Chiến tranh lạnh Mỹ-Trung Quốc sẽ nổ ra?

Một cuộc chiến tranh lạnh giữa Mỹ và Trung Quốc là điều không được mong muốn đối với thế giới.

 

Hai quan điểm về sự tồn tại của “Chiến tranh lạnh Mỹ-Trung”

Nhiều học giả và nhà bình luận tuyên bố rằng Mỹ và Trung Quốc đang tiến tới hoặc đã tham gia vào một cuộc chiến tranh lạnh mới. Thuật ngữ “chiến tranh lạnh” của nhóm này dùng để chỉ cuộc cạnh tranh chiến lược nhị cực giữa 2 siêu cường hạt nhân này cũng như giữa 2 hệ tư tưởng tương ứng của họ. Cuộc chiến đó, theo họ, sẽ rập khuôn cuộc Chiến tranh Lạnh năm xưa giữa Mỹ và Liên Xô nhằm tranh giành ưu thế toàn cầu, khiến các nước khác phải chọn phe giữa 2 siêu cường ấy. Nhưng cuộc chiến tranh lạnh mới đó được dự báo sẽ vẫn “lạnh” do không bên nào tìm cách đối đầu quân sự trực tiếp hoặc chinh phục lẫn nhau. Trên thực tế, “Chiến tranh lạnh Mỹ-Trung Quốc” sẽ được phát động chủ yếu trên lĩnh vực kinh tế, công nghệ, và chính trị.

Đồng thời, một số nhà quan sát khác cũng tự tin cho rằng sẽ không có cuộc chiến tranh lạnh Mỹ-Trung nào bởi vì Washington và Bắc Kinh trên thực tế không tham gia tranh giành ý thức hệ để chiếm thế thượng phong toàn cầu. Quan điểm của nhóm này là, Trung Quốc không muốn làm bá chủ thế giới hay phá hủy chủ nghĩa tư bản cũng như lối sống Mỹ. Cựu Đại sứ Mỹ tại Nga Michael McFaul cho biết, việc so sánh cạnh tranh Mỹ-Trung với Chiến tranh Lạnh Mỹ-Xô có nguy cơ “chẩn đoán sai bản chất của mối đe dọa này” và “hiểu sai bản chất cuộc cạnh tranh”. Và như sử gia Melvyn Leffler đã tuyên bố, Chiến tranh Lạnh năm xưa xảy ra là do “hoàn cảnh cụ thể đối diện với Mỹ sau năm 1945”.

Cạnh tranh Mỹ-Trung Quốc theo hướng chiến tranh lạnh có “tổng bằng 0”

Sự chia rẽ trong quan điểm như thế này cho thấy việc xác định chiến tranh lạnh Mỹ-Trung có diễn ra hay không là phụ thuộc vào cách định nghĩa thuật ngữ chiến tranh lạnh. Cho tới nay, Chiến tranh Lạnh Mỹ-Liên Xô là tiền lệ và mô hình lịch sử duy nhất về chiến tranh lạnh.

George Orwell – người được cho là tạo ra thuật ngữ “chiến tranh lạnh” vào tháng 10/1945 (trước khi xung đột Mỹ-Liên Xô hình thành) đã gọi cuộc đối đầu này là “hòa bình mà không phải là hòa bình”, tức là trạng thái thù địch nhưng không có xung đột vũ trang.

Cuộc cạnh tranh Mỹ-Trung Quốc đang vận động theo hướng cơ bản đó. Hiện nay Bắc Kinh không theo đuổi mục tiêu phá hủy chủ nghĩa tư bản như trước đây nhưng họ cố gắng mang lại tính chính danh toàn cầu cho mô hình quản trị “chủ nghĩa xã hội mang đặc sắc Trung Quốc”. Trung Quốc cũng đamg tìm cách tối đa hóa sự giàu có, quyền lực, và ảnh hưởng của mình, đặc biệt là trong mối quan hệ với Mỹ, chủ yếu do từ lâu Mỹ đã đóng vai trò tiêu chuẩn toàn cầu về thịnh vượng, quyền lực, và ảnh hưởng. Bắc Kinh đánh giá rằng Washington đã chọn chính sách kiềm chế trên thực tế để chống lại sự gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc. Cách đánh giá như vậy đã thúc đẩy các nhà lãnh đạo Trung Quốc làm xói mòn năng lực của Mỹ trong việc ngăn chặn các tham vọng của Trung Quốc.

Điều này tạo ra cả một cuộc cạnh tranh ý thức hệ mang tính hệ thống và một cuộc cạnh tranh cấu trúc giữa 2 cường quốc toàn cầu để giành giật ảnh hưởng đối với quốc tế, ngay cả khi phạm vi ảnh hưởng của họ không nhất thiết phải loại trừ lẫn nhau.

Mặc dù cuộc cạnh tranh đó không nhất thiết phải “có tổng bằng 0” (ý nói bên này được lợi thì bên kia phải chịu thiệt), trên thực tế cả hai bên đang ngày càng đi theo hướng đó, đồng thời đổ lỗi cho nhau về việc đó. Hai nước đang leo thang cạnh tranh trong lĩnh vực kinh tế, khoa học, và công nghệ với niềm tin rằng việc đi tiên phong toàn cầu trong các lĩnh vực này đóng vai trò thiết yếu đối với an ninh quốc gia và rằng việc phụ thuộc lẫn nhau là không thể chấp nhận được.

Họ đang ganh đua với nhau về năng lực quân sự với ý đồ thách thức an ninh, lợi ích, và chủ quyền của nhau. Họ có xu hướng quân sự hóa các tranh chấp (chủ yếu liên quan bên thứ 3) mà vốn chủ yếu mang tính chính trị và ngoại giao. Họ có vẻ đang xoáy vào tính không tương thích của hai chế độ chính trị – Mỹ coi đảng cầm quyền ở Trung Quốc là mối đe dọa đối với thể chế chính trị Mỹ, còn Trung Quốc coi Mỹ chỉ chăm chăm phá hoại Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: Reuters.

Vì sao xảy ra cục diện nguy hiểm đó?

Tình hình phức tạp này một phần là do các bên chưa thực sự hiểu nhau hoặc cố tình không hiểu góc nhìn của đối phương.

Tình hình tệ hơn nữa khi mỗi bên dường như đều cho mình là bên nắm lợi thế cao hơn trong cuộc cạnh tranh. Mỹ nhấn mạnh rằng họ sẽ đương đầu với Trung Quốc từ “vị thế của sức mạnh”, còn lãnh đạo Trung Quốc thì thể hiện thái độ phản đối rõ ràng. Bắc Kinh có vẻ tính toán rằng sự trỗi dậy của Trung Quốc và sự suy yếu của Mỹ đã đạt tới “điểm uốn” mà tại đó Trung Quốc có khả năng chống lại áp lực của Mỹ và bắt đầu đề ra những quy định riêng cho mối quan hệ giữa 2 nước. Cả hai bên đều đánh giá quá cao sức mạnh của bản thân và đánh giá thấp các điểm yếu của mình.

Nhưng đánh giá của họ như vậy nhiều khả năng là chưa chính xác. Cả hai đều tiềm ẩn trạng thái dễ bị tổn thương. Dù hai bên lên gân lên cốt với nhau, Mỹ và Trung Quốc vẫn đối mặt với những thách thức lớn trong chính nội bộ của họ và điều này làm tăng xác suất nổ ra một cuộc chiến tranh trên thực tế (theo định nghĩa của Orwell). Tình hình chính trị nội bộ ở cả Mỹ lẫn Trung Quốc đang thúc đẩy họ tiến tới một cuộc đối đầu “có tổng bằng 0”.

Phía Mỹ tin rằng Trung Quốc tạo ra mối đe dọa kiểu Liên Xô cho họ. Niềm tin ấy xuất phát từ nhiều yếu tố trong hơn 1 thập kỷ qua, đồng thời bị phồng to dưới thời ông Trump làm tổng thống Mỹ cũng như do tác động của đại dịch Covid-19. Thời kỳ này đã thổi bùng nhận thức về tình trạng quốc gia Mỹ dễ bị tổn thương, và đến lượt mình, nhận thức đó lại tạo ra nỗi ám ảnh quá đà về các mối đe dọa từ bên ngoài, đặc biệt là từ Trung Quốc.

Hoạt động gây ảnh hưởng của Trung Quốc ở nước ngoài bị xem là mối đe dọa đối với nền dân chủ Mỹ, còn năng lực vũ trụ và không gian mạng của họ bị xem là mối đe dọa đối với an ninh nội địa Mỹ. Riêng mối đe dọa của Trung Quốc đối với lối sống Mỹ có lẽ đã bị phóng đại quá nhiều.

Áp lực từ chính quyền tiền nhiệm lên chính quyền Tổng thống Mỹ Biden là rất lớn, đến mức chính quyền ông Biden khó lòng lựa chọn một cách đánh giá trung lập đối với các thách thức do Trung Quốc tạo ra cho họ, bởi vì nếu làm vậy, họ có nguy cơ bị phe Cộng hòa và thậm chí cả người của phe Dân chủ quy kết là yếu đuối trước Trung Quốc.

Do vậy, ông Biden không có khả năng hoặc không sẵn lòng rút khỏi những lựa chọn mà ông Trump đã chọn liên quan đến Trung Quốc. Tương tự, ông Biden cũng không công khai thừa nhận sự suy yếu chiến lược của Mỹ trong thế so sánh với Trung Quốc. Thay vào đó, ông nhấn mạnh chủ đề “nước Mỹ quay trở lại” và nhu cầu cạnh tranh hơn là hợp tác với Trung Quốc.

Trong khi đó, giới lãnh đạo Trung Quốc cũng nhận định rằng họ không thể để cho nhân dân nước họ coi họ là mềm yếu trước mối đe dọa từ phía Mỹ. Hơn nữa họ cũng không muốn dừng quá trình trỗi dậy hay ngừng theo đuổi mục tiêu đạt được tầm vóc và sức ảnh hưởng toàn cầu – vốn là mục tiêu của Trung Quốc trong 150 năm qua. Người Trung Quốc hiện nay tin rằng thời Trung Quốc làm đại cường quốc đã đến và họ sẽ không để cho Mỹ phủ nhận hoặc ngăn cản điều đó xảy ra. Não trạng này thể hiện rõ trong chính sách “chiến lang” của Trung Quốc. Các diễn văn và bài viết của Chủ tịch Tập Cận Bình và các nhà lãnh đạo Trung Quốc thể hiện tinh thần “tiến về trung tâm các vấn đề quốc tế” , bảo đảm đạt được mục tiêu cuối cùng là giàu có và quyền lực./.

Trung Hiếu/VOV.VN lược dịch
Nguồn: National Interest

 

Bình luận

    Chưa có bình luận