Phát hiện trên được đưa ra trong bài viết “Viễn cảnh: COVID-19 mở rộng từ Con người sang Động vật” đăng trên trang web tiếng Anh China CDC Weekly của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc. Ông Cao Phúc, Giám đốc trung tâm là đồng tác giả.
Bài viết cho rằng, vật chủ của SARS-CoV-2 đang mở rộng và vẫn chưa kết thúc. Cần thực hiện xét nghiệm sàng lọc quy mô lớn đối với động vật hoang dã dễ lây nhiễm, để theo dõi tình trạng lây lan và biến thể của virus.
Bài viết chỉ ra rằng, ngoài con người, một số loài động vật có vú cũng nhiễm SARS-CoV-2. Trong đó có cả động vật nuôi nhốt và động vật hoang dã.
Trong số các động vật này, mèo, chó, sư tử, hổ, chồn trong vườn thú bị nhiễm khi tiếp xúc với bệnh nhân Covid-19. Trong các thí nghiệm lây nhiễm ở người, thỏ, lợn, cáo, cầy hương được coi là những vật chủ có khả năng dễ lây nhiễm. Trong tự nhiên, báo tuyết, báo sư tử và khỉ đột đã được phát hiện nhiễm SARS-CoV-2.
Cũng theo bài viết, hầu hết các trường hợp mắc bệnh ở động vật xảy ra trên các loài được con người nuôi dưỡng. Tuy nhiên, virus đang có xu hướng lây sang động vật hoang dã.
Bài viết trích dẫn xét nghiệm huyết thanh của Bộ Nông nghiệp Mỹ năm 2021, với kết quả được công bố vào tháng 7, cho thấy tỷ lệ dương tính với kháng thể của SARS-CoV-2 lên tới 40% trong số 600 mẫu hươu đuôi trắng hoang dã (Odocoileus virginianus) ở Mỹ. Trong khi kháng thể chỉ được phát hiện trong 1 và 3 mẫu hươu đuôi trắng năm 2019 và 2020.
Theo bài viết, hiện chưa rõ sự lây nhiễm ở hươu đuôi trắng hoang dã liệu có phải từ con người hay không. Tuy nhiên, sự gia tăng số lượng các mẫu dương tính cho thấy SARS-CoV-2 đã lan rộng trong loài động vật này.
Bài viết cho rằng, sự mở rộng của vật chủ SARS-CoV-2 đã được “chứng thực đầy đủ”, sự mở rộng này vẫn đang tiếp diễn và có thể ảnh hưởng tới con người.
Tác giả bài viết còn trích dẫn các nghiên cứu cho thấy, một số loài động vật có thể dễ lây SARS-CoV-2, như dơi ăn quả Ai Cập (Rousettus aegyptiacus), khỉ đuôi dài (Macaca fascicularis), chuột đồng (Myodes glarolus) và chuột hươu Bắc Mỹ (Peromyscus maniculatus).
Trên cơ sở đó, bài viết cho rằng, hầu hết các loài động vật hoang dã trên cạn vẫn chưa được kiểm tra về khả năng lây nhiễm SARS-CoV-2 và các thí nghiệm có thể chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”.
Trong khi đó, nghiên cứu về khả năng lây nhiễm của động vật hoang dã trên biển (đặc biệt là động vật có vú ở biển) vẫn còn thiếu và các giả thiết về vật chủ ban đầu của virus “vẫn chưa có kết luận”.
Tác giả nhấn mạnh, hiện một số biến thể của virus đang trở nên dễ lây nhiễm hơn và có khả năng kháng huyết thanh trong giai đoạn phục hồi cũng như vaccine, gây ra mối đe dọa toàn cầu đối với sức khỏe cộng đồng. Cuộc “cạnh tranh” giữa sự tiến hóa của Covid-19 và các chiến lược ứng phó của con người sẽ còn tiếp tục trong thời gian tới.
Theo bài viết, cần sàng lọc SARS-CoV-2 trên quy mô lớn đối với động vật hoang dã trên cạn và trên biển, đặc biệt là động vật hoang dã dễ lây, để theo dõi tình trạng lây nhiễm và biến thể của virus ở loài động vật này và xây dựng các chiến lược phòng chống, đồng thời cung cấp thêm manh mối cho việc nghiên cứu nguồn gốc và sự lây lan giữa các loài của SARS-CoV-2./.
Bích Thuận/VOV-Bắc Kinh