắp mọi nơi, vào bất kỳ mùa nào.

Không dễ để coi Covid-19 là bệnh đặc hữu

Nếu Covid-19 trở thành bệnh đặc hữu, gánh nặng với hệ thống chăm sóc sức khỏe được cho là sẽ rất lớn. Bởi lẽ, bệnh này sẽ gây ra các đợt dịch lớn, khó dự đoán được số người nhập viện. Các chùm ca bệnh và sóng dịch sẽ là đặc trưng của Covid-19 đặc hữu. Điều này đã được chứng minh qua các đợt dịch khi Covid-19 khiến hệ thống y tế ở nhiều nơi chao đảo.

Và nếu Covid-19 trở thành bệnh đặc hữu, thuốc kháng virus Molnupiravir sẽ là một sự bổ sung quan trọng cho bộ công cụ phòng, chống dịch vì nó có giá thành rẻ hơn rất nhiều so với kháng thể đơn dòng, dễ bảo quản, dễ vận chuyển và mọi người có thể tự sử dụng tại nhà.

Các thử nghiệm chưa được công bố cho thấy, phương pháp điều trị tốt có thể giúp làm giảm một nửa số ca nhập viện, cải thiện đáng kể tình trạng bệnh ở những người mắc Covid-19. Nhưng nó sẽ không giúp làm giảm số ca mắc.

Điều trị vẫn luôn chỉ giải pháp đứng sau phòng ngừa, các biện pháp y tế công cộng và tiêm chủng mới là ưu tiên hàng đầu để làm giảm số ca bệnh. Cần phải lưu ý, nếu Covid-19 trở thành bệnh đặc hữu, khi hệ thống chăm sóc sức khỏe không thể đáp ứng được làn sóng dịch bệnh mới thì sẽ có nhiều người chết hơn.

Thêm nữa, bệnh đặc hữu Covid-19 do biến thể Delta gây ra có R0 gấp khoảng 5 lần so với bệnh cúm, người tiêm chủng đầy đủ vẫn có thể bị nhiễm và lây lan cũng dồng nghĩa với việc vẫn có hàng nghìn ca nhập viện và tử vong mỗi năm.

Chỉ cần bốn chu kỳ lây nhiễm biến thể Delta có thể dẫn đến số ca mắc nhiều hơn gấp 250 lần so với bốn chu kỳ của bệnh cúm. Bệnh cúm ít để lại hậu quả về sau, còn Covid-19 gây tổn thương lâu dài cho phổi, tim, não... Chi phí điều trị Covid-19 cũng cao hơn rất nhiều so với bệnh cúm.

Nếu covid-19 trở thành bệnh đặc hữu, hệ thống chăm sóc sức khỏe sẽ luôn trong tình trạng căng thẳng và quá tải, trường học có thể bị đóng cửa bất cứ lúc nào, nền kinh tế bị gián đoạn... Mọi người sẽ không quan tâm đến chiến lược hiện tại gọi là gì, miễn là các biện pháp bảo vệ phát huy được hiệu quả cho đến khi tiến đến được phổ cập tiêm chủng.

Cuối cùng, có lẽ sẽ cần phải có một loại vaccine hiệu quả hơn nữa để có thể bảo vệ mọi người không bị nhiễm bệnh vì sẽ rất khó để có thể sống chung với Covid-19 như một bệnh đặc hữu./.

Theo VOV.VN

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận