'Trung Quốc xin gia nhập CPTPP là lời cảnh tỉnh lớn với Mỹ'

Ông Ted Osius, cựu Đại sứ Mỹ tại Việt Nam nhận định, việc Trung Quốc xin gia nhập CPTPP là một lời cảnh tỉnh lớn đối với Mỹ.

 

Mỹ đang bỏ lỡ một số lợi ích trong bối cảnh dòng chảy thương mại gia tăng đáng kể từ khi Hiệp định đối tác Toàn hiện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực vào năm 2018. Việc Trung Quốc xin gia nhập CPTPP là một lời cảnh tỉnh lớn đối với Mỹ. Đây là nhận định của ông Ted Osius, cựu Đại sứ Mỹ tại Việt Nam và hiện là Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Hội đồng kinh doanh Mỹ - ASEAN trong cuộc trả lời phỏng vấn của phóng viên VOV thường trú tại Mỹ.

Phóng viên Phạm Huân/ phỏng vấn ông Ted Osius, cựu Đại sứ Mỹ tại Việt Nam qua video.

PV: Ông nghĩ thế nào về khả năng nước Mỹ quay trở lại Hiệp định CPTPP và tại sao cần phải làm như vậy?

Ông Ted Osius: Theo tôi, ở châu Á, thương mại là chiến lược. Và các nước châu Á, cụ thể là các nước trong ASEAN đều muốn có thỏa thuận thương mại với nước Mỹ. Và tôi nghĩ rằng thương mại cho phép chúng tôi phục hồi sự hiện diện của mình ở khu vực châu Á. Có một số lo ngại trong nước khiến việc tái gia nhập một tổ chức thương mại đa phương lớn như CPTPP khó khăn vào lúc này.

Nhưng điều đó có nghĩa là chúng tôi đang bỏ lỡ một số lợi ích, một số phương thức mà thương mại sẽ mang lại lợi ích cho nền kinh tế Mỹ, bởi vì chúng ta đã biết rằng các bên tham gia CPTPP đã chứng kiến ​​sự gia tăng đáng kể trong dòng chảy thương mại kể từ khi hiệp định có hiệu lực vào năm 2018. Vì vậy, tôi tự hỏi nếu Mỹ có thể đàm phán một thỏa thuận kinh tế kỹ thuật số, một thỏa thuận ngành cụ thể, điều này sẽ mang lại cho Mỹ khả năng tiếp cận tốt hơn với nền kinh tế internet đang phát triển nhanh chóng của châu Á, theo dự kiến, chỉ riêng ASEAN được dự đoán sẽ tăng lên 300 tỷ USD vào năm 2025.

Điều này sẽ tạo ra việc làm được trả lương cao cho người lao động Mỹ. Và nó sẽ giúp ích cho một số doanh nghiệp nhỏ của chúng tôi, các nhà xuất khẩu. Có 290.000 doanh nghiệp nhỏ ở Mỹ tham gia xuất khẩu dựa vào các công cụ kỹ thuật số xuyên biên giới để tiếp cận các thị trường châu Á và cụ thể là ASEAN.

Ảnh: VNAPV: Giờ đây Trung Quốc đã nộp đơn xin gia nhập CPTPP, ông có nghĩ rằng Trung Quốc nghiêm túc về điều này hay họ chỉ muốn kiểm tra khả năng của các thành viên CPTPP trong việc hợp tác với nhau để ngăn chặn sự trỗi dậy của Trung Quốc khi không có Mỹ hay không? Hay có bất kỳ lý do nào khác đằng sau ý định của Trung Quốc?

Ông Ted Osius: Chắc chắn là Trung Quốc nghiêm túc và tôi lo lắng về những người không nghĩ Trung Quốc nghiêm túc vì có rất nhiều thành viên CPTPP có thể nghĩ rằng sẽ có lợi nếu có Trung Quốc trong tổ chức hơn là bên ngoài Hiệp định vì điều này có thể giúp họ quản lý một số quan hệ thương mại với Trung Quốc. Nhưng với Mỹ, việc không tham gia hiệp định, thực sự không có nhiều tiếng nói về việc ai tham gia và ai không tham gia CPTPP.

PV: Nếu Trung Quốc có thể tham gia CPTPP, cán cân khu vực có thể thay đổi về mặt chính trị và kinh tế thì các nền kinh tế thành viên khác và cả Mỹ phải lo lắng về điều gì và cần phải làm gì?

Ông Ted Osius: Tôi cho rằng việc Trung Quốc xin gia nhập CPTPP là một lời cảnh tỉnh lớn đối với Mỹ. Phần còn lại của thế giới không chờ đợi Mỹ giải quyết các thách thức chính trị nội bộ của mình. Phần còn lại của thế giới đang tiến về phía trước và châu Á đang tiến lên về thương mại thông qua RCEP, vốn liên quan đến một phần rất lớn của nền kinh tế thế giới.

Có những nước ASEAN đang đi trước với các hiệp định thương mại song phương và đa phương. Việt Nam có hiệp định thương mại tự do với EU, Singapore đã có các hiệp định phát triển kinh tế số. Hoạt động kinh doanh thương mại và việc xây dựng quy tắc thương mại vẫn tiếp tục phát triển nhưng hiện tại không có Mỹ. Vì vậy, tôi nghĩ điều quan trọng cần được xem xét, là việc Trung Quốc và một số nước nộp đơn xin gia nhập CPTPP là một thách thức mà Mỹ nên vượt qua và nên tìm cách giải quyết bằng cách chủ động thiết lập chương trình nghị sự thương mại. 

Một tín hiệu rất tích cực theo quan điểm của tôi là Mỹ đã đề nghị đăng cai tổ chức APEC vào năm 2023. Đó là hành động của một quốc gia sẵn sàng vạch ra một chương trình nghị sự về thương mại. Và đối với những người đã nghe bài phát biểu gần đây của Đại diện thương mại Mỹ Katherine Tai, bà ấy cũng đã mở ra cánh cửa cho các cuộc thảo luận với Trung Quốc. Tôi nghĩ nó rất, rất quan trọng, nhưng bà ấy đã làm điều đó một cách rất thông minh. Bà ấy đã giải quyết một số mối quan tâm trong nước của chúng tôi và ngay sau đó tuyên bố rằng “nhưng tôi muốn nói chuyện với người Trung Quốc và tìm ra những gì có thể làm được”. Tôi nghĩ đó là một động thái rất tốt và là chỉ dấu tốt cho tương lai.

PV: Xin cảm ơn ông./.

Phạm Huân/VOV-Washington (thực hiện)

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận