Bên trong chính sách thương mại với Trung Quốc của chính quyền Biden
Chính quyền Tổng thống Biden đã đưa ra dấu hiệu mạnh mẽ nhất cho thấy chiến lược kinh tế mang tính cạnh tranh của Mỹ với Trung Quốc sẽ tiếp tục khi những quan chức cấp cao trong chính quyền ông cho biết, Tổng thống Biden sẽ không dỡ bỏ ngay lập tức các biện pháp thuế quan với hàng hóa Trung Quốc và ông sẽ khiến Bắc Kinh chịu trách nhiệm về những cam kết thương mại từng nhất trí dưới thời cựu Tổng thống Trump.
Đại diện thương mại Mỹ Katherine Tai đã chính thức vạch ra chính sách thương mại với Trung Quốc của Nhà Trắng trong bài phát biểu trước Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược ngày 4/10 (giờ Mỹ), gần 9 tháng kể từ khi ông Joe Biden nhậm chức.
Trong bài phát biểu này, bà Tai nhận định, Trung Quốc đã không đáp ứng được một số cam kết trong thỏa thuận giai đoạn một giữa 2 quốc gia, một thỏa thuận cho phép Mỹ đơn phương tái áp đặt các biện pháp thuế quan trong những trường hợp Trung Quốc không tuân thủ.
Các cuộc đối thoại song phương cấp cao đã được tiến hành bởi các chính quyền tiền nhiệm, sau khi Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2001, nhằm "thúc đẩy Trung Quốc tuân thủ cũng như tiếp thu các quy tắc và chuẩn mực của WTO, đưa ra những thay đổi khác theo định hướng thị trường", bà Tai cho hay.
"Tuy nhiên, những cam kết này khó được đảm bảo trong những năm qua và việc tuân thủ của Trung Quốc không nhất quán", quan chức Mỹ này đánh giá.
Những bình luận được đưa ra hôm 4/10 của bà Tai và các quan chức Mỹ đã cho thấy cái nhìn đầu tiên về những kế hoạch của chính quyền Tổng thống Biden nhằm đối phó với mối đe dọa về kinh tế và an ninh ngày càng gia tăng từ Trung Quốc. Họ chỉ rõ rằng, trong khi Tổng thống Biden chỉ trích chiến lược quá cứng rắn của chính quyền cựu Tổng thống Trump thì Nhà Trắng sẽ tiếp tục đối phó với những mối đe dọa kinh tế bằng các hàng rào thương mại và biện pháp trừng phạt khác.
Điều đó bao gồm việc yêu cầu Trung Quốc duy trì những cam kết mà nước này nhất trí như một phần trong thỏa thuận thương mại đã ký với Mỹ vào tháng 1/2020 cũng như gây sức ép với Bắc Kinh về vấn đề trợ giá với những ngành công nghiệp cạnh tranh.
Trung Quốc đã phủ định việc nước này không đáp ứng các cam kết về thỏa thuận thương mại, đồng thời cho rằng đại dịch đã tạo nên những hoàn cảnh đặc biệt.
Trong một cuộc trao đổi với báo giới ngày 3/10, các quan chức cấp cao trong chính quyền Tổng thống Biden không loại trừ khả năng áp đặt bổ sung thuế quan lên Trung Quốc nếu các cuộc trao đổi không thu được những kết quả mong muốn, đồng thời cảnh báo Bắc Kinh rằng, Washington sẽ sử dụng mọi công cụ sẵn có để bảo vệ mình khỏi các chính sách công nghiệp theo định hướng nhà nước của Trung Quốc, vốn gây tổn hại cho người lao động Mỹ.
"Trong một thời gian dài, việc Trung Quốc thiếu sự tuân thủ các tiêu chuẩn thương mại toàn cầu đã làm suy yếu sự thịnh vượng của Mỹ và những nước khác trên thế giới. Chúng tôi sẽ tiếp tục đưa ra những quan ngại sâu sắc về các hành vi thương mại phi thị trường và do nhà nước quản lý của Trung Quốc", bà Tai cho hay.
Trước bài phát biểu của bà Tai, các quan chức Mỹ cho biết, Đại diện Thương mại Mỹ sẽ tổ chức một cuộc họp trực tuyến với Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc để thảo luận về thỏa thuận thương mại "trong những ngày tới".
Không xác nhận những nhân vật đàm phán ở phía đối phương, bà Tai chỉ cho biết các cuộc trao đổi này giúp bà quyết định Cơ quan Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) sẽ có những thay đổi như thế nào về chiến lược với Trung Quốc.
Bà Tai cũng khởi động một quy trình loại bỏ một số thuế nhập khẩu với hàng hóa Trung Quốc được thực hiện dưới thời cựu Tổng thống Trump.
Thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 giữa Mỹ và Trung Quốc bắt đầu vào cuối năm 2019, yêu cầu Trung Quốc gia tăng mua các loại hàng hóa và dịch vụ của Mỹ thêm 200 tỷ USD so với mức năm 2017 vào năm 2020 và 2021. Thỏa thuận này dự kiến sẽ hết hạn vào cuối năm nay trong khi Trung Quốc vẫn còn thiếu hơn 30% so với các mục tiêu trên.
Tiếp tục dùng “cây gậy và củ cà rốt”
George Magnus, một chuyên gia nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc thuộc Đại học Oxford đánh giá, chính quyền Tổng thống Biden sẽ tiếp tục theo đuổi chiến lược cây gậy và củ cà rốt nhằm tăng ảnh hưởng trong việc đối phó với Trung Quốc.
"Những vấn đề thương mại căng thẳng, chẳng hạn như việc xem xét sự tuân thủ thỏa thuận giai đoạn 1 của Trung Quốc, đóng vai trò như "cây gậy" và việc đánh giá quá trình dỡ bỏ một số loại thuế đóng vai trò như "củ cà rốt", ông Magnus cho hay.
Chính quyền Tổng thống Biden không có dấu hiệu gì cho thấy sẽ sớm làm giảm những biện pháp thuế quan mà cựu Tổng thống Trump áp đặt lên hàng hóa Trung Quốc, bất chấp sự phản đối từ các nhà kinh tế học và một số doanh nghiệp rằng chúng đã kéo lùi nền kinh tế Mỹ.
Tổng thống Biden thường chỉ trích cuộc chiến thương mại 18 tháng với Trung Quốc là phản tác dụng, song sau hơn 8 tháng trở thành tổng thống, ông Biden hầu như thông báo rất ít chính sách có sự khác biệt với chiến lược của ông Trump, ngoại trừ đề nghị làm ấm quan hệ với các đồng minh của Mỹ.
Ngoài các loại thuế quan với hàng hóa Trung Quốc, Tổng thống Biden cũng duy trì các biện pháp hạn chế đối với việc các công ty Trung Quốc tiếp cận công nghệ Mỹ, đồng thời mở rộng danh sách các quan chức Trung Quốc bị trừng phạt liên quan đến vấn đề Hong Kong.
Hướng tiếp cận cứng rắn của Tổng thống Biden với Trung Quốc diễn ra giữa bối cảnh quan hệ giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới căng thẳng đặc biệt và hầu như có rất ít sự trao đổi giữa hai bên.
Thương mại, cùng với biến đổi khí hậu, là những lĩnh vực mà hai nước có lợi ích chung, song chưa rõ liệu họ có thể tìm ra giải pháp giữa những căng thẳng hiện nay hay không.
Thỏa thuận của ông Trump đã dừng cuộc thương chiến nhưng nó không chấm dứt sự thù địch về kinh tế giữa 2 nước. Trung Quốc vẫn duy trì áp thuế với 58,3% hàng xuất khẩu từ phía Mỹ và Mỹ vẫn áp thuế lên 66,4% sản phẩm từ Trung Quốc.
Chính quyền Tổng thống Biden có thể đối mặt với nhiệm vụ thậm chí còn khó khăn hơn nhiều trong việc đạt được thỏa thuận thương mại với Trung Quốc so với chính quyền cựu Tổng thống Trump cách đây 4 năm.
Wu Xinbo, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Mỹ thuộc Đại học Fudan bình luận, quy trình đánh giá chính sách kéo dài đã phản ánh những hạn chế trong chính quyền Tổng thống Biden, vốn đang chịu sức ép từ các nhóm doanh nghiệp Mỹ để làm rõ về chính sách thương mại với Trung Quốc.
"Sự trì hoãn kéo dài này cho thấy sự chia rẽ bên trong chính quyền ông Biden khi một bên coi những biện pháp thuế quan gây tổn hại cho các lợi ích của Mỹ và bên kia vẫn coi thuế quan là một công cụ hữu hiệu trong giai đoạn đàm phán tiếp theo"./.
Kiều Anh/VOV.VN
Theo: SCMP, New York Times